Người dân tại Nhà nước cộng hòa tự trị Crimea đang bỏ phiếu để quyết định có gia nhập Nga không. Phương Tây gọi cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 16/3 này là bất hợp pháp. Các lãnh đạo của Mỹ và châu Âu lên tiếng đe dọa Nga, rằng họ sẽ phải trả giá cho cuộc sáp nhập của Crimea bằng chính những giá trị kinh tế.
Các lệnh cấm vận
Châu Âu sẽ nhanh chóng áp dụng các lệnh trừng phạt với lãnh đạo Nga, bắt đầu từ thứ 2, 17/3. Họ sẽ đưa ra các hạn định, bước đầu là lệnh cấm du lịch và phong tỏa tài sản của những nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đáp trả, Nga cho biết cũng sẽ áp dụng các lệnh cấm tương tự.
Việc những lệnh cấm này chỉ áp dụng cho các cá nhân, thay vì cho các công ty Nga hoặc ngành thương mại Nga đã làm dấy lên mối lo ngại rằng cuộc Chiến tranh lạnh mới này có thể làm tổn thương sự khôi phục nền kinh tế vốn đang mong manh của khu vực.
|
Nga được cho là bên thiệt hại nặng hơn trong "canh bạc" này.
|
Nền kinh tế Nga
Trong khi các lệnh cấm phạt có thể gây tổn hại cho cả 2 phía, nhiều nhà phân tích cho rằng Nga là bên thiệt hại nặng hơn. Hiệp hội xuất khẩu châu Âu sang Nga chiếm tới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, trong khi lượng hàng hóa Nga xuất sang EU chiếm tới 15% GDP của Nga.
Cựu Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin, hiện là cố vấn cho Tổng thống Putin, cho biết, những lệnh trừng phạt hạn chế cũng có thể làm tổn hại tới vốn đầu tư trong và ngoài nước tại Nga. Các ngân hàng châu Âu đang bắt đầu đóng các dòng tín dụng tới Nga. Giới truyền thông Nga dẫn lời Kudrin cho rằng nền kinh tế Nga khó lòng có thể phát triển được trong năm nay, do ảnh hưởng của căng thẳng hiện tại.
Nền kinh tế Nga đang lao đao. Chỉ số thị trường chứng khoán chính đã giảm 20% trong năm nay và đồng rúp đã tụt xuống rất thấp so với đồng USD. Theo Ngân hàng đầu tư Nga, Renaissance Capital chỉ trong tháng 1, 2, các nhà đầu tư đã rút 33 tỉ USD ra khỏi Nga và đến cuối tháng 3, con số này có thể là 55 tỉ USD.
Nga sẽ phải đối mặt với một hóa đơn khổng lồ để hỗ trợ Crimea. 70% ngân quỹ, 90% nguồn nước, nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của khu vực này đang phụ thuộc vào Ucraine.
Giám đốc Trung tâm Woodrow Wilson, Yaroslav Pylynskyi cho rằng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thay Ucraine tiếp tục cung cấp những nhu yếu phẩm cho Crimea.
Helena Yakovlev Golani từ trường đại học Toronto, Canada ước chừng Nga sẽ phải chi khoảng 10 tỉ USD hàng năm trong vòng 5 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng, trả tiền lương hưu và các ích lợi xã hội khác cho 2 triệu người dân tại Crimea.
Nguồn cung cấp năng lượng
Khi cuộc khủng hoảng không lan rộng ra tới các khu vực khác của Ucraine, các nhà phân tích cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ được ngăn chặn và Nga sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của châu Âu.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang suy yếu, Nga sẽ không dại gì mà đánh mất nguồn lợi xuất khẩu này của mình. Và nguy cơ dừng cung cấp gas như đã từng xảy ra năm 2009 khó có cơ hội lặp lại, bởi các kho dự trữ khí của châu Âu vẫn chưa cạn và thời tiết thì đang ấm dần lên.
Kinh tế châu Âu
Thị trường châu Âu có thể sẽ phải chịu một sự mất mát nhỏ, trong thời gian ngắn từ những căng thẳng trong mối quan hệ với Nga. Đức sẽ là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi có tới hơn 6.000 công ty đang hoạt động tại Nga.
Nhiều nhà phân tích cho rằng tốc độ phát triển kinh tế của Đức vẫn được duy trì, với mức 0,1 tới 0,2% trong vòng 12 tháng tới, nếu cuộc khủng hoảng chỉ gói gọn tại Crimea. Và điều này có thể giúp châu Âu hồi phục kinh tế hoàn toàn.
Với Ukraine
Dù có hay không Crimea Ukraine vẫn cần tới hàng triệu USD trong vòng vài tháng tới để đưa đất nước trở về trạng thái ổn định.
Châu Âu đã đề nghị một khoản 15 tỉ USD cho Ukraine dưới hình thức cho vay, hỗ trợ, đầu tư và nhượng bộ thương mại trong vòng 2 năm. Mỹ cũng hứa cho
Ukraine vay bảo đảm 1 tỉ USD, Ngân hàng Thế giới dự định sẽ hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội, với số tiền lên tới 3 tỉ USD.
Một nhóm các chuyên gia thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế đang thực hiện nhiệm vụ khảo sát ở Kiev từ ngày ¾. Quỹ này cho biết nhóm sẽ ở lại Ukraine đến ngày 21/3 để bắt đầu các vòng đàm phán về hình thức cải cách kinh tế và chương trình hỗ trợ Ukraine.
Hiền Thảo (theo CNN Money)