Điểm tên 9 thách thức ngành ngân hàng đối mặt

Google News

Áp dụng Thông tư 02, chính thức bán nợ xấu, dọn dẹp sở hữu chéo, thu hẹp chênh lệch giá vàng, phá băng tín dụng... là những thách thức của ngành ngân hàng 2014.


Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% sẽ là một thách thức lớn với ngành ngân hàng.  
Năm 2013, chính sách tiền tệ đã đạt được nhiều thành công, nhất là trong kiềm chế lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, vàng, giảm lãi suất, xử lý nợ xấu...
Tuy nhiên, những thách thức của ngành ngân hàng năm 2014 còn nhiều. Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn xin điểm tên 9 thách thức lớn mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2014.
1. Tăng trưởng tín dụng đạt 12-14%
Năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 11%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng như năm 2013 là phù hợp (1% tăng trưởng kinh tế đi với 2% tăng trưởng tín dụng), không như các năm trước đây tín dụng tăng trưởng quá cao, lên tới 34 - 36%, trong khi tăng trưởng GDP khoảng 6 – 6,5%.
Tuy vậy, sự tăng trưởng “thần tốc” của tín dụng trong tháng cuối cùng của năm 2013 cũng đem lại nhiều nghi ngại về con số thực chất. Năm 2014, với tình hình kinh tế dự báo không có nhiều thay đổi so với năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% sẽ là một thách thức lớn với ngành ngân hàng.
2. VAMC sẽ chính thức bán nợ và mua nợ theo giá thị trường
Năm 2013, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, chính thức bắt tay vào mua nợ. Tính đến 31/12/2013, VAMC đã mua được gần 39.000 tỷ đồng nợ xấu, vượt chỉ tiêu đề ra (30.000 - 35.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực VAMC, năm 2013, VAMC mới “thu gom rác thải”. Bước sang năm 2014, VAMC mới bắt đầu phân loại và xử lý rác. Nói cách khác, năm 2014, VAMC mới chính thức bắt tay vào xử lý nợ, bán nợ. Đặc biệt, năm 2014, theo dự kiến, VAMC sẽ mua nợ theo giá thị trường.
Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2014, VAMC sẽ mua 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ xấu.
3. Chính thức áp dụng Thông tư 02, làm rõ bức tranh nợ xấu
Sau khi tạm hoãn một năm, từ ngày 1/6/2014, NHNN sẽ chính thức áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2013, việc hoãn áp dụng Thông tư 02 khiến bức tranh nợ xấu vẫn chưa được làm rõ, sức khỏe hệ thống ngân hàng chưa được phản ánh đầy đủ. Cuối năm 2013, nhiều ngân hàng tiếp tục đề nghị NHNN tiếp tục trì hoãn thời hạn thực hiện Thông tư 02. Tuy nhiên, đề nghị này đã được NHNN bác bỏ.
Như vậy, cùng với việc thực hiện Thông tư 02, năm 2014, bức tranh nợ xấu sẽ được làm rõ. Áp lực nợ xấu với các ngân hàng sẽ tăng mạnh. Không loại trừ, một khi Thông tư 02 được áp dụng, nhiều ngân hàng sẽ rơi vào tình cảnh thua lỗ. Những lo lắng của các ngân hàng và sự kiên quyết áp dụng Thông tư 02 cho thấy quyết tâm xử lý nợ xấu của NHNN, song cũng cho thấy, thách thức của hệ thống ngân hàng còn rất lớn.
4. Huy động vàng trong dân, thu hẹp chênh lệch giá vàng
Năm 2013, NHNN đã rất thành công trong ổn định tỷ giá và thị trường vàng. Thị trường ngoại tệ tự do gần như không còn hoạt động, tình trạng đô la hóa được khắc phục căn bản. Trật tự trên thị trường vàng được thiết lập, cung cầu ổn định, giá vàng không còn tác động bất ổn đến kinh tế vĩ mô.
Năm 2014, ổn định tỷ giá không phải là thách thức quá lớn với NHNN. Tuy nhiên, với thị trường vàng, vẫn còn hai thách thức đợi NHNN cần phải giải quyết tiếp. Đó là huy động nguồn lực vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh và thu hẹp chênh lệch giá vàng. Kết thúc năm 2013, qua 76 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã bơm ra thị trường 70 tấn vàng, đảm bảo cung cầu, song chênh lệch giá vàng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm NHNN chưa tổ chức đấu thầu vàng: hơn 4 triệu đồng/lượng.
5. Xử lý 9 tổ chức tín dụng yếu kém
