|
Vùng quy hoạch trồng vải thiều xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản... tập trung chủ yếu tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). 107 hộ dân tại đây được đánh riêng từng mã số để trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). |
|
Vườn nhà anh Giáp Văn Liên (thôn Kép 1, Hồng Giang) có 1 ha vải. Năm nay, anh đã xuất đi Mỹ gần một tấn quả. Giá bán tại vườn là 30.000/kg, cao hơn 8.000-10.000 đồng so với ở chợ. Chủ vườn cho biết, việc chăm sóc vải theo quy chuẩn quốc tế tốn nhiều công hơn so với cách thông thường. Trong đó, nguồn nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phải dùng đúng liều lượng. |
|
Anh Giáp Văn Vang, Trưởng thôn Kép 1, chia sẻ, đây là năm đầu tiên vải thiều Lục Ngạn trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Global GAP. Hầu hết các hộ dân đều áp dụng thuần thục quy trình này. "Hiện tại, toàn thôn có 95 ha trồng vải thì gần 50% diện tích đã được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, bảo đảm các điều kiện để xuất khẩu", anh Vang nói. |
|
Theo người dân ở đây, một số quy trình chăm sóc do phía Mỹ đưa ra khác hẳn với cách làm trước. Chẳng hạn, người dân bị cấm sử dụng 5 loại hóa chất trong quá trình chăm sóc vải thiều mà họ từng sử dụng trước đây. |
|
Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, nói thêm: “Đây là cơ hội lớn cho người dân Lục Ngạn. Do đó, chúng tôi đã tập trung tăng cường chỉ đạo sản xuất vải thiều chất lượng cao, để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Địa phương cũng đã yêu cầu các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, hộ dân nằm trong vùng dự án ký cam kết không mua, bán, sử dụng 5 mẫu thuốc bảo vệ thực vật mà phía Mỹ cấm”. |
|
Từ đầu vụ, khá nhiều doanh nghiệp Mỹ, Úc, Nhật... đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Có đơn vị đến tận vườn để tham khảo giá và chất lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Khiển, Phó chánh văn phòng UBND huyện Lục Ngạn, số lượng xuất khẩu đi các nước đã lên tới vài chục tấn. |
|
Nhà chị Đào Thị Thúy cũng có 300 gốc vải thiều trồng để xuất khẩu sang Mỹ và Úc. Vải thiều xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu là hàng đông lạnh, đóng thùng xốp, sau đó chuyển lên máy bay. |
|
Trước đó, những tấn vải thiều Lục Ngạn đầu tiên cũng được trợ giá, đưa lên máy bay của Vietnam Airlines làm khẩu phần ăn cho hành khách. Theo lãnh đạo huyện, cách làm này cũng giới thiệu được đặc sản đến với mọi người. |
|
Sáng 16/6, văn phòng huyện Lục Ngạn đến tận hộ trồng vải theo tiêu chuẩn Global GAP để thu mua. Giá của hãng hàng không đưa ra là 30.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với thị trường. |
|
Số vải thiều này sẽ được đưa vào suất ăn tráng miệng trong một số chuyến bay, và đơn vị sẽ thực hiện hợp đồng tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn trong một tháng. Vải thiều được đóng thùng đông lạnh, chuyển ra sân bay ngay trong ngày 16/6. |
|
