Đồ cổ “đệ nhất thế gian“: Đại gia dính cúa lừa bạc tỷ

Google News

Ở Việt Nam, sự lộn xộn trong thị trường đồ cổ diễn ra nhiều quá. Xét về tâm lý, người ta rất dị ứng với chuyện mông má, sửa chữa cổ vật.

Gần đây, do nhu cầu xã hội tăng cao, cổ vật ngày càng khan hiếm, theo đó, cổ vật rởm có “cơ” tung hoành, khiến không ít người máu mê cổ vật, trong đó có cả những “đại ca” trong giới tinh hoa, khuynh gia bại sản.
Chuyên gia cũng “ngã ngửa”
“Có lẽ chẳng ai ngờ rằng, khá nhiều cổ vật được mệnh danh là “đệ nhất thế gian”, có giá hàng chục tỉ đồng nằm trong các bộ sưu tập tư nhân bây giờ đều là “đầu cá vá đuôi tôm”…”, anh bạn vong niên của tôi - một chuyên gia có hạng đang công tác trong ngành bảo tàng - nhân lúc trà dư tửu hậu đã bắt đầu câu chuyện mà anh cho là “đậm chất bi hài” về tình cảnh của thị trường cổ vật ở nước ta hiện nay như vậy. Theo anh, bây giờ, bằng thủ thuật vô cùng tinh vi - đến mức máy móc hiện đại của các cơ quan chuyên môn cũng phải chào thua - những nhà “giả kim thuật đời mới” có khả năng tạo ra một trống đồng giả nhưng lại “thật y chang”.
Một trong những chiêu do các “nghệ nhân” siêu phàm này hay thi triển là “ém quân” tại các vùng có nhiều di chỉ khảo cổ học để thu mua đồng mục, tức là các mảnh vỡ đồ dùng nhiều tuổi được chế tạo bằng đồng chôn trong lòng đất đã bị sùi mục, phong hóa bởi thời gian. Gom được nguyên liệu rồi, họ mang về dùng máy chuyên dụng đặt riêng ở nước ngoài nghiền thành bột mịn, sau đó sử dụng máy ép thủy lực công suất dập cực lớn ép cứng loại bột này vào những chiếc khuôn đặc biệt đã được thiết kế sẵn phôi. Với cách làm này, cộng thêm vài “nghệ thuật” siêu hạng khác như bí mật chôn “hàng” xuống đất sâu thêm vài năm chẳng hạn, sau đó sử dụng các mánh khóe mua bán tinh vi, họ có thể móc từ túi các đại gia máu mê đồ cổ một khoản tiền cực lớn.
Anh bạn tôi còn kể, một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng ở Hải Dương đã quá cố, lúc sinh thời từng than thở với anh rằng, dù đã được giới chơi đồ cổ tôn vinh là “đại ca” bởi những hiểu biết uyên thâm trong nghề, nhưng ông đã bị lừa cả tỉ bạc khi mua phải chục con dao găm cán hình người bằng đồng, làm giả dao găm Đông Sơn. Đầu tiên, ông thực hiện thành công “phi vụ” suôn sẻ với giá 7.500USD cho 1 con dao. Được người môi giới đồng thời là đệ tử ruột “động viên” có thể mua được với số lượng lớn, tháng sau, ông quyết định huy động nguồn lực tài chính từ anh em chiến hữu “ôm” thêm 8 con nữa.
Mấy tháng sau, khi vị “đại ca” vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng sung sướng vì có trong tay bộ “hàng độc”, thì cũng là lúc báo chí loan tin tay “đối tác” bị công an bắt vì dính vào một vụ lừa đảo liên quan đến đồ giả cổ. Dù trong bụng đã “tá hỏa tam tinh” nhưng ông vẫn chưa chịu “khuất phục” bởi cái tin động trời ấy, do vẫn tự tin vào kinh nghiệm lão luyện của bản thân. Chỉ đến khi đưa những con dao kia vào phòng thí nghiệm phân tích hợp kim đồng, có kết luận không phải là đồng thời Đông Sơn, ông mới… đổ bệnh, phần vì tiếc của, phần vì tức do bị cái thằng “vắt mũi chưa sạch” chơi xỏ.
Cũng theo anh bạn tôi, cách đây chưa lâu, một tay buôn cổ vật được mệnh danh là “có sỏi trong đầu” bị lừa một món cổ vật có giá tới hơn 5 tỉ đồng. Mới đầu, xem ảnh do người bán gửi qua mạng Internet, tay này mừng hú vì rõ ràng, con nghê cổ thời Ân - Thương bên Tàu này là đồ độc mà trong “bảo bối” của ông cụ thân sinh - vốn là một nhà buôn đồ cổ có hạng ở đất Thăng Long thời Pháp thuộc - truyền lại mô tả rõ: Đây là hàng “độc”, dưới gầm trời này chỉ có duy nhất một con.
