Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103, quả là hiếm. Thế nhưng để ý trên các phương tiện truyền thông trong quốc tế và trong nước ít ai đề cập đến kỳ tích tuổi thọ của ông. Đa phần mọi người nhắc đến ông như một thiên tài quân sự với học thuyết chiến tranh nhân dân đã góp phần chấm dứt hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước hai cường quốc Pháp và Mỹ.
Ở góc độ thương mại, học thuyết này nếu tìm hiểu một cách thấu đáo rồi đem ứng dụng vào kinh doanh cũng có thể giúp các công ty có quy mô nhỏ tránh được áp lực cạnh tranh của các công ty lớn trên thương trường.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự của Việt Nam
|
Như chúng ta biết, nếu so sánh sức mạnh quân sự thì quân đội của Đại tướng không thể đọ sức trực tiếp với quân Pháp và Mỹ. Trước cuộc đọ sức không tương xứng này, Đại tướng chủ trương sử dụng chiến tranh du kích, huy động toàn bộ các thành phần xã hội không kể giàu nghèo, trình độ văn hóa, tuổi tác tham gia chiến đấu. Lý thuyết quân sự của ông được rút gọn trong vài cụm từ dễ hiểu như “chiến tranh nhân dân”, “chiến tranh vệ quốc”. Lính của ông đôi khi được gọi bằng những từ khá lãng mạn như “chàng vệ quốc quân”, “o du kích”… nhưng trách nhiệm thì rất cao cả mà dung dị, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “bám sát thắt lưng địch mà đánh”
Chiến thuật quân sự của ông cũng rất khác biệt so với cách đánh trong các cuộc đại chiến thế giới. Trong các trận đánh, ông chủ trương không sử dụng đại quân dàn hàng ngang tiến lên đánh xáp lá cà với sự yểm trợ của trận địa pháo hay xe tăng. Theo một tài liệu lịch sử mới công bố gần đây, trong trận Điện Biên Phủ, ông đã khéo léo tìm cách không tuân thủ ý kiến của chuyên gia cố vấn nước ngoài, nhằm giảm thiểu thiệt hại nhân mạng cho quân sĩ. Thay vào đó, ông cho đào hầm, khoét núi đột kích bắt ngờ…
Nếu xem thương trường là chiến trường, rõ ràng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nên vận dụng cách đánh của Đại tướng vào kinh doanh. Chẳng hạn, sức mạnh tài chính của các tập đoàn đa quốc gia giúp họ có những cách khuyến mại, tiếp thị táo bạo, doanh nghiệp trong nước có thể tìm tòi các thị trường ngách để tránh cạnh tranh và tích lũy vốn nhanh để khi có cơ hội thị trường vươn ra chiếm lĩnh thị phần. Công ty cổ phần dược phẩm Pharmedic trong thời kỳ khó khăn đã áp dụng chiến thuật này. Khi được hỏi công ty sẽ làm gì để đối phó với chiến dịch marketing rầm rộ của các hãng dược nước ngoài, dược sĩ Trần Văn Nhiều, tổng giám đốc, đã phát biểu rằng ông áp dụng chiến thuật của Đại tướng bằng cách sản xuất và tiếp thị sản phẩm về nông thôn có giá thành phù hợp với đại đa số nhân dân có thu nhập thấp. Ông tin rằng thuốc của nước ngoài có công thức sản xuất và liều lượng phù hợp với thể trọng to lớn hơn người Việt. Tuy có hiệu quả “cắt cơn” nhanh nhưng có thể để lại di hại sức khỏe về sau. Thuốc của Pharmedic nghiên cứu trên thực tế Việt Nam nên có liều lượng phù hợp và giá rẻ hơn. Nếu dùng quen, người dân sẽ tự hỏi tại sao lại phải mua thuốc ngoại đắt tiền trong khi loại thuốc tương đương có giá thành thấp hơn.
Theo quan sát của tôi, nhiều công ty xây dựng đã khởi nghiệp thành công bằng cách chọn lĩnh vực xây dựng chùa chiền, nhà thờ… các lĩnh vực này công ty quốc tế khó cạnh tranh được. Trong tiếp thị, nhiều khi không đủ lực tài chính để quảng bá trên phương tiện truyền thông đắt tiền các công ty nhỏ và vừa của Việt Nam có thể sử dụng yếu tố bất ngờ bằng cách xuất hiện sau một chiến dịch truyền thông rầm rộ của đối thủ…
Theo Kinh Tế Sài Gòn