SCIC dự kiến bán đấu giá lô 212.629 cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp này, tương đương 12,71% vốn, với giá khởi điểm cả lô là 9,17 tỷ đồng, tức là 43.145 đồng/cổ phần.
Tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), CTCP GP9 Hà Nội chính thức trở thành CTCP vào năm 2011. Bộ GD&ĐT sau đó đã chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC vào năm 2016.
GP9 Hà Nội có vốn điều lệ 16,7 tỷ đồng và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng lắp đặt, kinh doanh thương mại. Hiện tại, Công ty vẫn đang đóng tiền thuê sử dụng và quản lý một mảnh đất làm trụ sở tại số 9 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội có diện tích 2.188 m2 dù trước đây từng được yêu cầu phải di chuyển để sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt.
|
SCIC sắp thoái vốn tại GP9 Hà Nội. |
Tại thời điểm ngày 1/6/2023, GP9 Hà Nội có 29 cổ đông, gồm 2 tổ chức và 27 cá nhân. Tuy nhiên, một cổ đông tổ chức (SCIC) và 5 cá nhân là các cổ đông lớn, đã nắm giữ tới 89,98% vốn cổ phần của Công ty.
Ngoài SCIC, cổ đông lớn khác của GP9 Hà Nội là Tổng giám đốc Mai Thế Dũng (38,2%), thành viên HĐQT Phan Thanh Bình (11,82%), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Định (11,29%), ông Đỗ Văn Sử (9,09%) và ông Phạm Quốc Tuấn (6,87%).
GP9 Hà Nội ghi nhận doanh thu ba năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt 83 tỷ đồng, 44 tỷ đồng và 106 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp. Lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 0,8% - 2,5% doanh thu, lần lượt đạt 2 tỷ đồng, 0,4 tỷ đồng và 2,3 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2022 của GP9 Hà Nội tăng mạnh so với năm 2021 và vượt chỉ tiêu đề ra, song các chỉ tiêu tài chính của Công ty lại được tổ chức tư vấn cho đợt thoái vốn là CTCP Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia (IRS) đánh giá không mấy tích cực.
IRS cho rằng một số chỉ tiêu tài chính của GP9 Hà Nội lại thể hiện sự “khó khăn, không tốt”.
Cụ thể, về chỉ tiêu khả năng thanh toán, IRS cho rằng, với tỷ trọng hàng tồn kho không đáng kể, hệ số thanh toán ngắn hạn có phần cao hơn so hệ số thanh toán nhanh của Công ty trong năm 2022, nhưng không đáng kể.
Điều này thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Đồng thời, phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.
Về chỉ tiêu cơ cấu vốn, các hệ số nợ của Công ty khá cao, đặc biệt là hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy, chỉ tiêu an toàn tài chính của Công ty không tốt, tỷ lệ nợ tăng so với năm 2021. Tài sản của Công ty được tài trợ chủ yếu từ các khoản nợ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, nhiều khoản phải thu và phải trả của GP9 Hà Nội đều liên quan đến các xí nghiệp thành viên. Cụ thể, phải thu Xí nghiệp 1 là 13,1 tỷ đồng, Xí nghiệp 3 là 12 tỷ đồng, Xí nghiệp 6 là 6 tỷ đồng, nhưng đồng thời phải trả Xí nghiệp 1 là 9,2 tỷ đồng, Xí nghiệp 3 là 20,2 tỷ đồng và Xí nghiệp 6 là 8,6 tỷ đồng.
Đối với chỉ tiêu năng lực hoạt động, vòng quay hàng tồn kho của Công ty năm 2022 có phần nhỉnh hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, điều này là do giá vốn hàng bán của Công ty tăng khá mạnh trong năm 2022, chứng tỏ chi phí Công ty bỏ ra vẫn khá nhiều so với việc bán được hàng tồn kho để tăng doanh thu.
Tổng tài sản cuối năm 2022 là 132 tỷ đồng, trong đó hơn 95 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho 28,5 tỷ đồng. Khoản vay ngắn hạn và dài hạn không đáng kể.
Anh Nhi