Dự án C1 Thành Công, vì sao 5 năm bất động?

Google News

(Kiến Thức) -Bị người dân ngăn cản thi công vì cho rằng Cienco 1 phạm luật, dự án C1 Thành Công nằm im bất động suốt 5 năm nay.

Dân lập “chiến lũy”, cản chủ đầu tư
Khu nhà C1 Thành Công được Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) sử dụng nguồn vốn phúc lợi xây dựng từ năm 1974, với quy mô 5 tầng 90 căn hộ. Tuy nhiên, do công trình bị lún nứt từ 1-2m nên không đủ điều kiện bàn giao cho Thành phố quản lý, đưa vào sử dụng vào 1976. Sau đó Cienco 1 đã có giải pháp gia cố và sử dụng cho cán bộ công nhân viên.
Năm 2008, nhà C1 rơi vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm, người dân phải di dời khẩn cấp về tạm cư tại chung cư N06 Dịch Vọng, chung cư được phá dỡ theo quyết định của thành phố Hà Nội.
Tháng 11/2009,Cienco 1 được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận là đại diện liên doanh chủ đầu tư gồm Cienco1, CTCP Bất động sản Dầu khí, CTCP Hà Nội –ICT thực hiện dự án “Phá dỡ và xây mới nhà chung cư nguy hiểm C1 Thành Công”.
Chưa thống nhất, thỏa thuận với người dân về phương án đền bù nhưng trong 2 năm 2010 và 2012, chủ đầu tư vẫn 2 lần tiến hành thi công dự án. Cả 2 lần, người dân căng lều, dựng bạt, ăn, ở ngay trên khu đất dự án để phản đối khiến chủ đầu tư phải ngừng thi công kể từ đó đến nay.
Cư dân căng lều, bạt, phản đối chủ đầu tư thi công công trình năm 2010. 
Bà Tạ Bích Phượng, chủ cân hộ 218 – 219 C1 Thành Công cũ cho rằng việc phá dỡ nhà C1, sau đó tiến hành thi công mà không thông báo cho người dân là không thể chấp nhận được. “Phá dỡ nhà, thi công công trình phải làm đầy đủ các thủ tục bàn giao, thống nhất phương án đến bù…đến người dân nhưng trong suốt 2 năm từ 2008 – 2010, các hộ dân chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản nào thông báo về chủ trương phá dỡ, xây dựng mới. Dự án cải tạo nhà C1 được triển khai xây dựng mà không có sự tham khảo ý kiến của người dân, chưa đạt được sự đồng thuận của dân là không đúng trình tự pháp luật”, bà Phượng bức xúc.
Đến năm 2010, phương án đền bù được công khai, nhưng hệ số tái định cư 1,4 do phía chủ đầu tư đưa ra không được cư dân đồng tình. Theo ông Nguyễn Văn Chinh, chủ hộ 322 C1 - Thành Công (hiện đang tạm cư tại phòng 202 - Khu đô thị N06 Dịch Vọng), 95/110 hộ gia đình nhận phương án tái định cư thì có đến 85 hộ phản đối hệ số này: “Đại đa số người dân đều mong muốn sớm về lại C1 ở nhưng hệ số 1,4 là quá thấp so với các dự án khác trên địa bàn Hà Nội”, ông Chinh nói.
Bên cạnh đó, thiết kế căn hộ do nhà C1 cũng vấp phải sự phản đối. “Nhà C1 mới có đến 37% căn hộ có diện tích từ 40 – 50m2. Trong điều kiện sống hiện nay, diện tích nhỏ như vậy không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, chưa kể thiết kế căn hộ bất hợp lý, quá xấu mà không hiểu vì sao các cơ quan chức năng vẫn phê duyệt”, một người dân của C1 cũ nêu ý kiến.
Không tìm được tiếng nói chung, kể từ khi phá dỡ năm 2008, tính đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng dự án cải tạo nhà C1 cũ vẫn dậm chân tại chỗ.
Vừa thi công vừa…điều chỉnh diện tích căn hộ?
Trao đổi với Kiến Thức về những bức xúc của người dân, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cienco 1 khẳng định dự án “Phá dỡ, xây dựng mới nhà chung cư nguy hiểm C1 Thành Công” có đầy đủ tính pháp lý. Mọi vấn đề về di dời, phá dỡ, đền bù, tái định cư, phương án xây dựng… đều do UBND thành phố Hà Nội quyết định, Cienco 1 chỉ thực hiện theo những quyết định, chỉ đạo đó.
Về việc chưa thống nhất, thỏa thuận phương án đền bù cho người dân đã tiến hành thi công, ông Thắng cho biết, nhà C1 Thành Công là trường hợp đặc biệt, không thuộc sở hữu của người dân nên không tiến hành trình tự giống như các nhà tập thể cũ, nát khác trên địa bàn thành phố.