Nhân viên kiểm dịch của nhà nhập khẩu Mỹ, Úc kiểm soát rất gắt gao tại vùng nguyên liệu với tiêu chuẩn sản phẩm không nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các các sản phẩm từ những vùng trồng chưa được cấp mã số. Sau đó, các thùng vải đóng gói sẽ được chuyển vào TP HCM bằng xe đông lạnh để chiếu xạ. Tại TP HCM, nhà máy chiếu xạ (quận Bình Tân) sẽ tiếp nhận lô hàng được đóng gói tại nhà máy sơ chế ở Hải Dương (vừa được phía Mỹ kiểm tra và cấp mã số). Kho hàng chờ kiểm định, chiếu xạ luôn để mức nhiệt 5 độ C để đảm bảo vải luôn tươi. |
|
Trong lô hàng xuất khẩu được đóng gói với hàng trăm thùng, các nhân viên kiểm dịch, kiểm định của Mỹ, Úc sẽ chọn ngẫu nhiên một số thùng để kiểm tra tại phòng riêng của nhà máy chiếu xạ. Trong ảnh: Nhân viên nhà nhập khẩu Mỹ kiểm tra từng quả rất kỹ trong các thùng vải chọn ngẫu nhiên. |
|
Sau khi kiểm tra, quả không đạt chất lượng bị loại bỏ. |
|
Ông Robert Guillermo, kiểm dịch viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đánh giá cao quả vải và trái cây Việt Nam sau khi thông quan. Trước đó, ông cũng đã kiểm dịch cho lô vải đầu tiên xuất sang Mỹ vào ngày 30/5. Theo ông, trái cây Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, đều rất tươi và ngon, được thị trường nước này ưa chuộng. Bằng chứng là sản lượng các loại quả được phép nhập khẩu vào Mỹ đều tăng gấp nhiều lần từ khi được mở cửa đến nay. Ông hy vọng quả vải cũng sẽ có sự tăng trưởng tương tự. Trong ảnh: Ông Robert Guillermo cùng đồng nghiệp trực tiếp đóng gói các thùng vải lựa chọn ngẫu nhiên sau khi kiểm tra. |
|
Trong các thùng, hộp được đóng gói, một tấm vải được sản xuất đặc biệt để bọc các bao quả, nhằm đảm bảo chất lượng và mẫu mã đẹp trong quá trình vận chuyển từ đường bộ đến đường không. |
|
Ông Mai Xuân Thìn, đại diện nhà xuất khẩu, cho biết chính quyền tỉnh Bắc Giang và Hải Dương hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp thu mua vải của nông dân trong vùng nguyên liệu đã được cấp mã số. |
|
Để đáp ứng yêu cầu gắt gao từ các nhà nhập khẩu khó tính như Mỹ, Úc, Việt Nam đã xây dựng bản đồ chiếu xạ (quy trình diệt khuẩn, làm sạch sản phẩm, nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản), với chi phí 0,6-1 USD/kg sản phẩm. Chiếu xạ là khâu cuối cùng của quả vải để lên đường sang Mỹ, Úc, nhưng đây được xem là khâu quan trọng, yêu cầu không thể thiếu của nhà nhập khẩu. |
|
Sau khi được chiếu xạ, từng thùng vải sẽ được dán nhãn, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất niêm phong. Ông Alex Aexopoulos, đại diện nhà nhập khẩu vải (Công ty Panasia Fresh - Úc) cho biết, ông rất hài lòng về quy trình kiểm soát chất lượng của Việt Nam. Số vải đạt yêu cầu sẽ phân phối đến các chợ sỉ, hệ thống siêu thị, và hy vọng được người tiêu dùng ở đất nước chuột túi ưa thích. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, mùa vải năm nay công ty này sẽ nhập khẩu từ 15 đến 20 tấn mỗi tuần. |
|
Sau khi được kiểm tra, chiếu xạ hoàn tất, nhân viên kiểm dịch người Úc sẽ chuyển báo cáo về nước, và ngay lập tức lô vải đầu tiên được chấp nhận nhập khẩu. Nhân viên nhà máy chiếu xạ trực tiếp chuyển các thùng vải vào container máy bay đặt sẵn trong kho, để nhanh chóng đưa ra sân bay. |
|
Trước đó, ngày 30/5, một tấn vải chín sớm cũng được chiếu xạ, xuất khẩu sang Mỹ qua đường hàng không. Đây là lô vải đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường này. |
Theo Lê Hiếu-Lê Quân/Zing