Chiều 13/6, tỷ giá VND/USD tại ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 21.030 – 21.036 đồng/USD (mua – bán), giá mua tiền mặt và giá mua chuyển khoản cùng như nhau. Như vậy, so với chiều bán ra, chiều mua vào chỉ thấp hơn khoảng 6 đồng/USD. Mức giá mua hôm nay đã tăng khoảng 10 đồng so với chốt ngày hôm qua và chỉ còn cách trần của Ngân hàng Nhà nước 6 đồng.
Không chỉ Vietcombank mà tại nhiều ngân hàng khác, giá USD hôm nay đồng loạt tăng, đặc biệt là chiều mua vào. Có ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách giữa hai chiều và hiện chỉ còn 1 đồng/USD. Như tại Ngân hàng ACB, giá mua USD chuyển khoản sáng nay ở mức 21.035 đồng/USD, chỉ thấp hơn 1 đồng/USD so với giá USD bán ra. Đây cũng là mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. So với đầu tuần, giá bán USD hiện nay tại ngân hàng này đã tăng 35 đồng/USD.
Tại Eximbank, giá giao dịch của đồng bạc xanh cũng tương tự, với mức giá mua vào bằng đúng mức trần quy định.
Các ngân hàng như Vietinbank, MB, SHB... thì giá mua USD chuyển khoản bằng với tiền mặt và được đẩy lên 21.030 đồng, tăng gần 30 đồng so với trước đó. Trong khi đó, giá bán ra vẫn được giữ ở mức kịch trần 21.036 đồng. Chỉ có một số ít ngân hàng như Agribank, Sacombank vẫn đang neo giá mua USD dưới 21.000 đồng.
Trong khi giá USD tại các ngân hàng đang tăng nhanh thì tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng vẫn được neo ở mức 20.828 đồng suốt nhiều tháng qua. Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy là giá thu gom USD chỉ mới tăng trong một vài ngày gần đây, dù giá bán ra đã được các ngân hàng giữ ở mức kịch trần 21.036 đồng/USD trước đó.
Theo dự đoán của dư luận, việc giá USD mua vào tăng nhanh trong một, hai ngày gần đây rất có thể do ngân hàng đang đẩy mạnh việc thu gom và nguồn cung đôla trên thị trường đang có dấu hiệu căng thẳng do nhu cầu tăng cao.
Ngoài ra, việc ngày 30/6 sắp tới là hạn chót các ngân hàng buộc phải tất toán trạng thái vàng theo quy định. NHNN sẽ đẩy mạnh nhập khẩu để đấu thầu nhằm hỗ trợ các NH hoàn thành tất toán trạng thái nên đã găm giữ ngoại tệ đẩy giá lên.
Đồng thời, việc lãi suất VND giảm xuống cũng phần nào kích thích nhu cầu gửi ngoại tệ. Nhu cầu này sẽ làm hạn chế nhu cầu bán, thay vào đó là thu mua và găm giữ USD, khiến nguồn cung càng bị hạn chế.
BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:
Lê Thịnh