Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang nuôi tâm lý bi quan rằng, dù kinh tế có tiến triển tốt hơn trong năm nay thì kênh đầu tư này cũng khó "nóng" trở lại nhanh chóng. Bởi sẽ phụ thuộc vào lộ trình xử lý nợ xấu cũng như phá băng cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đã lên kế hoạch cho năm 2013.
Nếu các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được thực thi quyết liệt và chứng tỏ tính hiệu quả, TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Chứng khoán “khó hửng” về trung hạn
Không ít nhà đầu tư đã hưng phấn khi VN-Index có những cú bứt phá ngoạn mục đầu tháng 4 khi đó VN-Index bứt phá qua mốc 500 điểm ngay trong phiên đầu tiên (505,81 điểm ngày 1/4/2013, thậm chí VN-Index đã vượt lên mốc 510 điểm . Vậy nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, thị trường lại chìm vào cảnh mua bán èo uột những ngày đầu tháng 5. Đến phiên sáng 3/5, có gần 50 mã cổ phiếu trên sàn HSX và trên 150 mã cổ phiếu trên HNX không xảy ra giao dịch, hàng trăm mã giao dịch dưới 100 nghìn đơn vị.
Nhìn về phân tích cơ bản kinh tế vĩ mô cũng cho thấy, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn này mặc dù đã được triển khai, nhưng sẽ không có nhiều tác động đến diễn biến kinh tế trung hạn, từ đó không tác động nhiều đến TTCK.
Bởi các giải pháp vừa qua chỉ xử lý được phần ngọn các khó khăn của nền kinh tế, mà không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó là những khó khăn khi suy giảm tổng cầu, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp và nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn cao. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, những biện pháp hỗ trợ này chỉ giúp ổn định lại nền kinh tế trong một xu thế lớn đang suy giảm.
Bằng chứng là hết quý I/2013, số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng tới 14,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số DN thành lập mới giảm 6,8%. Nhìn vào quá trình này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong quý II/2013, khả năng DN phá sản vẫn tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân vì hiện nay sức tiêu dùng đều rất chậm, hàng loạt DN đã cắt giảm lao động, tiền lương. Khi thu nhập không ổn định, thất nghiệp tăng… sẽ tiếp tục tác động đến sức mua của người dân. DN có cơ hội hồi phục tại thời điểm này là không thể.
Trên TTCK, rất hiếm khi số doanh nghiệp niêm yết bị các Sở GDCK đặt vào diện cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết dày đặc như những tháng đầu năm nay.
Hệ quả của tình trạng trên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển là doanh nghiệp không tìm ra hướng đầu tư và kinh doanh. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng mất đà và hình thành trạng thái “ngủ quên” trong hoạt động kinh tế. Khi đã rơi vào tình trạng này, thì ngay cả khi có điều kiện thuận lợi, DN cũng như nền kinh tế phải cần khá nhiều thời gian để lấy lại đà phát triển.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân sau thời gian dài ở ẩn đang nuôi ý định trở lại, dù cơ hội kiếm lời được dự đoán vẫn rất mong manh. Anh Nam, một nhà đầu tư đã nhiều năm trên TTCK chia sẻ, chứng khoán đã “cuốn trôi” của anh số vốn không hề ít ỏi. Anh Nam cho rằng, sau giai đoạn điều chỉnh, qua chu kỳ giảm giá (thường vào tháng 5) thị trường sẽ được tiếp sức từ những yếu tố vĩ mô và chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ. Anh Nam hy vọng sau một thời gian “gác kiếm” đã có thể trở lại. “Tuy vậy, khả năng VN-Index có thể bứt phá về trung hạn không nhiều. Ngay cả khi các chương trình hỗ trợ kinh tế hồi phục của Chính phủ được triển khai cũng phải mất thời gian khá dài thị trường mơi có thể sôi động trở lại, chưa kể các tác động từ tình hình kinh tế thế giới còn bất ổn”, nhà đầu tư này nhận định.
Chờ đợi gì phía trước?
Dù kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chuyển biến tốt hơn trong năm 2013 nhưng sẽ không đủ khả quan để hỗ trợ TTCK phát triển mạnh bởi sẽ phụ thuộc vào lộ trình xử lý nợ xấu cũng như phá băng cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đã lên kế hoạch cho năm 2013.
Thông tin được thị trường chờ đợi lúc này là sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vài ngày tới, và gói 30.000 tỷ hỗ trợ bất động sản sắp được tung ra.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, "nếu không có gì thay đổi thì một vài ngày nữa sẽ triển khai các thủ tục để thông qua nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam - VAMC".
Tuy không phải là “đũa thần”, nhưng một khi hình thành VAMC sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Qua đó, “cục máu đông” sẽ dần được đánh tan, để lấy lại đà hồi sinh cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Dù vậy, TTCK được nhận định vẫn thiên về xu hướng giảm điểm và có thể có những đợt biến động mạnh. Ông Nguyễn Tuấn – Công ty cổ phần Chứng khoán FLC nhận định nếu VAMC được thành lập có thể giúp TTCK tăng 3 phiên sau đó sẽ giảm”. Do vậy, nếu trong tháng 5, VAMC ra đời, nó sẽ không tác động nhiều đến xu thế thiên về giảm điểm thị trường.
Trong khi đó, liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, NHNN cũng cho biết, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 48 ngày 4/4/2013 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013 và hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng về đối tượng cho vay, NHNN sẽ ban hành Thông tư và triển khai quyết liệt, dành 30.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn hợp lý, hỗ trợ các NHTM của Nhà nước thực hiện cho vay. Đây là thông tin khá tích cực với thị trường, đặc biệt với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Nhận định về các yếu tố có thể hỗ trợ thị trường nói trên, một số chuyên gia cho rằng, tính hiệu quả của các chính sách cần thời gian dài để kiểm chứng trong khi quá trình triển khai có thể sẽ tạo ra những mặt trái gây tác động tiêu cực trong ngắn hạn và có thể khiến thị trường trải qua những đợt biến động mạnh.
Mặt khác, dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy các chính sách của Chính phủ trong nỗ lực hồi phục nền kinh tế sẽ là yếu tố chủ đạo quyết định xu hướng đầu tư của năm 2013. Nếu các chính sách được thực thi quyết liệt và chứng tỏ tính hiệu quả, TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng mạnh mẽ.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:
Linh Anh