Không quá “sốc”
Các quyết định giảm hàng loạt các mức lãi suất điều hành thêm 1% được NHNN công bố cuối tuần qua gây bất ngờ về thời điểm, song không phải là thông tin quá sốc với thị trường. Khả năng giảm lãi suất, đặc biệt với mặt bằng lãi suất tiền đồng làm cơ sở cho việc giảm lãi vay, thực tế được nhen nhóm từ cuối tháng 11 và liên tục được đề cập suốt các tuần đầu của tháng 12. Với trần lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng giảm từ 9% xuống còn 8%, một số NHTM nhanh chóng công bố mức lãi suất mới dù phải đến ngày hôm nay (24.12), mức lãi suất 8% mới chính thức có hiệu lực.
Sự sốt sắng của các nhà băng không quá khó hiểu. Nhờ thanh khoản được cải thiện và nguồn vốn dồi dào, xu hướng hạ lãi suất huy động xuất hiện rất sớm và ngày càng trở nên phổ biến tại các NHTM trong tháng 11 vừa qua. Xu hướng này xuất hiện không chỉ tại các NHTM lớn, mà ngay tại các NHTM nhỏ, lãi suất huy động trên 12 tháng nhờ đó giảm xuống còn 11-12%/năm tại các NHTM nhỏ và khoảng 10-11%/năm tại các NHTM lớn, tương đương mức giảm tới 1,5%/năm so với tháng 10.
Nhiều tổ chức đầu tư nhất quán cho rằng, lãi suất đang được điều tiết theo quan hệ cung cầu và việc hạ lãi suất trần sẽ không có nhiều ý nghĩa so với việc bỏ trần lãi suất. Có rất nhiều yếu tố mà trên cơ sở đó, các tổ chức đầu tư ngay từ cuối tuần qua tin rằng, lãi suất sẽ tiếp tục được điều tiết giảm về mức 7-8% đến cuối năm 2013. Yếu tố kỳ vọng lạm phát giảm (dự báo ở mức khá thấp 6-7%) và yếu tố lãi suất có động lực để giảm khi rủi ro hệ thống NH giảm theo quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của NHNN là những chỗ dựa chắc chắn cho kỳ vọng giảm lãi suất trên đây.
Gửi tiền đồng vẫn có lợi
Ngay tại thời điểm hiện nay khi lạm phát cả năm được dự báo ở mức 7%, trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng được khống chế ở mức 8% vẫn đảm bảo mức lãi suất thực dương hay có lợi cho người gửi tiền đồng. Chưa kể với đồng vốn nhàn rỗi dài hạn, người gửi tiền vẫn có thể lựa chọn các kỳ hạn dài hơn và nhận được mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay là 13%/năm.
“Nếu được lựa chọn, tôi vẫn sẽ gửi với lãi suất 8%, thay vì đổ một lượng vốn lớn vào làm ăn và liên tục gặp khó khăn như hiện nay” - anh Hà Xuân Lâm, giám đốc một Cty kinh doanh thiết bị an ninh tại Hà Nội bộc bạch.
|
Nhiều khách hàng khẳng định vẫn sẽ gửi với lãi suất 8%, thay vì đổ một lượng vốn lớn vào làm ăn và liên tục gặp khó khăn như hiện nay (ảnh minh hoạ) |
Đối với các NHTM, mức lãi suất được điều chỉnh rơi đúng vào các kỳ hạn 1-12 tháng thường có lượng tiền gửi chiếm tỉ trọng rất lớn tại các ngân hàng. Song với mức tăng trưởng huy động toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 11 đạt 15,98% và gấp gần 3 lần so với tăng trưởng 5,4% của tín dụng đến cùng thời điểm, mức giảm trên sẽ không tác động lớn đến nguồn vốn huy động của các nhà băng. Sự dư thừa vốn và khó khăn trong cho vay của các nhà băng là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng nhiệt của thị trường trái phiếu trong tháng 11.
Bản chất hiện tượng “nóng” lên của thị trường trái phiếu từ tháng 11 đến nay cũng cho thấy, đây là sự lựa chọn an toàn của các NHTM để cải thiện nguồn lãi và cân bằng chi phí vốn trước thời điểm quyết toán năm 2012.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó TGĐ ACB - cho biết, việc giảm lãi suất sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn huy động, do hiện nay NH đang thừa tiền, cho vay khó khăn. ACB thực tế đã chủ động giảm lãi suất trước khi NHNN ra quyết định. Ông Phan Huy Khang - Tổng Giám đốc Sacombank - cho biết không chỉ giảm LS huy động kỳ hạn ngắn xuống 8%/năm, từ ngày 24.12 kỳ hạn dài cũng sẽ được giảm còn 10,5%/năm, riêng kỳ hạn 13 tháng LS là 11%/năm.
Bloomberg ngày 23.12 cho hay, dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay đạt 5,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Nền kinh tế gặp khó khăn về vấn đề vay vốn trong bối cảnh các NH đối mặt nhiều khoản nợ xấu gia tăng - NH Thế giới cho biết. Bloomberg trích lời ông Chris Freund - Giám đốc Mekong Capital tại TPHCM - cho biết lý do chính của tăng trưởng tín dụng chậm trong năm nay là lãi suất quá cao, với lãi suất cho vay dao động từ 15 đến 17%. Tuy nhiên, NH HSBC, UBS AG và tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand dự đoán Ngân hàng Trung ương các nước Đông Nam Á có thể sẽ phải từ bỏ việc nới lỏng lãi suất năm nay và tăng lãi suất trở lại trong năm 2013, do nguy cơ lạm phát cao phủ bóng đen lên nền kinh tế.
BÀI ĐỌC NHIỀU:
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Theo Lao động