Trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu WTI giao tháng Hai giảm mạnh 6,7% xuống 26,55 USD/ thùng, thấp nhất kể từ tháng 5/2003.
Trong khi đó dầu WTI giao tháng Ba cũng rớt giá tới 4,1%, chốt phiên hôm qua ở mức 28,35 USD/ thùng.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, giá dầu Brent giao tháng Ba mất 3,1%, chốt phiên giao dịch ở mức 27,88 USD/ thùng trên sàn London’s ICE exchange, mức đáy kể từ tháng 11/2003.
|
Giá dầu lao dốc xuống thấp nhất trong 12 năm qua. |
"Báo cáo của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA) đóng vai trò lớn trong sự mất giá này", Daniel Ang - nhà phân tích tại Phillip Futures cho biết.
IEA dự báo sau khi lệnh cấm vận của Mỹ cùng phương Tây được dỡ bỏ, nguồn cung từ Iran có thể tăng thêm 300.000 thùng/ ngày, góp phần đẩy chênh lệch cung – cầu trên thị trường thế giới trong năm 2016 lên mức 1,5 triệu thùng/ ngày, gấp rưỡi so với năm ngoái. Thông báo này đã làm trầm trọng thêm "tâm lý bi quan trên thị trường".
“Dự trữ toàn cầu có thể tăng thêm 285 triệu thùng trong năm 2016, sau khi đã chứng kiến mức tăng kỉ lục 1 tỉ thùng trong năm ngoái, tiếp tục đè nặng áp lực lên thị trường thế giới”, IEA báo cáo.
Trong khi đó, Daniel Ang, chuyên gia cao cấp tại Phillip Futures, nhận định rằng: “Một lý do lớn khiến dầu lao dốc trong phiên sáng nay là việc các hợp đồng giao tháng Hai chuẩn bị hết hạn, khiến giới đầu cơ đang nhanh chóng xử lý hàng tồn để đón các hợp đồng giao tháng Ba”.
Giá dầu giảm mạnh khiến đồng rup Nga tiếp tục mất giá và chạm đáy vào hôm qua (20/1). Tỉ giá đồng rup so với đồng USD, EURO lần lượt là 82 rup/1 USD và 90 rup/1 EURO, vượt qua mốc 80 rup đổi 1 USD vào cuối năm 2014.
|
Đồng Rup Nga mất giá kỷ lục. |
Sau một ngày tương đối ổn định, đồng rúp lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy giảm điểm do giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua. Xuất khẩu dầu thô chiếm một nửa số thu ngân sách của Nga, sự sụp đổ của giá dầu toàn cầu đã nhanh chóng gây áp lực lên đồng tiền.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết không thể tăng lãi suất để ngăn chặn sự mất giá của đồng Rup như hồi tháng 12/2014, khi đã đẩy lãi suất lên 17% trong một đêm biến động mạnh.
Đồng rup mất giá khiến cuộc sống của nhiều người dân Nga thêm khó khăn khi mua thực phẩm và hàng nhập khẩu. Đây sẽ là thách thức không nhỏ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thảo Nguyên (tổng hợp)