Khởi tố quán cà phê chậm đăng ký kinh doanh là sai luật?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Luật sư Trần Đình Dũng, khởi tố hình sự quán cà phê vì chậm đăng ký kinh doanh sau 5 ngày khai trương là chưa hợp lý và không đúng luật.

Dư luận đang xôn xao về vụ việc Công an huyện Bình ChánhTP HCM khởi tố hình sự quán cà phê kiêm bán phở do anh Nguyễn Văn Tấn làm chủ quán, đại chỉ C12/26 khu phố 3, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM  về hành vi kinh doanh trái phép.
Theo hồ sơ vụ việc, quán của anh Tấn bắt đầu khai trương ngày 8/8/2015, đến ngày 13/8/2015 thì bị kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Chính ngay trong ngày này, anh Tấn đã đi đăng ký giấy phép kinh doanh.
Ngày 18/8/2015 Thủ trưởng Công an huyện Bình Chánh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền nộp phạt là 17 triệu đồng. Anh Tấn nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh vào ngày 19/8/2015. Đến ngày 4/9/2015, anh Tấn làm hồ sơ xin cấp giấy chứng chận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nhận giấy hẹn trả kết quả vào ngày 29/9/2015. Chưa đến hạn nhận giấy thì quán này bị kiểm tra và phạt hành chính thêm một lần nữa vào 10/9/2015 và đến 25/9/2015 thì có quyết địnhk hởi tố hình sự đối với anh Tấn về tội kinh doanh trái phép.
Nhiều ý kiến cho rằng việc truy tố hình sự đối với hành vi chậm đăng ký giấy phép kinh doanh chỉ sau 5 ngày khai trương là không hợp tình, hợp lý.
Khoi to quan ca phe cham dang ky kinh doanh la sai luat?
Anh Nguyễn Văn Tấn tại quán cà phê của mình. Ảnh: Tiêu dùng 24.
Trao đổi với báo Kiến Thức về vấn đề này, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM - TW Hội Luật gia Việt Nam) khẳng định: “Vụ việc anh Nguyền Văn Tấn mở quán tại TT Tân Túc, huyện Bình Chánh, bị cơ quan hữu trách địa phương xử phạt như vậy là quá áp đăt và áp dụng luật không chính xác”.
Theo Luật sư Dũng, về nguyên tắc, kinh doanh là phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp phép. Nếu không đăng ký thì bị pháp luật xem là hành vi kinh doanh trái phép, Bộ luật hình sự quy định Tội kinh doanh trái phép tại Điều 159. Tuy nhiên không phải cứ kinh doanh không xin phép là xử lý hình sự mà điều luật nêu rất rõ về điều kiện để khởi tố phải từng bị phạt hành chính mà vẫn tiếp tục kinh doanh không xin phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.
Yếu tố bắt buộc phải có trong cấu thành tội phạm của tội này là khi kiểm tra lần thứ hai sau khi bị xử phạt hành chính, người kinh doanh vẫn kinh doanh không có giấy phép. Trong khi đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh số 41T8021904 do UBND huyện Bình Chánh cấp cho anh Tấn ngày 19/8/2015 với ngành nghề bán ăn uống, cà phê, nước giải khát và ngày lập biên bản kiểm tra vi phạm lần hai là ngày 10/9/2015. Như vậy kiểm tra lần sau anh Tấn không phải còn vi phạm kinh doanh trái phép nữa mà đã kinh doanh có phép. Không thể khởi tố hình sự tội này khi chủ thể đã được cấp phép kinh doanh.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyền Đình Khỏe (Văn phòng luật sư Tràng Thi, Hà Nội) cho biết: “Việc xử lý của cơ quan chức năng như vậy là không hợp lý. Trong trường hợp này chỉ nên phạt hành chính, nhắc nhở chủ quán. Việc xử lý trên có thể gây hiểu nhầm đối với người dân và áp dụng luật không hợp lý”.
Bày tỏ bức xúc về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói: “Cách xử sự của cơ quan công an quận Bình Chánh là không thể chấp nhận được. Việc truy tố chủ quán này về tội hình sự là cơ quan chức năng đang lạm quyền, cản trở những người làm ăn chân chính. Ở trường hợp này có thể cấp ngay giấy chứng nhận quyền kinh doanh cho anh Tấn nhưng cơ quan chức năng lại tìm cách bắt lỗi để xử phạt người dân là không đúng theo quy định của pháp luật”.
Nhụy Hồ