Việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vừa có phương án sáp nhập đang làm nóng ngành ngân hàng.
Theo ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện tại phương án sáp nhập 2 ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước nhưng đơn vị này vẫn chưa có thông báo chính thức.
|
Trụ sở Ngân hàng Sacombank. Ảnh: Internet. |
Trao đổi với
Kiến Thức về việc sáp nhập của 2 ngân hàng trên, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM nhận định: Việc 2 ngân hàng này sáp nhập là tín hiệu vui của ngành ngân hàng và nó thể hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nước ta đang tiến triển tốt. Việc sáp nhập khiến ngân hàng mới và hệ thống ngân hàng sẽ mạnh thêm rất nhiều.
TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định: Việc sáp nhập một ngân hàng mạnh (Sacombank) và một ngân hàng yếu (Southern Bank) sẽ nâng chất lượng của ngân hàng sau sáp nhập, đồng thời tăng thêm tiềm lực cho hệ thống
ngân hàng nước ta. Vấn đề nợ xấu tuy cao nhưng sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn khi sức mạnh về quản trị của 2 ngân hàng được hợp lại thành một.
TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, về mặt nhân sự, sau khi sáp nhập, nhân sự của ngân hàng sẽ được sắp xếp lại sao cho hợp lý. Việc cơ cấu lại nhân sự được quyết định bởi 2 yếu tố: Một là, các cổ đông trong đại hội cổ đông sẽ chọn lựa người có khả năng, có uy tín trước đó hoặc dựa trên số lượng cổ phiếu nắm giữ của các cổ đông trong ngân hàng hoặc thuê người bên ngoài lãnh đạo. Hai là, việc cơ cấu lại nhân sự của một ngân hàng phải có sự kiểm soát, cân đối của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm và đưa ra các tiêu chí về nhân sự để lựa chọn người lãnh đạo cho phù hợp.
|
Ông Trầm Bê. Ảnh: Internet. |
Trầm Bê có thể là tân Chủ tịch!
Còn về phía đại gia Trầm Bê, việc gia đình ông này đang nắm số lượng lớn cổ phần ở cả 2 ngân hàng Sacombank và Southern Bank có thể đưa đến vị trí chủ tịch ngân hàng mới sau khi sáp nhập cho ông Trầm Bê. Nhưng điều này phải phù thuộc vào quyết định của HĐQT và sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước, TS Kiêm cho hay.
Giữa tháng 2 vừa qua, dư luận đã nổi sóng với thông tin ông Trầm Bê và gia đình đang sở hữu hơn 20% cổ phần của Southern Bank. Điều này vi phạm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định cá nhân và các thành viên trong gia đình có liên quan không được sở hữu quá 20% cổ phần của một ngân hàng.
Trong báo cáo quản trị năm 2013 của Sacombank, gia đình ông Trầm Bê cũng nắm nhiều cổ phần nhất trong số các thành viên HĐQT của ngân hàng này. Cụ thể, ông Trầm Bê nắm hơn 1,84 triệu cổ phiếu tương đương 0,15% vốn, con trai cả của ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân sở hữu hơn 54,7 triệu cổ phiếu (4,4% vốn), con trai thứ là Trầm Khải Hòa nắm hơn 24 triệu cổ phiếu (1,93% vốn), con gái Trầm Thuyết Kiều nắm gần 3,6 triệu cổ phiếu (0,3% vốn).
Hai năm trước đây, thông tin về việc đại gia Trầm Bê có ý định thâu tóm Sacombank cũng làm nóng dư luận một thời gian dài. Trong thời điểm đó, những câu chuyện về đại gia này được gợi mở khiến ông nhiều lần phải lên báo giới thanh minh. Sau khi trải qua những sóng gió biến động, ông
Trầm Bê lại trở về với vẻ trầm kín của mình.
Theo các nhà đầu tư, việc sáp nhập Sacombank và Southern Bank là khá dễ làm bởi lẽ ông Trầm Bê đang chi phối cổ phần ở cả 2 ngân hàng trên. Sau sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của ông Trầm Bê sẽ giảm mạnh bởi ngân hàng mới có vốn điều lệ cao hơn rất nhiều so với ngân hàng cũ.
Southern Bank hiện có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động gồm 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc. Còn Sacombank có vốn điều lệ 12.425 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 160.000 tỷ đồng với 424 điểm giao dịch tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Vốn điều lệ của ngân hàng sau khi sáp nhập là 16.425 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 240.000 tỷ đồng, có mạng lưới 564 điểm giao dịch.
Theo ông Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank, sau khi sáp nhập vẫn giữ thương hiệu Sacombank và sẽ xóa tên Southern Bank. Sacombank mới sẽ có mạng lưới, tổng tài sản chỉ đứng sau các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Tất cả định hướng chiến lược, hướng đi sẽ theo định hướng của Sacombank.
Về phần lãnh đạo chủ chốt, ông Phạm Hữu Phú - chủ tịch HĐQT Sacombank sẽ về lại Ngân hàng Eximbank sau khi đại hội đồng cổ đông Sacombank vào ngày 25/3.
Hải Sơn