Kinh doanh không hiệu quả, các công ty lo trả lương cho người lao động đã là một việc phải tính toán kỹ lưỡng. Nếu như nhiều năm, khoản thưởng Tết không ít thì nhiều, nhân viên vẫn nhận được thì đến năm nay, một số doanh nghiệp đã bẵng đi khoản thưởng này và né tránh bằng nhiều cách khác nhau.
Một trong những chiêu điển hình, thường được nhiều doanh nghiệp áp dụng đó là cắt giảm nhân sự, đồng nghĩa với cho thôi việc. Chiêu thức này không chỉ gây tâm lý ức chế đối với nhiều nhân viên mà còn đẩy họ vào tình thế khó khăn. Bởi lẽ, cả năm chỉ mong một cái Tết, nếu nghỉ việc vào thời điểm này cũng khó tìm được việc mới và nếu may mắn tìm được việc mới thì cũng chỉ nhận lương thử việc bèo bọt, cũng chẳng có thưởng Tết.
Chị Như Thùy, nhân viên một công ty chuyên thiết kế biển quảng cáo ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, chị mới được công ty cho thôi việc cách đây mấy ngày. Chị vào công ty cũng tầm này năm trước và mới làm việc được 1 năm. Công ty chị Thùy có khoảng 20 người nhưng theo như lời giám đốc thì cuối năm sẽ cắt giảm nhân sự xuống còn 15 người. Chị và 4 nhân viên khác chấp nhận số phận chung phải nghỉ việc trước Tết khoảng hơn 1 tháng. Chị Thùy cho hay, từ khi nghỉ việc chị cảm thấy rất bất mãn với chính sách của công ty và cũng đang ráo riết tìm việc làm mới nhưng vẫn chưa tìm được. Được biết, chị Thùy đang nuôi con nhỏ 1 tuổi và kinh tế gia đình cũng không khá giả.
|
Cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với không được thưởng Tết. Ảnh: Hải Sơn. |
Anh Nam, giám đốc một công ty nhỏ chuyên về cài đặt phần mềm máy tính (ở Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, cắt giảm nhân sự là cách mà nhiều doanh nghiệp tránh thưởng Tết cho nhân viên. Thông thường, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ sa thải các vị trí không quan trọng, cũng không ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của công ty trong dịp này.
Cũng nằm trong những độc chiêu né thưởng Tết khác mà một số doanh nghiệp thường áp dụng đó là điều chuyển nhân viên tới vị trí khác hoặc tới công tác ở địa bàn khác.
Anh Hòa, nhân viên kỹ thuật của một công ty cơ khí ở cụm công nghiệp Phùng (thị trấn Phùng, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, anh cũng vừa được chuyển sang bộ phận kinh doanh. Công việc kinh doanh thì anh có hiểu biết chút ít nhưng với chỉ tiêu mà công ty đặt ra quá cao thì anh cũng khó mà đạt được. Khi nghe đến quyết định này, anh Hòa cũng có ý định nghỉ việc nhưng nghĩ sắp đến Tết âm nên vẫn cố gắng làm. "Thôi thì cố đấm ăn xôi vậy", anh Hòa than.
Nhiều nhân viên khác của công ty cũng chịu chung cảnh bị điều chuyển như anh Hòa. Nhiều người không chịu được việc "đối xử bất công" này nên đã nộp đơn xin nghỉ việc. Những nhân viên còn lại thì lo lắng đến một ngày họ cũng rơi vào tình cảnh như vậy.
Hay như Huân, nhân viên của công ty chuyên kinh doanh bếp ga âm, khử mùi nhà bếp trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Đợt này anh bị điều chuyển công tác lên tỉnh Thái Nguyên và đóng đô luôn ở đó. Trong khi gia đình anh thì hiện đang ở Hà Nội nên đây cũng là một trở ngại đối với anh. Tuy nhiên, cũng như nhiều người lao động khác, cứ làm cho hết Tết rồi ra Tết thì tìm công việc khác thay thế.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết âm lịch, thời điểm mà người lao động nào cũng mong muốn được nhận thưởng Tết. Mất việc hay bị điều chuyển công tác trong thời điểm này cũng đều đẩy họ vào cảnh rối bời. Tâm lý lo lắng không được thưởng Tết cũng là tâm lý chung của nhiều người lao động. Kinh tế khó khăn đã buộc nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bí, đẩy người lao động vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Anh Dương, nhân viên của một công ty xây dựng có trụ sở tại Ninh Bình cho biết: Như mọi năm, công ty sẽ không có chuyện thưởng Tết. Nhân viên cũng chỉ mong được nhận số tiền lương còn lại mà công ty giữ, về quê ăn Tết là thấy thỏa mãn rồi. Chẳng mong thưởng này thưởng kia như nhân viên, công nhân ở những công ty khác.
Hải Sơn