Thị trường chứng khoán được phen rúng động
Sau một thời gian dài giao dịch trầm lắng, thị trường chứng khoán tuần vừa qua (từ 20 - 24/6) lại chứng kiến phiên chao đảo, bởi chịu tác động sau thông tin Anh rời Liên minh Châu Âu (EU).
Theo dõi thị trường chứng khoán tuần vừa qua có thể thấy, trong những phiên giao dịch đầu tuần, thị trường diễn ra khá tĩnh lặng. Hoạt động mua bán không có nhiều đột biến, người cầm tiền tiếp tục chọn giải pháp thận trọng khi đứng ngoài sàn. Trong khi đó, người ôm cổ phiếu cũng tỏ ra không vội vàng bán ra, mà vẫn chờ đợi nghe ngóng tình hình.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ sẽ có thêm một tuần giao dịch ổn định, nếu như không có thông tin phần lớn người dân Anh đã đưa ra quyết định rời bỏ EU. Thông tin này ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên cuối tuần qua.
Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường đã diễn ra trong trạng thái giao dịch giằng co, rung lắc và chao đảo khá mạnh. Chỉ số Vn-Index liên tục mất điểm sâu, có thời điểm để mất tới gần 34 điểm và xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 600 điểm. Tâm lý hoang mang bao phủ khắp thị trường khiến hoạt động bán tháo lan tỏa.
|
Ảnh minh họa |
Về cuối phiên giao dịch cuối tuần, rất may hoạt động bán tháo ngưng lại. Người bán bình tĩnh hơn. Đáng chú ý, hoạt động bắt đáy đã trở nên tích cực hơn, kéo các chỉ số rút ngắn khoảng cách giảm điểm.
Nhờ vậy, khép lại một tuần giao dịch (từ 20 – 24/6), chỉ số Vn-Index trên sàn TP.HCM đã tăng nhẹ 1,52 điểm khi đang đứng tại mốc 620,77 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội lại giảm nhẹ 0,3 điểm.
Việc các chỉ số vẫn duy trì đà đi lên nhẹ trong tuần vừa qua là nhờ sự hỗ trợ tăng mạnh của nhiều cổ phiếu.
Theo đó, tại sàn TP.HCM, cổ phiếu dẫn đầu trong Top tăng mạnh nhất tuần là VNH của Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật. Theo đó, với 1 tuần tăng trần, VNH đã tăng tới 35,71%, từ mức 1.400 đồng/cổ phiếu hôm 17/6 lên mốc 1.900 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 24/6.
Giữ ở vị trí thứ 2 trong Top những mã tăng mạnh nhất tuần là TDW của Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức, với mức tăng gần 33%, từ mức 27.500 đồng/cổ phiếu hôm 17/6 lên mức 36.400 đồng/cổ phiếu hôm 24/6.
Cổ phiếu HAS của Công ty cổ phần HACISCO giữ vị trí thứ 3, với mức tăng gần 27%, từ mức 10.200 đồng/cổ phiếu hôm 17/6 lên mức 12.900 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên hôm 24/6.
Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu SPP của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn là quán quân nhóm tăng giá mạnh nhất tuần, với mức tăng 29%. Từ mức 10.000 đồng/cổ phiếu hôm 17/6 lên mức 12.900 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 24/6.
Đứng ở vị trí thứ 2 trong Top tăng mạnh nhất tuần là cổ phiếu SGC của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang với mức tăng gần 28%, từ mức 37.000 đồng/cổ phiếu hôm 17/6 lên mức 47.300 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên hôm 24/6.
Giữ ở vị trí thứ 3 trong Top tăng mạnh nhất tuần là SCI của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9, với mức tăng hơn 26%, từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu hôm 17/6 lên mức 7.200 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 24/6.
Nhà đầu tư nên thận trọng
Trải qua một phiên rúng động bởi thông tin Anh rời khỏi EU, thị trường chứng khoán tuần tới được nhận định sẽ còn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư nên thận trọng.
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt - BVSC, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc sau thông tin Anh rời Liên minh Châu Âu, thị trường Việt Nam đã có sự hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần nhờ lực cầu bắt đáy và khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ. Mặc dù vậy, chưa thể khẳng định thông tin tiêu cực liên quan đến vấn đề Brexit đã được phản ánh đầy đủ vào biến động thị trường.
Cũng theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, các phiên biến động mạnh của hai chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện. Vì vậy, nhà đầu tư chưa nên vội mua trở lại, mà nên tiếp tục đánh giá phản ứng của thị trường trong các phiên sắp tới.
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt - VCSC, hai chỉ số có thể sẽ hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần tới và xu hướng ngắn hạn có thể sẽ theo xu hướng tiêu cực trong tuần giao dịch tới. Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số Vn-Index với mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 618,34 điểm, hạ mức xu hướng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index từ mức tăng xuống giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng mua và hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 40% danh mục ở các nhịp hồi phục trong các phiên giao dịch đầu tuần.
Trong khi đó, theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán FPT - FPTS, diễn biến của tuần kế tiếp sẽ có vai trò quan trọng để đánh giá lại phản ứng của nhà đầu tư với thông tin Anh rời Liên minh Châu Âu. Điểm tích cực là nhà đầu tư sẽ có 2 ngày cuối tuần để ổn định lại tâm lý và tổng hợp, đánh giá lại thông tin. Tuy nhiên, trong trường hợp đà giảm tiếp diễn, các vị thế ngắn hạn sẽ tiếp tục phải đối mặt nguy cơ bán tháo khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ mạnh.
“Nhà đầu tư vẫn nên hết sức thận trọng với các vị thế mua và nắm giữ cổ phiếu bởi rủi ro giảm giá đang rất lớn. Trong trường hợp thị trường hồi phục nhưng với biên độ hẹp và thanh khoản thấp, nhà đầu tư cũng nên tận dụng cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục thay vì đẩy mạnh các hoạt động bắt đáy có độ rủi ro cao”, FPTS nhận định.
Theo VnMedia