Cụ thể, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động từ 0,2 - 1%.
Cuối tháng 3/2016, Ngân hàng TMCP Sacombank công bố điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,6 lên 5,8%; 12 tháng từ 6,4 lên 6,6%, kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng tăng nhẹ lên mức 6,6%.
Ngân hàng BIDV tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13-18 tháng tăng thêm 0,4 điểm % lên 6,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 6,5%/năm. VietinBank cũng tăng mạnh nhất lãi suất huy động kỳ hạn 12- 24 tháng, từ 6% lên 6,8%.
100 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng được hưởng lãi thế nào?
Theo chị Huyền Trang (28 tuổi, nhân viên ngân hàng): “Nếu có 100 triệu đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng, tùy theo mức lãi suất huy động của từng ngân hàng, người gửi sẽ nhận được các khoản lãi khác nhau. Nếu tính theo mức lãi suất cao nhất hiện giờ của khối Ngân hàng nhà nước (BIDV, VCB, Viettinbank, Agribank) là 6.8%/ năm, thì số tiền lãi nhận được sau một năm nếu gửi kỳ hạn 12 tháng của khách là 6.800.000 đồng. Đối với khối ngân hàng cổ phần, cao nhất kỳ hạn 12 tháng là 7.1%/ năm, số tiền lãi sẽ là 7.100.000 đồng”.
“Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, khách có thể tính lãi theo công thức: tiền lãi có kỳ hạn = (số tiền x lãi suất/12) x số tháng. Đây là cách tính khi gửi tiết kiệm và lãnh vào đúng ngày đến hạn” – chị Trang cho biết thêm.
“Tuy nhiên, nếu khách hàng rút tiền trước kỳ hạn (trước ngày đến hạn) dù chỉ 1 ngày thì toàn bộ số tiền lãi cũng sẽ được tính bằng lãi suất không kỳ hạn (thường là 0,5%)".
Công thức tính lãi rút trước kỳ hạn: Tiền lãi không kỳ hạn = số tiền gửi nhân với lãi suất (%) chia cho 360 ngày, sau đó nhân với số ngày thực gửi.
Nếu khách gửi kỳ hạn 1 tháng, ví dụ từ 13/4, nhưng nhưng đến 20/7 (được 3 tháng 7 ngày) khách mới rút tiền thì sẽ được hưởng lãi có kỳ hạn 3 tháng và 7 ngày lãi suất không kỳ hạn. Mỗi ngân hàng có thể có hình thức trả lãi suất ở kỳ hạn khác nhau.
Có nên gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng thời điểm này?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Thời điểm này, với những ai không nhiều kinh nghiệm đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao do biến động thị trường thì nên gửi tiền vào tiết kiệm ngân hàng, là kênh đầu tư truyền thống, rủi ro hạn chế hơn”.
Trong khi đó, một chuyên gia tài chính khác cho rằng: “Hiện tại, gửi tiền tiết kiệm bằng tiền đồng có lợi hơn so với các ngoại tệ khác , hơn nữa lãi suất đang có mức nhỉnh hơn so với năm 2015. Tuy nhiên, đầu tư vào kênh này cũng cần những chú ý nhất định, không nên chăm chăm chú ý vào lãi suất cao ngân hàng. Lãi suất cao là cách các ngân hàng thương mại cạnh tranh lẫn nhau và thu hút khách, nhưng tiêu chí an toàn cao hơn, thanh khoản tốt hơn cũng quan trọng không kém (như về tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR)) để quyết định chọn ngân hàng lớn, uy tín”.
“Ngoài ra, khách hàng nên tính toán kỹ các phương thức trả lãi mà ngân hàng áp dụng như lãi suất cuối kỳ và lãi đầu kỳ. Thông thường thì gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ có mức lãi suất tốt hơn”.
“Nếu dùng 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán, nếu không nắm vững vấn đề có thể mất tới 20 – 30% vốn” – vị chuyên gia này cho biết thêm.
Theo anh Nguyễn Thanh Phong (chuyên gia kinh doanh trong lĩnh vực vàng – tài chính): “Nếu muốn đầu tư vào vàng theo kiểu lướt sóng thì khá mạo hiểm. Ví dụ, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giới kinh doanh vàng trong nước thường tăng mạnh giá bán ra nhưng lại không tăng giá mua vào nhằm ngăn chặn dân “chơi” vàng chốt lời. Hơn nữa, giá vàng có “dậy sóng” thì đơn vị quản lý sẽ có những biện pháp để ổn định thị trường. Do đó, đầu tư vào lĩnh vực này cần cân nhắc”.
“Ngoài ra, một số sàn vàng ảo đưa mức lãi suất ngất ngưởng để hút khách đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các sàn vàng ảo trái pháp luật thì rủi ro mất trắng số tiền 100 triệu đồng (thậm chí nhiều hơn) là rất cao. Đã có rất nhiều vụ sập sàn vàng ảo mà người dân không biết đòi tiền đã gửi bằng cách nào. Lời khuyên của tôi là không nên dùng tiền tích cóp để chơi vàng ảo”.