Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (MLG - Mai Linh Group) hiện có quy mô trên 27.000 cán bộ nhân viên, sở hữu hơn 100 công ty thành viên, phạm vi hoạt động tại 54 tỉnh thành trên cả nước.
Mới đây, theo tài liệu điều tra của PV Kiến Thức cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2016, Tập đoàn Mai Linh (MLG - Mai Linh Group) đang nợ Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc (MLMB) hơn 447 tỉ đồng và số nợ còn tiếp tục gia tăng theo các tháng.
Đáng nói, dù đã hơn 5 năm qua, nhiều lần Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc từ làm văn bản, đề cập trực tiếp nhưng Mai Linh Group vẫn chây ỳ không trả. Thậm chí, Mai Linh Group đang có những bước đi được cho là cơ cấu lại bộ máy. song lại có dấu hiệu chiếm đoạt tài chính của các cổ đông.
Nghi vấn chiếm dụng vốn…
Theo tìm hiểu, Mai Linh Group là cổ đông sáng lập và là cổ đông lớn của Mai Linh Miền Bắc. Nhiều năm nay, Tập đoàn này đã ban hành quy định để áp dụng thống nhất đối với tất cả các thành viên tập đoàn, trong đó có Mai Linh Miền Bắc cũng như tất cả các đơn vị thành viên của mình về hình thức thanh toán sử dụng thẻ Mai Linh trả sau (MCC – Mai Linh Customer Club) khi khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải taxi trong hệ thống taxi Mai Linh.
|
Thẻ taxi Mai Linh trả sau (MCC) - Ảnh nguồn: Internet. |
Về hình thức thanh toán này, phòng Thẻ của Mai Linh Group là đầu mối duy nhất cấp mã hợp đồng và phát hành thẻ MCC cho khách hàng. Khi khách hàng đi taxi của Mai Linh Miền Bắc thì toàn bộ số tiền khách hàng thanh toán dịch vụ bằng thẻ MCC đều chuyển trực tiếp về tài khoản của Mai Linh Group. Sau đó, Mai Linh Group có trách nhiệm hạch toán, chuyển trả doanh thu cho các đơn vị thành viên theo định kỳ sau khi đã trích lại khoản phí thu hộ.
Thế nhưng, kể từ thời điểm triển khai hình thức thanh toán sử dụng thẻ MCC đến nay, Mai Linh Group đã hút toàn bộ lượng vốn thu được từ thẻ MCC và cố tình không thực hiện việc hoàn trả cho Mai Linh Miền Bắc số tiền dịch vụ mà khách hàng đã thanh toán cho Mai Linh Miền Bắc (trong đó có cả Mai Linh Miền Trung và các công ty thành viên).
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Mai Linh Miền Bắc đã được kiểm toán bởi Deloitte ngày 20/5/2016 (dẫn nguồn tại trang số 19 - Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất Mai Linh Miền Bắc 2015) cho thấy, kết thúc kỳ kế toán năm 2015, các khoản nợ ngắn hạn mà Mai Linh Miền Bắc phải thu là hơn 559 tỷ đồng.
|
Khoản nợ khổng lồ chủ yếu đến từ các công ty trong cùng Mai Linh Group lên đến hơn 401 tỷ đồng. |
Khoản nợ khổng lồ này chủ yếu đến từ các công ty trong và Mai Linh Group lên đến hơn 401 tỷ đồng, bao gồm nghiệp vụ thu hộ tiền thẻ taxi MCC và các nghiệp vụ mua bán tài sản cố định, vật tư, sửa chữa... và khoản nợ này còn tiếp tục tăng lên trong Báo cáo tài chính quý 1/2016 là hơn 447 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần giá trị của toàn bộ cổ phần Mai Linh Miền Bắc.
Chưa dừng lại ở đó, trong Báo cáo tài chính hợp nhất 2015, một con số đáng báo động nữa là Mai Linh Miền Bắc có khoản nợ xấu lên đến gần 43 tỉ đồng.
Điều này cho thấy, tình hình tài chính Mai Linh Miền Bắc đang trong tình trạng mất cân đối thu - chi nghiêm trọng. Trong khi đó, số tiền doanh thu của Mai Linh Miền Bắc đáng ra phải được nhận từ dịch vụ sử dụng thẻ MCC - lại bị Mai Linh Group “giữ lại” để “ném” vào các khoản đầu tư khác. Và tất nhiên, không phải tự nhiên mà khoản doanh thu của Mai Linh Miền Bắc từ dịch vụ MCC được Mai Linh Group “giữ lại” theo cách bất thường từ nhiều năm qua lại diễn ra một cách dễ dàng và trót lọt đến thế.
… Và sự thật đằng sau câu chuyện tái cấu trúc
Được biết, tái cấu trúc luôn là phương cách được nhiều doanh nghiệp sử dụng khi gặp sự cố hay khó khăn và Mai Linh cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm 2012, khi Tập đoàn Mai Linh lỗ nặng, vấn đề tái cấu trúc đã được đặt ra cấp thiết. Thế nhưng, khi lật lại các báo cáo tài chính từ năm 2013 tới nay, việc tái cấu trúc chỉ quanh quẩn ở các việc luân chuyển dòng vốn từ các 3 công ty đại chúng lớn là Tập đoàn Mai Linh, Công ty CP Mai Linh miền Bắc, Cty CP Mai Linh miền Trung (Mã chứng khoán: MNC) tới các công ty như: Công ty TNHH một thành viên đầu tư Hồ Huy và Công ty CP thương mại và đầu tư H.H&T, Công ty TNHH Du lịch Mai Linh, Công ty CP Vận tải tốc hành Mai Linh (Mai Linh Express).