Năm 2013, tái cơ cấu ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh với thương vụ hợp nhất giữa PVFC và WesternBank. Hai trường hợp ngân hàng yếu kém khác, với sự tham gia của các cổ đông mới cũng đã tiến hành tái cơ cấu là TrustBank và Navibank. Như vậy, tính đến hết năm 2013, NHNN đã xử lý cơ bản 8/9 ngân hàng TMCP yếu kém: SCB, TinNghiaBank, Fitcombank, WesternBank, Habubank, TPBank, Navibank, TrustBank. Riêng phương án tái cơ cấu GPBank đang được NHNN xem xét. Có khả năng, ngân hàng này sẽ được một Tập đoàn tài chính nước ngoài mua lại vào đầu năm 2014.
Ngoài GPBank, theo Thống đốc NHNN, hiện NHNN còn phát hiện thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có 2 ngân hàng thương mại. Như vậy, trong năm 2014, nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống của NHNN còn hết sức nặng nề mà cấp bách nhất là xử lý 3 ngân hàng và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém.
6. Tiếp tục giảm lãi suất
Năm 2013, mặt bằng lãi suất VND đã giảm khoảng 2 - 5% so với cuối năm trước. Lãi suất huy động giảm 2 -3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3 - 5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp 7-9%/năm, trong đó khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ 6,5 - 7%/năm; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 9 - 11,5%/năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn cho rằng, lãi suất cần phải tiếp tục hạ thêm nữa. Thực tế, dù đã hạ sâu, song lãi suất ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với khu vực.
Kết quả khảo sát gần đây của NHNN cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm 1 - 2%/năm tùy lĩnh vực. Về phía NHNN, cơ quan này khẳng định, lãi suất năm 2014 cơ bản sẽ giữ như mặt bằng năm 2013; nếu lạm phát có tín hiệu thấp hơn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất thấp và có thể giảm thêm có thể gặp không ít thách thức bởi năm 2014, chính sách tài khóa (bằng việc tăng phát hành trái phiếu) sẽ đẩy mạnh huy động vốn cho nền kinh tế, gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong huy động vốn, từ đó khó giảm lãi suất.
7. Dọn dẹp sở hữu chéo
Dù đã được cảnh báo từ lâu, song trong năm 2013, tình trạng sở hữu chéo chằng chịt tại các tổ chức tín dụng vẫn chưa giảm. Tại một số tổ chức tín dụng, sau khi tái cơ cấu, tình trạng sở hữu chéo thậm chí còn tăng lên.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh của ngành ngân hàng năm 2014 mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo ngành ngân hàng phải dọn dẹp tình trạng sở hữu chéo trong năm 2014, không loại trừ việc ép các ngân hàng lên sàn để tăng minh bạch, dần dần bóc sở hữu chéo.
8. “Cứu” gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Năm 2013, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hầu như thất bại. Được coi là liều thuốc hữu hiệu để cứu thị trường bất động sản, dự báo sẽ giải ngân 15.000 - 17.000 tỷ đồng ngay trong năm 2013, song hết năm 2013, gói tín dụng này chỉ giải ngân chưa đến 2%. Thiếu nguồn cung, điều kiện giải ngân chặt chẽ là hai lý do chính.
Bước sang năm 2014, NHNN và Bộ Xây dựng sẽ phải tích cực hơn trong tạo nguồn cung, tháo gỡ vướng mắc về điều kiện cho vay để đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, liên bộ và các DN cũng phải nghiên cứu cụ thể hơn kế hoạch liên kết 4 nhà để phá băng tín dụng bất động sản.
9. “Cứu” lợi nhuận ngân hàng
Năm 2013, ước tính có khoảng 17% tổ chức tín dụng thua lỗ. Riêng tại TP.HCM, trong năm 2013, có tới 80 chi nhánh ngân hàng thua lỗ. Lợi nhuận của toàn hệ thống lũy kế 11 tháng 2013 đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm ngoái, nhưng so với 2010 và 2011 thì chỉ bằng 53-64%.
Năm 2014, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục được dự báo ảm đạm bởi kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, chi phí xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro năm 2014 dự báo sẽ tăng mạnh (do áp dụng Thông tư 02).
Như vậy, làm thế nào để “cứu” lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ là một thách thức lớn với NHNN. Bởi ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, một khi huyết mạch yếu, nền kinh tế sẽ khó lòng tăng trưởng vững vàng.
Theo Đầu Tư