Trao đổi với Kiến Thức về việc VAMC chính thức đi vào hoạt động, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhận định: Việc VAMC đi vào hoạt động là một tín hiệu tốt của nền kinh tế, là một kênh giải quyết nợ xấu của quốc gia. Đây là một xu hướng tất yếu trong một nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Nếu quyết liệt triển khai cùng với một hành lang pháp lý xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, VAMC sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc phá tảng băng nợ xấu của nền kinh tế, khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh.
|
Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, TS Cao Sỹ Kiêm |
Bằng việc mua nợ xấu, bán nợ xấu... VAMC trước mắt sẽ giảm nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, từ đó giải quyết được vốn vay, giúp các doanh nghiệp có thể vay được vốn của ngân hàng.
Mục tiêu trước mắt của VAMC là giải xử lý 40.000 - 70.000 tỷ đồng, tiến tới giải quyết 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Mục tiêu đến năm 2015 VAMC sẽ giải quyết hết nợ xấu, thúc đẩy hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, doanh nghiệp lớn mạnh và như vậy sẽ góp phần tích cực khiến nền kinh tế nước ta phát triển.
Trên thế giới, việc giải quyết nợ xấu luôn được tiến hành dưới nhiều phương thức khác nhau. Và mỗi nước lại có cách giải quyết khách nhau, tùy vào tình hình nợ xấu và kinh tế của nước đó. Sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của VAMC của nước ta là đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, không phải là quá muộn trong việc xử lý và phá tảng băng tín dụng này.
Cùng quan điểm với TS Cao Sỹ Kiêm, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên cố vấn kinh tế của Thủ tướng cho báo giới biết: Việc VAMC được thành lập sẽ là sự khởi đầu cho thị trường mua bán nợ, góp phần khơi thông nguồn lực.
|
TS Nguyễn Đức Thành |
VAMC ra đời sau quãng thời gian dài nền kinh tế áp dụng nhiều giải pháp nhằm phá tảng băng nợ xấu nhưng hiệu quả mang lại là khiêm tốn nên càng được kỳ vọng hơn. Với cơ chế hoạt động được quy định, VAMC sẽ được mua bán nợ theo giá trị thị trường và phát hành trái phiếu theo quy định của NHNN.
Ngân hàng sốt ruột vì quá nhiều tiền nhưng lại chẳng dám cho vay vì "sức khỏe" doanh nghiệp không đảm bảo, tài sản đã mang thế chấp hết nên không thể thực hiện các khoản vay mới. Tuy nhiên, VAMC ra đời đã giải quyết được vấn đề này.
Sáng 26/7, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức khai trương hoạt động.
Theo bố cáo thành lập, VAMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại số 22 Hàng Vôi, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2013, địa chỉ giao dịch của VAMC đặt tại Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (tại lô E, Vườn Đào, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).
|
Dòng tiền có được khơi thông trong thời gian tới? |
Theo giấy phép, VAMC được thực hiện các hoạt động sau: Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ; Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến khoản nợ xấu và bảo đảm tiền vay; Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; Tổn chức bán đấu giá tài sản; Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng; Hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VAMC sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép; VAMC được ủy quyền cho các tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện các hoạt động được qui định tại điểm b, c, d, e.
Hiện, cơ cấu nhân sự cao cấp của VAMC bao gồm thành viên Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát. Ông Đặng Thanh Bình - Phó Thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. Ông Nguyễn Hữu Thủy thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN, giữ chức Tổng giám đốc VAMC.
Nguyễn Đóa