Sau khi đã thống nhất với chủ hàng để xem đồ rồi thuê các chuyên gia giám định sử dụng các máy móc phân tích hợp kim, quang phổ, thấy ngon ăn, ông ta vung hầu bao xuất tiền. Gần một năm sau, vô tình lên mạng đọc được bài viết trong một tạp chí của Mỹ, ông mới biết đây là đồ copy thời Ân - Thương của Trung Quốc, được một bảo tàng bên Mỹ phục chế theo tiêu chuẩn như thật, thật đến mức các chuyên gia giám định, các máy móc phân tích hợp kim, quang phổ cũng phải bó tay, lúc đó mới ngã ngửa người ra.
Tràn lan hàng Trung Quốc “rởm”
Theo chân anh bạn vong niên đến “vấn an” một nhà sưu tập đồ cổ tên Tâm, nhà ở phố Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội), tức thì tôi hoa mắt bởi 4 tầng lầu nhà ông ăm ắp đồ gốm, đồ ngọc, đồ đồng... Trong men say của cái thú chơi tao nhã đã theo đuổi ngót nửa thế kỉ, nhà sưu tập tự hào giới thiệu dăm món tiêu biểu trong hàng nghìn món đang “ngự” trên những chiếc giá đóng bằng gỗ quý. Ông Tâm cho biết, thú sưu tầm đồ cổ phải xuất phát từ đam mê, nhưng không phải ai chơi cũng được dù trong nhà có cả núi vàng. Vì nếu không có hiểu biết uyên thâm về lịch sử, văn hóa từng thời kì cũng như kiến thức chuyên sâu đủ để thẩm định, đánh giá đồ cổ thông qua rất nhiều yếu tố đặc thù khác nhau, vốn chỉ có những người thực sự có nghề mới am hiểu, thì rất dễ gặp phải đồ giả cổ.
Giới chơi đồ cổ Việt Nam không bao giờ quên được “bài học kinh điển” khi cơn sốt đồ gốm sứ xanh trắng Huế tăng nhiệt sau thời điểm Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đặc biệt là sau khi cuộc bán đấu giá thành công những món đồ tương tự tại Pháp, hàng loạt đồ sứ giả cổ “Nội phủ thị trung”, “Nội phủ thị hữu”, “Khánh Xuân” được chế tác một cách tinh vi tại Trung Quốc đã “đổ bộ” sang Việt Nam. Cơn sốt này khiến cho rất nhiều nhà sưu tập ăn “quả đắng”, với giá 3.000 - 5.000USD cho mỗi chiếc đĩa đường kính 28-30cm. Cũng trong cơn sốt đồ hoàng tộc triều Nguyễn đó, còn một loại cổ vật nữa bị làm nhái, đó là những đồng tiền bạc có ghi niên hiệu Tự Đức, đã lừa được khá nhiều người sưu tập bỏ ra mua với giá từ 20-30 triệu đồng/đồng bạc, trong khi giá trị thực của nó chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng là cùng…
Cũng bằng chiêu tương tự, không biết bao nhiêu người đã mất toi hàng trăm triệu đồng khi mua phải những chiếc thạp đồng Đào Thịnh cổ vốn rất nổi tiếng, nhưng thực tế, đó chỉ là những loại thạp rất thông thường với vài hoa văn hình học dưới chân và gần miệng, giá chỉ độ hơn 1 triệu đồng. Bằng một mỏ hàn điện, “thợ” đã vẽ lên thành những chiếc thuyền chở chiến binh Đông Sơn, tuyệt kĩ đến từng chi tiết. “Gần đây, đồ đồng giả từ Trung Quốc còn tràn vào Việt Nam như một thứ hàng giả cao cấp, khiến những người buôn sừng sỏ nhất cũng đôi lần mất toi số tiền lớn để mua những thứ đồng nát được đúc lại một cách cực kì điệu nghệ…”, ông Tâm tiết lộ.