Chính việc luân chuyển dòng vốn này đã khiến các cổ đông nghi ngại rằng, lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh đang cùng với cán bộ dưới quyền thực hiện nhiều chiêu thức khác nhau để “qua mặt” các cổ đông, mà các chiêu thức này đều được sử dụng với mỹ từ: “Tái cơ cấu”.
Đầu tiên là sự bất thường trong 2 công ty thuộc quyền sở hữu của ông Hồ Huy (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh) là: Công ty TNHH một thành viên đầu tư Hồ Huy và Công ty CP thương mại và đầu tư H.H&T.
Cụ thể, trong năm 2014, Công ty TNHH một thành viên đầu tư Hồ Huy đã chiếm dụng nợ dài hạn của bị Mai Linh Group là 27,3 tỷ đồng. Riêng năm 2015, đã rút thêm của Mai Linh Group gần 46,7 tỷ đồng. Như vậy, Công ty TNHH một thành viên đầu tư Hồ Huy đã chiếm dụng nợ dài hạn của MLG 74 tỉ đồng.
Tương tự, trong năm 2014, Công ty CP thương mại và đầu tư H.H&T đã nợ Mai Linh Group lên đến 6,7 tỷ đồng, nhưng riêng 2015 đã rút/chiếm dụng vốn của Mai Linh Group gần 116,3 tỷ đồng. Tổng nợ dài hạn lên đến hơn 123 tỷ đồng. (Số liệu được dẫn trang 22, Thuyết minh số 9 Báo cái tài chính của Công ty CP Tập Đoàn Mai Linh).
Điều đáng nói là 2 công ty thuộc quyền sở hữu của ông Hồ Huy ở trên lại có thể đầu tư mạnh tài sản/phương tiện vận tải trong năm 2015 để cho chính Mai Linh Group thuê lại với giá cao, trong khi tập đoàn Mai Linh đang báo lỗ lớn và nợ đọng bảo hiểm rất nhiều… (!?).
|
Trích nguồn, trang 20 Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Công ty CP Mai Linh Miền Bắc |
Mặt khác, tại phần nợ xấu do công ty cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh (hay còn gọi là Mai Linh Express) mà bản thân ông Hồ Huy – một thành viên quan trọng trong ban lãnh đạo của của Tập đoàn Mai Linh - là cổ đông lớn cho thấy, tính đến năm 2015, tổng giá trị của các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi từ Mai Linh Express của riêng Mai Linh Group đã là hơn 328 tỉ đồng. Nhưng kỳ quặc là Mai Linh Group hiện không còn là cổ đông của Mai Linh Express.
Câu hỏi khiến dư luận đặt ra là, tại sao Mai Linh Group chỉ sở hữu có 1,8 tỷ đồng tại Mai Linh Express nhưng trong nhiều năm lại có thể chi phối được Mai Linh cả 3 miền? Tại sao Mai Linh 3 miền phải cho Mai Linh Express vay và tồn dư với số nợ đáng giật mình như vậy? Phải chăng ông chủ của tập đoàn Mai Linh đang sử dụng “thủ đoạn” tài chính với cả 3 công ty Mai Linh Group, Công ty CP Mai Linh Miền Bắc, Công ty CP Mai Linh Miền Trung cùng hàng loạt công ty con khác?
Kiến Thức đã Liên lạc với bà Nguyễn Thị Kiều Nhung – Trưởng ban Truyền thông của Tập đoàn Mai Linh vào ngày 15/11 để làm rõ những vấn đề trên. Bà Kiều Nhung cho biết, sự việc này là việc nội bộ của công ty, Mai Linh sẽ có câu trả lời gửi đến báo, nhưng do đang đi công tác nên bà Kiều Nhung hẹn sau 2, 3 hôm hoặc sang đầu tuần sẽ có phản hồi lại.
Sau 3 ngày đợi, đến ngày 18/11 vẫn không nhận được phản hồi của Mai Linh, PV Kiến Thức tiếp tục liên lạc với bà Kiều Nhung thì những gì mà PV nhận được cũng chỉ là những lời hứa hẹn. Tương tự, một số lần sau đó, vị đại diện Mai Linh luôn nói sẽ trả lời ngay nhưng mãi vẫn không thấy gì.
Đầu giờ chiều ngày 28/11, PV tiếp tục liên lạc với bà Kiều Nhung để lấy thông tin, thì được bà Kiều Nhung cho biết, sáng cùng ngày Mai Linh đã họp bàn và sẽ gửi câu trả lời cho báo.
Tới chiều tối ngày 28/11, PV Kiến Thức mới nhận được câu trả lời qua email từ bà Kiều Nhung. Tuy nhiên, các câu hỏi liên quan đến vụ việc này và những câu hỏi khác mà báo Kiến Thức đưa ra, bà Kiều Nhung không hề trả lời đến. Thay vào đó, bà Kiều Nhung chỉ nói chung chung và cho rằng Tập đoàn Mai Linh đang bị một nhóm người dùng các chiều trò để tẩy chay, hạ uy tín, gây sức ép lên doanh nghiệp.
Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết, về vấn đề này, Mai Linh đã có văn bản gửi Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà Báo Việt Nam; Vụ Báo chí xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Báo chí - Bộ thông tin và Truyền thông.
Kiến Thức tiếp tục thông tin đến bạn bạn đọc trong các bài tiếp theo.
Hồng Liên