Giữ nhân viên bằng cổ phiếu
Năm 2013, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP), trong đó có hầu hết là các ông lớn đang niêm yết tại 2 sàn. Đây không phải là chiêu mới được các doanh nghiệp áp dụng để giữ chân nhân viên, nhưng nhiều lãnh đạo công ty thừa nhận biện pháp này vẫn hiệu quả nhất.
Một trong những doanh nghiệp mạnh tay phát hành ESOP nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB) với khối lượng 32 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn cổ phần. Kế hoạch này được HĐQT nhà băng phê duyệt trong lần đại hội cổ đông thường niên 2013. Giá phát hành là 10.000 đồng một cổ phần dành cho các cán bộ cốt cán, thuộc các cơ quan quản trị, kiểm soát và điều hành tại Sacombank. Danh sách cán bộ do ban điều hành phối hợp Công đoàn thiết lập và phải được Chủ tịch ngân hàng phê duyệt.
|
Nhiều doanh nghiệp khá đau đầu với bài toán giữ chân người lao động. Ảnh minh họa: Internet |
Đại gia khác trên sàn TP.HCM thuộc diện vốn hóa lớn kiêm blue-chip rổ VN30 là Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) cũng phát hành gần 18 triệu cổ phiếu thông qua chương trình ESOP. Tổng số cổ phiếu của Masan sau đợt phát hành tăng từ 687 lên 705 triệu chứng khoán. Trước đó, suốt 4 năm kể từ khi niêm yết đến nay, Masan lại chưa từng chia cổ tức cho cổ đông.
Một số doanh nghiệp cũng phát hành ESOP trong thời gian qua còn có Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (Mã CK: SSI), Công ty Bourbon Tây Ninh (Mã CK: SBT) và Công ty cổ phần FPT (Mã CK: FPT) với khối lượng từ một triệu đến 6 triệu cổ phiếu. Mới đây, Công ty cổ phần Thủy sản Bến Tre (Mã CK: ABT) cũng lên kế hoạch phân phối thêm 500.000 cổ phiếu cho cho 51 nhân viên.
Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank, việc phát hành ESOP là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giữ chân nhân viên dù chiêu thức này không phải là mới. Theo ông Phú, đây không phải lần đầu Sacombank phát hành ESOP, sau mỗi lần như vậy nhân viên gắn bó hơn với nhà băng.
Giữ chân nhân viên = Giữ bằng tốt nghiệp
Với lý do "sợ" người lao động nhảy việc nên thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp gốc để giữ chân nhân viên.
Với tâm lý muốn đi làm ngay, nhiều sinh viên mới ra trường vội vã nộp bằng gốc mà không hề suy nghĩ. Khi nộp bằng đồng nghĩa với nhiều điều kiện ràng buộc với doanh nghiệp mà khi lấy lại bằng để làm việc ở một doanh nghiệp khác rất khó. Nhiều người lao động đã phải cầu cứu đến Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới được doanh nghiệp trả lại bằng gốc.
Một giám đốc công ty xây dựng tại Ninh Bình cho biết, doanh nghiệp làm vậy để "nắm đằng chuôi" chứ thực ra không muốn giữ bằng của người lao động. Do người lao động có tâm lý đứng núi này trông núi nọ, thấy chỗ khác lương cao hơn là muốn nhảy việc. Họ không hiểu rằng, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp mất công mất sức đào tạo, khi họ "đủ lông đủ cánh" đã vội bay, làm hao tổn rất nhiều chi phí của công ty.
Tuy nhiên, theo một thanh tra Bộ Lao động Thương binh Xã hội, việc giữ bằng của người lao động là trái quy định của pháp luật. Một luật sư cũng cho biết: Nếu xảy ra hư hỏng, cháy nổ, mất cắp thì sẽ gây thiệt hại lớn cho người lao động. Mặt khác, nếu giữ bằng sẽ ảnh hưởng tới quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động vì doanh nghiệp có thể dùng bằng này để gây sức ép. Khi người lao động chấm dứt hợp đồng vì bất cứ lý do gì, nếu doanh nghiệp không trả lại bằng, người lao động hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa.
Giữ nhân viên = chăm lo đời sống riêng tư
Nhiều doanh nghiệp rất đau đầu với việc giữ chân người lao động sau Tết Nguyên đán, bởi đây là thời điểm người lao động rất dễ nghỉ việc. Tuy nhiên tại một số công ty như: Toyo Precision, Strongman, Latek, dầu Cái Lân... lao động đi làm sau Tết chiếm tới 95%.
Nhiều doanh nghiệp có nhiều biện pháp giữ chân người lao động như tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết, tặng quà, thăm hỏi cho những công nhân ở lại nơi làm việc ăn Tết, cho phép những công nhân ở xa được nghỉ thêm vài ngày nhưng vẫn tính lương... Một số công ty sau khi được nhận lương, thưởng và quà Tết, vẫn được xe của công ty đưa đón về quê ăn Tết. Đây là một chiêu rất được lòng nhân viên vì nó thể hiện sự quan tâm của công ty đến từng cá nhân người lao động.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng tăng cường quan tâm tới đời sống cá nhân người lao động như hỗ trợ chi phí nhà trọ, xây nhà trẻ cho con cán bộ công nhân viên trong công ty. Các chương trình bốc thăm trúng thưởng cũng được thực hiện thường kỳ vào các ngày nghỉ lễ, cuối các quý...
Trong thời kinh tế khó khăn như hiện nay, việc giữ chân người lao động, người tài đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bằng việc tung ra nhiều chiêu có lợi cho người lao động. Đó là một trong những bài toán mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm thành công.
Diên Lệ (Tổng hợp)