Cũng theo ông Tâm, “siêu” nhất phải kể đến chiêu “nội hoá đồ giả cổ” của các tay chuyên lừa đảo. Chả là, do có thị trường cổ vật đa dạng, Việt Nam đã thu hút không ít các đồ giả cổ ở các nước chảy vào. Điển hình nhất là đồ gốm sứ giả các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đồ đồng giả kiểu Thương Chu, Tần, Hán từ Trung Quốc nhập vào, hay các loại tượng đồng Phật giáo, các tượng Bàlamôn giáo: Visnu, Shiva, Ganesa từ Thái Lan, Campuchia chuyển qua… Cao thủ hơn nữa là các tay chuyên kinh doanh đồ cổ giả lấy mẫu trong catalogue rồi mang sang tận Trung Quốc, Thái Lan đặt hàng. Khi làm xong lấy bản vẽ mang về, hàng chỉ chọn một hoặc hai cái đẹp nhất rồi tất cả những cái còn lại hủy bỏ, tạo thành vật độc nhất vô nhị, kích thích máu sưu tầm những món độc bản của các nhà sưu tập. Cũng có những nhà kinh doanh khéo tay sửa chữa những đồ bể vỡ hư hỏng 50-80% phục chế lại, hoặc sản xuất đồ gỗ thì lấy ván có tuổi trên 100 năm chế biến thành sản phẩm mới như bàn, ghế, tượng…
Do co “de nhat the gian“: Dai gia dinh cua lua bac ty
 Một buổi trưng bày, đấu giá cổ vật được tổ chức tại TP.Nam Định nhân dịp xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: T.L
Cần “lành mạnh hoá” thị trường đồ cổ
“Khó đấy!”, anh bạn vong niên khẳng định khi tôi cho rằng, để chấm dứt tình cảnh “đầu cá vá đuôi tôm” trong thị trường cổ vật, cần có “giải pháp vĩ mô” là lành mạnh hoá thị trường đồ cổ. Để chứng minh thêm luận điểm ngắn gọn nhưng “chắc nịch” của mình, anh đưa ra ví dụ: Cách đây chưa lâu, giới chơi đồ cổ xôn xao trước thông tin có một bảo tàng vào dạng tầm cỡ ở Hà Nội, trong một cuộc trưng bày đã “lẫn” cả đồ giả cổ của tư nhân - mà nếu là đồ thật thì nó vào dạng cực hiếm và vô cùng có giá trị. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện lạ, bởi, đến ngay cả các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đôi khi vẫn mua phải đồ cổ giả, thậm chí có cuộc đấu giá quốc tế, hiện vật được giám định bởi các tay sừng sỏ tầm cỡ thế giới mà cũng bị “bé cái lầm”.
“Có điều, ở Việt Nam, cái sự lộn xộn trong thị trường đồ cổ diễn ra nhiều quá. Xét về mặt tâm lý, người ta rất dị ứng với chuyện mông má, sửa chữa cổ vật. Đó là chưa kể, bằng việc biến đồ vỡ thành đồ lành, đồ thông thường thành đồ độc bản, những tay “phù thủy” buôn đồ cổ đã lừa đảo hàng tỉ đồng…”, anh bạn tôi than phiền rồi đưa ra ý kiến luận giải rằng, thực trạng buồn này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng lớn nhất vẫn là do việc mua bán, trao đổi cổ vật ở ta, dù đã được luật hoá nhưng vẫn chưa đầy đủ. Không phải gần đây Việt Nam mới bán đấu giá cổ vật. Vài thập niên đầu của thế kỷ trước, khi người Pháp mở những hội chợ ở Hà Nội, Hà Đông, Nam Định..., ngoài những mặt hàng thông thường, cổ vật cũng được bán đấu giá và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Những trống đồng Ngọc Lũ, thạp tám múi hoa nâu... - hiện đang lưu giữ và phát huy giá trị ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - chính là những sản phẩm thu được từ những cuộc bán đấu giá ấy.
Gần đây, khá nhiều cuộc đấu giá cổ vật đã được tổ chức tại Hà Nội, TPHCM và các địa phương khác trong cả nước,tuy nhiên, vẫn còn mang nhiều hơi hướng của hình thức giao lưu và còn rất nhiều điều phải bàn.
Do những yếu tố “đấu giá công khai” còn thiếu nên mới sinh ra thị trường ngầm. Mà còn thị trường ngầm, thì còn nhiều cú lừa bạc tỉ vì suy cho cùng, người mua bị lừa là do thiếu thông tin. Tôn vinh được những người sưu tập thông qua đấu giá chính là lành mạnh hóa thị trường cổ vật, và cái quý hơn nữa là chính những người sưu tập sẽ trở thành những người bảo quản, bảo tồn, lưu giữ, tránh thất thoát, “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.
“Bằng những quy định thông thoáng, cởi mở của pháp luật di sản văn hoá hiện hành, thị trường cổ vật nước ta đã “khởi động”, song, sự vận hành của nó chưa thực sự quy củ, trật tự. Nhà nước cần ban hành quy chế mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế cổ vật, quy chế về tổ chức và hoạt động của các cửa hàng mua bán cổ vật. Đặc biệt, phải làm thế nào để khuyến khích, phát triển “đội quân” những người sưu tập cổ vật, bởi bất cứ quốc gia nào, dù giàu có đến đâu, cũng không thể mua được tất cả cổ vật, nếu không trông chờ vào khả năng xã hội hóa này…”, anh bạn tôi chốt lại.
Theo Lao Động