“C1 Thành Công là dự án thành phố giao đất cho Cienco 1, Công ty tự bỏ vốn phúc lợi ra xây dựng. Nếu sau khi hoàn thành, không có hiện tượng lún, nứt, chúng tôi sẽ bàn giao cho thành phố Hà Nội để quản lý theo hệ thống như các dự án chung cư khác thì người dân sẽ được quyền sở hữu theo Nghị định 61 về nhà ở. Nhưng do nhà C1 xây dựng không đảm bảo kỹ thuật nên thành phố không nhận, và vẫn thuộc sở hữu của Cienco 1. Sau đó, Công ty có gia cố lại phần móng để tạm giao cho các CBNV trong công ty sử dụng. Đến khi thành phố quyết định di dời, đập đi xây lại năm 2008 thì coi như chúng tôi xây lại tòa nhà của mình để giao cho các CBNV”, ông Thắng phân tích.
 Dự án dậm chân tại chỗ suốt 5 năm nay.
Theo ông Thắng việc Cienco 1 tiến hành động thổ công trình vào ngày 25/4/2009, khoan cọc thí nghiệm trong khi chưa thông báo với người dân là để lấy số liệu, phục vụ cho công tác thiết kế kỹ thuật. Sau đó, ngày 30/11/2010 đã niêm yết công khai các văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách bồi thường của dự án.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, tính đến ngày 14/8/2012, mới chỉ có 11/95 hộ gia đình nhận dự thảo nhất trí với phương án đền bù hệ số tái định cư 1,4 do Cienco 1 đưa ra nhưng ngày 1/10/2012, Cienco 1 vẫn tiếp tục tiến hành thi công dự án lần 2.
Trả lời vấn đề này, ông Thắng cho hay, do muốn hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất nên đơn vị này vừa thi công vừa chờ kết quả thống nhất hệ số tái định cư với người dân. Trong quá trình xây dựng, Cienco 1 sẽ điều chỉnh diện tích căn hộ cho phù hợp.
Khi phóng viên thắc mắc về việc điều chỉnh diện tích căn hộ trong quá trình thi công có ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng tòa nhà hay không thì ông Thắng khẳng định: “Chúng tôi sử dụng tường ngăn linh hoạt nên việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng tòa nhà”.
Ông Thắng cho biết thêm, người dân muốn nâng hệ số tái định cư nhưng với thiết kế, quy mô đã phê duyệt, phía Cienco 1 không thể thay đổi được hệ số bởi chủ đầu tư sẽ lỗ nặng. “Nếu muốn thay đổi hệ số thì buộc phải thay đổi quy mô dự án. Nếu không tháo gỡ được, chúng tôi sẵn sàng trả lại dự án cho thành phố để giải phóng vốn”, ông Thắng nói.
“Không thể nói không ảnh hưởng chất lượng tòa nhà”
Trao đổi với Kiến Thức về trường hợp vừa thi công vừa tiến hành điều chỉnh diện tích căn hộ, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến kết cầu hạ tầng tòa nhà, vừa lãng phí vừa mất an toàn.
“Chưa xác định được quy mô diện tích căn hộ bao nhiêu mà đã thi công để vừa thi công vừa tiến hành điều chỉnh diện tích là lãng phí và ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng tòa nhà, gây mất an toàn cho tòa nhà . An toàn ở đây ta phải hiểu là cả an toàn bền vững và an toàn về môi trường, hạ tầng kỹ thuật.
Quy mô tòa nhà tùy thuộc vào bước cột, kích thước của kết cấu và phân chia các căn hộ. Việc tổ chức không gian căn hộ phải dựa trên cơ sở lựa chọn quy mô căn hộ, tùy thuộc vào giải pháp kết cấu của ngôi nhà. Ngoài ra, lượng căn hộ ở mỗi tầng thay đổi cũng khiến trọng tải chịu lực bị thay đổi. Chẳng hạn thiết kế ban đầu chỉ có 10 căn hộ/tầng nhưng sau đó tăng lên 15 căn/tầng thì lại khác… chưa kể các căn hộ còn phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật riêng như hệ thống cấp thoát nước..”, ông Nghiêm cho hay.
Về việc sử dụng tường ngăn linh hoạt để thay đổi diện tích, theo ông Nghiêm cũng khó thực hiện bởi giải pháp kết cấu, giải pháp sàn, giải pháp khung cột là tùy thuộc vào tường ngăn chứ không phải vai trò của tường ngăn là đơn giản…”.
Minh Tùng