Khu du lịch 5 sao lộng lẫy phải bồi thường 200 tỷ

Google News

Không được chấp nhận “giá bèo” 190 tỷ đồng để mua 51% cổ phần của dự án, CTX Holdings khởi kiện Công ty cổ phần Mỹ Phát và đòi bồi thường thiệt hại.

 
Ngày 22/5 vừa qua, Tòa án thành phố Đà Nẵng đã hoãn phiên tòa xét xử vụ tranh chấp giữa Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (viết tắt là CTX Holdings) và Công ty cổ phần Mỹ Phát, liên quan đến việc mua bán căn hộ và villa thuộc khu nghỉ dưỡng 5 sao Olalani.
Dự án Olalani có tổng diện tích 7 hec-ta nằm trên đường Sơn Trà – Điện Ngọc thuộc phường Khuê Mỹ quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những dự án vốn FDI lớn tại thành phố Đà Nẵng với mức đầu tư lên 50 triệu USD. Mục tiêu và quy mô của dự án này là xây dựng kinh doanh khu du lịch biển và căn hộ đạt tiêu chuẩn 5 sao bao gồm dịch vụ khách sạn, dịch vụ ăn uống, vui chơi và thể thao…
Công ty cổ phần Mỹ Phát do ông Phạm Xuân Đức (Việt kiều Mỹ) quản lý và điều hành là chủ đầu tư toàn bộ dự án Olalani. Đến nay dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo giấy chứng nhận 518/GCN về việc chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, chứng nhận về phòng cháy chữa cháy và các giấy chứng nhận khác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
 
CTX Holdings chỉ bán trên giấy tờ 25 căn hộ này và thu về 140 tỷ. Đây là thương vụ quá hời. 
Vào ngày 15/12/2009, Công ty cổ phần Mỹ Phát đã ký 2 Hợp đồng số 06 và 08/2009/ Constrexim-Mỹ Phát với CTX Holdings với nội dung Công ty cổ phần Mỹ Phát chuyển nhượng cho CTX Holdings 57 căn hộ và 2 villas thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Olalani. Tổng giá trị chuyển nhượng đã bao gồm thuế VAT là 230 tỷ đồng. Thời gian bàn giao các căn hộ là ngày 31/5/2010 và thời gian bàn giao 2 villa là ngày 30/10/2009. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, cả 2 bên buộc phải nhận thức được thỏa thuận về thời hạn bàn giao là không khả thi. Đặc biệt là đối với 2 villa vào ngày 30/10/2009 là trước ngày ký hợp đồng 1 tháng rưỡi.
Tuy nhiên, để thực hiện hợp đồng, ngày 20/5/2010 Mỹ Phát đã thực hiện việc sang tên và chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ cho CTX Holdings tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và sau đó đóng thuế theo giá chuyển nhượng là 46,3 tỷ đồng.
Trong quá trình thi công dự án, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ảnh hưởng thiên tai và thay đổi thiết kế làm chậm tiến độ nên thành phố Đà Nẵng đã chấp nhận và điều chỉnh thời hạn hoàn thành và đưa vào khai thác dự án đến tháng 3/2013. Tất cả những khó khăn trên đã được Công ty Mỹ Phát trao đổi với CTX Holdings trong quá trình thực hiện dự án và được CTX Holdings thông cảm và chia sẻ, động viên bằng việc tiếp tục đưa ra phương án cùng hợp tác đầu tư lâu dài trong quản lý và khai thác dự án sau này. CTX Holdings đã thể hiện quyết tâm muốn mua lại 51% cổ phần để quản lý dự án Olalani.
Ngày 03/10/2013 CTX Holdings đã cùng Công ty Mỹ Phát ký biên bản làm việc và biên bản bàn giao tài sản. Ngày 18/10/2013 CTX Holdings và Mỹ Phát ký biên bản bàn giao hồ sơ pháp lý và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản tại dự án khu nghỉ dưỡng Olalani resort mà không đề cập đến việc từ chối bàn giao hoặc phạt do chậm tiến độ.
Tại Biên bản có giá trị pháp lý cuối cùng này 2 bên cùng xác định: “Bên A (Công ty cổ phần Mỹ Phát) tiến hành bàn giao và bên B (CTX Holdings) đồng ý nhận bàn giao toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản của 57 căn hộ và 2 villas thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Olalani resort Đà Nẵng theo quy định tại các Hợp đồng và các phụ lục đi kèm”.
Đồng thời cam kết thực hiện: “Bên B cam kết thanh toán số tiền còn lại là 10.003.000.000 đồng (Mười tỷ không trăm lẻ ba triệu đồng) cho bên A trước ngày 05/11/2013.
Sau khi nhận bàn giao đầy đủ các căn hộ và villas; Bên A đề nghị bên B cho thuê lại 57 căn hộ và 2 villas để tiếp tục quản lý và khai thác với mức giá và điều kiện hai bên thống nhất”.
Tuy nhiên, thỏa thuận sau đó về việc CTX Holdings mua lại 51% cổ phần để quản lý dự án Olalani không thành công do CTX Holdings đưa ra mức giá 190 tỷ là mức giá quá thấp so với số tiền 50 triệu USD mà Công ty Mỹ Phát đã đầu tư vào dự án.
 Vị trí của Olalani là một trong những nơi đẹp nhất của bãi biển Đà Nẵng. Đây là một trong những dự án FDI được chính quyền đánh giá thành công.
Mặt khác, 2 bên cũng không thể thỏa thuận về việc CTX Holdings cho công ty Mỹ Phát thuê lại 57 căn hộ và 2 villa để tiếp tục quản lý và khai thác vì từ năm 2009 đến 2011 CTX Holdings đã chuyển nhượng lại cho Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam và một số cá nhân khác 25 căn hộ thu về 140 tỷ đồng.
Mặc dù không thỏa thuận được về việc cho công ty cổ phần Mỹ Phát thuê lại để kinh doanh nhưng nghĩa vụ thanh toán cho Mỹ Phát hơn 10 tỷ đồng trước ngày 05/11/2013 đối với CTX Holdings là không thay đổi vi số tiền này nằm trong giá chuyển nhượng 57 căn hộ và 2 villa mà CTX Holdings đã nhận bàn giao đầy đủ. CTX Holdings đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã cam kết tại biên bản bàn giao ngày 18/10/2013 mặc dù Mỹ Phát đã nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc CTX Holdings trả tiền.
Không được Công ty cổ phần Mỹ Phát chấp nhận “giá bèo” 190 tỷ để mua 51% cổ phần của dự án trong quá trình thương thảo, ngày 30/10/2013 CTX Holdings gửi đơn khởi kiện công ty cổ phần Mỹ Phát vi phạm hợp đồng vì chậm tiến độ và đòi bồi thường thiệt hại lên đến trên 197 tỷ đồng!
Sau 2 lần hoãn xét xử, dự kiến đầu tháng 6 tới, TAND thành phố Đà Nẵng sẽ mở lại phiên xét xử. Đây là một vụ kiện kinh doanh thương có giá trị lớn được nhiều người quan tâm.
Theo Một Thế Giới