Chốt giá khởi điểm cổ phiếu Vietnam Airlines

Google News

Mức giá khởi điểm 1 cổ phần cho đợt IPO trong nước của Công ty Mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là 22.300 đồng.

Bộ trưởng Bộ giao thông - Vận tải Đinh La Thăng vừa ký Quyết định số 3584/QĐ – BGTVT phê duyệt mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, địa điểm tổ chức bán đấu giá cổ phần để cổ phần hóa Công ty Mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
 Vietnam Airlines sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP trên thị trường chứng khoán khi có đủ điều kiện.
Theo đó, mức giá khởi điểm của Vietnam Airlines là 22.300 đồng/cổ phần. Cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng trong nước được bán thông qua phương thức bán đấu giá tại Sở GDCK Tp.HCM với khối lượng 49.009.008 cổ phần, tương đương với 3,475% vốn điều lệ của Vietnam Airlines (hơn 14.101,8 tỷ đồng).
"Khi có đủ điều kiện, Vietnam Airlines thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Thăng yêu cầu.
Trên cơ sở quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do tư vấn tài chính quốc tế Morgan Stanley và Citigroup xây dựng và quản lý; các nguyên tắc xây dựng tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược đã được đưa ra trong phương án cổ phần hóa Công ty Mẹ - Tổng công ty Hàng hàng không; sau khi các nhà đầu tư tiềm năng gửi hồ sơ tham dự, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Vietnam Airlines có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí chi tiết làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, phê duyệt và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo đúng quy định trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, mức giá 22.300 đồng/cổ phần là phù hợp với giá trị thực tế, cung cầu của thị trường tài chính, cũng như tiềm năng phát triển của Hãng.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2013, giá trị thực tế theo sổ sách của Vietnam Airlines (sau khi thực hiện xử lý tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước) là 57.156,5 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.576,3 tỷ đồng.
Liên quan đội tàu bay của Hãng bao gồm tàu bay sở hữu và thuê tài chính với các máy bay Boeing 777 - 200ER, Airbus 321- 200, ATR72, Fokker70, Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính đánh giá, khối tài sản này của Vietnam Airlines có giá trị khoảng 53.000 tỷ đồng (nguyên giá) và 37.600 tỷ đồng (giá trị còn lại) tại thời điểm 31/3/2013.
Ngoài đội tàu bay, Vietnam Airlines còn sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bay, cơ sở dịch vụ mặt đất hoàn chỉnh nằm trên phần diện tích 301.902 m2, trong đó 90% nằm tại Hà Nội và TP.HCM.
Cần phải nói thêm rằng, bất chấp việc thị trường hàng không thế giới chưa thoát khỏi suy thoái kéo dài, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam báo lãi trong năm tài chính 2013. Cụ thể, doanh thu và thu nhập khác của Hãng trong năm 2013 đạt 54.017 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 157 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu đạt 1,7%.
Sức hấp dẫn của cổ phiếu Vietnam Airlines còn nằm ở vị thế chi phối thị trường hàng không Việt Nam được hình thành tự nhiên qua nhiều năm và rất khó bị phá vỡ.
Nhận định trên là có cơ sở, bởi tính đến cuối năm 2013, Vietnam Airlines đang nắm hơn 50% thị phần vận chuyển hành khách, trong đó thị phần vận chuyển khách nội địa vào khoảng 61,4%.
“Bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của VietjetAir, thế lưỡng cực tại thị trường khách nội địa chưa thể hình thành trong một vài năm tới đây, do Vietnam Airlines, ngoài việc là cổ đông lớn tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, còn có lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang cho lợi nhuận cao”, một chuyên gia nhận xét.
Đối với thị trường hàng không quốc tế (hiện có 51 hãng có đường bay đi/đến), Vietnam Airlines duy trì thị phần 40,7%, tiêp sau là Thai Airways (4,3%) và Cambodia Angkor (3,7%).
Các chuyên gia cũng cho rằng, Vietnam Airlines đang triển khai chiến thuật 2 thương hiệu khá hiệu quả. Một mặt hãng vẫn tập trung mở rộng hình ảnh là một hãng hàng không Quốc gia cung cấp các chuyến bay với dịch vụ đầy đủ, mặt khác hãng sẽ hãng sẽ sử dụng công ty con là Jetstar Pacific để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tại phân khúc hàng không giá rẻ.
Bên cạnh đó, với việc đến hết năm 2013, hãng có mạng đường bay quốc tế gồm 50 đường bay đến 28 điểm thuộc 17 quốc gia và mạng đường bay nội địa gồm 40 đường bay đến 21 điểm sẽ giúp hãng có sự cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng hàng không khác ở cả phân khúc nội địa và quốc tế.
Theo Đầu tư