Cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá
Đa số các cổ phiếu khi phát hành đều có mệnh giá 10.000 đồng/CP. Nhiều doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán với mong muốn giá cổ phiếu tăng để thu hút vốn đầu tư. Nhưng hiện nay, khá nhiều mã giảm sốc xuống 1.000 đồng/CP (nghĩa là mất 90% giá trị). Giá trị của chúng không mua nổi nửa cốc trà đá.
Theo thị giá chốt phiên 26/10, KSS (Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico) và KTB (Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc) đang là “quán quân” trong danh sách các cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá. Cả KSS và KTB đều dừng ở mức 1.000 đồng/CP.
Đồng hạng với KSS, KTB là cổ phiếu PTK của Công ty Cổ phần Luyện kim Phú Thịnh. Trong suốt thời gian dài qua, PTK chỉ lình xình quanh mốc 1.000 đồng/CP. Thậm chí, chốt phiên 20/10, PTK còn rớt xuống 900 đồng/CP.
|
Nhiều cổ phiếu thậm chí không mua nổi cốc trà đá. |
Có thời điểm, GTT (Công ty Cổ phần Thuận Thảo) được báo chí hết lời khen ngợi. Gỗ Thuận Thảo nổi lên nhờ tấm gương vượt khó của bà Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Thị Thanh. Bà Thanh nhiều lần được vinh danh là doanh nhân thành đạt.
Thế nhưng, tới nay, cổ phiếu GTT trượt dài trên sàn Tp.HCM. Giá GTT chỉ cao hơn KSS, KTB và PTK khi giao dịch ở mức 1.200 đồng/CP.
Cũng lình xình ở mức giá 1.200 đồng/CP như GTT là VNH (Công ty Cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật). Từ cuối tháng 8, VNH đi xuống và rời xa mốc 1.600 đồng/CP được duy trì từ trước đó khá lâu.
Danh sách các cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá còn kéo dài. Một số mã tiêu biểu có thể kể đến như KHL (1.3), VLF (1.4), BAM (1.4), PVL (1.7), LCM (1.8), (KSK 1.8), PV2, 1.8, CIG 1.8, , SRA 1.9.
Trong danh sách các cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá, nếu tính cả UpCom, KSS, KTB và PTK không còn là quán quân vì có nhiều mã thậm chí giao dịch dưới mốc 1.000 đồng/CP như AVF (700 đồng/CP), DTV (800 đồng/CP), HLA (800 đồng/CP), MEF (900 đồng/CP), NOS (800 đồng/CP), PSG (700 đồng/CP), PTG (700 đồng/CP, PXM (900 đồng/CP), S27(900 đồng/CP), TVG (400 đồng/C), V15 (800 đồng/CP).
Kinh doanh bết bát, bưng bít thông tin
Đa số các cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá đều có kết quả kinh doanh bết bát. Quý 2/2015, Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico công bố BCTC hợp nhất quý 2/2015 với doanh thu chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, lỗ hợp nhất hơn 8 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân quý 2 lỗ là do doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ít, doanh thu tài chính chưa thực hiện thu lãi của các đơn vị vay. Trong khi đó, các dự án, nhà máy đang trong thời kỳ đầu tư dở dang nên các khoản chi phí vẫn phải tiếp tục đầu tư.
Dù nguyên nhân thua lỗ là gì đi chăng nữa thì cổ đông không còn mặn mà với cổ phiếu KSS nữa. Kết quả là KSS giảm không ngừng và rơi xuống 1.000 đồng/CP.
Khoản thua lỗ trong quý 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc thấp hơn Khoáng sản Na Rì Hamico một chút, “chỉ” 3,2 tỷ đồng nhưng cổ phiếu KTB lại bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, KTB cùng chung “số phận 1.000 đồng” với KSS.
Không thua lỗ nhưng do thiếu minh bạch nên PTK cũng đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt và bị nhà đầu tư quay lưng. Nguyên nhân PTK phải “đeo vòng kim cô” chính là con dấu của công ty bị công an tạm giữ trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, công ty liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. HOSE đã nhiều lần thông báo nhắc nhở chậm nộp báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm và báo cáo tài chính quý 2/2015, báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2015.
Trước đó, cổ phiêu PTK đã bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 16/9 do công ty thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Mấy tháng trước đây, GTT là một trong những cổ phiếu “đình đám” nhất. GTT được nhắc đến nhiều vì mối quan hệ nợ vay phức tạp với bà chị Võ Thị Thanh. Bà Thanh dù được vinh danh nhiều lần nhưng cũng không giúp Gỗ Thuận Thảo thoát khỏi khó khăn khi lỗ nhiều quý liên miên.
Quý 2 năm nay, GTT lỗ 57,5 tỷ đồng. Tới quý 3, đà lỗ được hạn chế nhưng GTT vẫn âm 25,4 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ của quý là công ty thắt chặt một số mảng kinh doanh kém hiệu quả nên doanh thu giảm.
Báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ sớm được công bố trong tháng 11. Nếu những doanh nghiệp kể trên không cải thiện được các chỉ số kinh doanh, có lẽ, giá cổ phiếu sẽ không dừng lại ở mức 1.000 đồng/Cp.
(Tiêu đề do Kiến Thức đặt lại)
Theo VTC