Có tên có phải là trốn thuế?
Phải khẳng định rằng dưới góc độ pháp lý, chúng ta không nên đánh đồng việc có tên trong hồ sơ Panama đồng nghĩa với hành vi “trốn thuế” hay hành vi pháp lý gây phương hại cho đất nước.
Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn ghi nhận quyền Đầu tư ra nước ngoài của tổ chức, cá nhân. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có quyền đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước Sở tại nới doanh nghiệp đầu tư.
Ở Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Việc các quốc gia, vùng lãnh thổ mà nhà đầu tư hướng tới có quy định thông thoáng về thuế là quyền của các quốc gia đó. Như vậy, nếu các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama nhưng thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài và thực hiện đúng pháp luật của các quốc gia, vùng lãnh thổ họ đầu tư thì hoàn toàn hợp pháp. Chúng ta không thể đánh đồng khái niệm hồ sơ Panama với khái niệm “trốn thuế” hay đại loại với ý nghĩa không tích cực.
Tuy nhiên, nếu các tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama lợi dụng chính sách thông thoáng của quốc gia, vùng lãnh thổ đó để tiến hành đầu tư mang tính hình thức, mở công ty nhưng không hoạt động, chỉ là “bình phong”, thuê các công ty luật ở các vùng quốc gia, lãnh thổ đó quản lý… nhằm che đậy những hành vi rửa tiền, che dấu tài sản, những giao dịch bất hợp pháp thì có thể bị điều tra, xem xét mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.
Vấn đề lách thuế, trốn thuế của các doanh nghiệp Việt Nam
Đã là đầu tư thì lợi nhuận luôn được quan tâm và hướng tới hàng đầu trong kinh doanh. Bên cạnh việc phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế - đó là quy luật. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện phát triển kinh tế của các quốc gia không giống nhau. Vì vậy chính sách thuế, ưu đãi của các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng khác nhau.
Vấn đề là, trong thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển rầm rộ của các công ty đa quốc gia thì giới hạn giữa các biên giới, quốc gia cũng thu hẹp dần. Nói tóm lại ranh giới giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ không còn rõ ràng, và sự dịch chuyển giữa các quốc gia của các công ty là điều bình thường. Đây là mầm mống của cái gọi là “lách thuế”; “trốn thuế” như là một vấn nạn toàn cầu.
Ở Việt Nam bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đóng góp cho sự phát triển đất nước thì cũng đã và đang tồn tại nhiều hình thức “lách thuế” của các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp FDI đố là vấn đề “chuyển giá”, vấn đề kinh niên làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước bấy lâu, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cũng tìm mọi cách để trốn thuế, lách thuế như: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn, không kê khai vào doanh thu chịu thuế, trong khi đó luôn thổi phồng chi phí đầu vào, lấy hóa đơn khống nhằm giảm doanh thu, khấu trừ thuế đầu vào…
Dưới góc độ pháp lý, chúng ta không đánh đồng khái niệm “trốn thuế” và “lách thuế”. Nếu như “trốn thuế” là hành vi vi phạm pháp luật, thì “lách thuế” lại hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật, “lách thuế” là doanh nghiệp đã tận dụng được các khe hở của pháp luật, lợi dung sự lỏng lẻo và các tình huống mà pháp luật chưa dự liệu được trên thực tế. Xa hơn một chút, các doanh nghiệp lợi dụng sự chênh lệch về các ưu đãi thuế giữa các quốc gia để cân nhắc đầu tư, chuyển lợi nhuận.
Trở lại với câu chuyện thiên đường thuế, nếu như mức thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường của Việt nam là 20% (trong giai đoạn hiện nay) trên doanh thu, thì ở các “Thiên đường thuế” mức thuế suất này là 0%. Điều này dẫn đến, các nhà đầu tư tiến hành thành lập các công ty tại các “thiên đường thuế”, sau đó dùng tư cách pháp nhân này đầu tư vào Việt Nam và rồi khi phát sinh lợi nhuận lại chuyển ngược lại “thiên đường thuế” để được hưởng các ưu đãi. Tuy nhiên, đây lại là hoạt động đầu tư hợp pháp, đúng luật. Vậy, khi nào thì những hoạt động này là phi pháp, là trốn thuế?
Chỉ có thể coi là “trốn thuế” khi những công ty được lập ra chỉ là những công ty ảo, những công ty “bình phong”; lập ra với một mục đích rửa tiền, che dấu tài sản hoặc tận dụng ưu đãi thuế mà không hoạt động trên thực tế.
Xử lý như thế nào đối với tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama?
Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, thận trọng trong vấn đề xử lý hồ sơ Panama, tránh làm ảnh hưởng đến quyền tự do, kinh doanh đã được Hiến pháp ghi nhận; đồng thời thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin và thận trọng trong vấn đề xử lý thông tin.
Nếu thực sự những tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama có dấu hiệu “trốn thuế” “vi phạm pháp luật”… chúng ta cần phải phối hợp với các quốc gia, vùng lãnh thổ, cái gói là thiên đường thuế để điều tra những hành vi vi phạm (nếu có) từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của các nước sở tại và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Tài liệu Panama do Hiệp hội các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cung cấp là nguồn “chứng cứ” quan trọng là điều kiện cần để các quốc gia có liên quan bắt tay vào việc điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm nếu có.
Thiết nghĩ, đây là một việc Chính phủ nên làm, một là Chính phủ với bộ máy lãnh đạo mới quyết tâm phòng chống tham nhũng sẽ để lại trong lòng nhân dân sự tin tưởng, kỳ vọng nếu làm quyết liệt, hai là việc làm sẽ trả lại sự trong sạch cho những tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama nếu thực sự vô can.
Trước mắt, Tổng cục Thuế, Bộ kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước cần yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hồ sơ Panama báo cáo toàn bộ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các giao dịch thực hiện…trên cơ sở đó nhà nước xem xét và tiến hành các bước tiếp theo với các quốc gia, thiên đường thuế nếu cần thiết.
Dẹp tan các vấn đề nghi ngại của dân chúng và trả lại sự trong sạch, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư chân chính, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm là điều Chính phủ nên và làm và làm quyết liệt để thể hiện bản lĩnh của một Chính phủ “kiến tạo và phục vụ”, đồng thời kiên quyết trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Tin Nhanh