Tuần qua, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup gây ấn tượng mạnh trên thị trường. Trong phiên giao dịch 11/4, VIC lần đầu tiên tăng trần trở lại sau nhiều năm. Đà tăng mạnh này giúp cho phiên giảm 15/4 không có nhiều ý nghĩa. Sau 5 ngày giao dịch, VIC vẫn có nhiều bứt phá.
Chốt phiên cuối tuần trước, VIC dừng ở mức 52.000 đồng/CP sau khi tăng 4.500 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Tập đoàn Vingroup tăng 8.729,35 tỷ đồng lên 100.872,45 tỷ đồng. Vingroup thường xuyên nằm trong Top những cổ phiếu có vốn hóa thị trường cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu VIC bứt phá giúp cổ đông Vingroup có tuần “thắng lớn”. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, cổ đông lớn nhất Tập đoàn có thêm 2.395,93 tỷ đồng. Với tổng tài sản đạt 27.686,26 tỷ đồng, ông Vượng vững vàng ở vị trí số 1 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
|
Ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán. |
Các đại gia khác trong Phạm gia cũng có 1 tuần thành công với VIC. Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, vợ ông Vượng có thêm 413,15 tỷ đồng. Hiện tại bà Hương nắm giữ 4.774,17 tỷ đồng và là nữ tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán.
Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, em gái bà Hương chứng kiến khối tài sản khổng lồ tăng 275,92 tỷ đồng lên 3.188,38 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày.
Tuần qua, mặc dù Hòa Phát phải đón nhận tin không tốt nhưng cổ phiếu HPG vẫn tăng 500 đồng/CP lên 31.300 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tăng 366,44 tỷ đồng lên 22.939,15 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát có thêm 92,17 tỷ đồng. Tổng tài sản của ông Long đạt 5.769 tỷ đồng. Mặc dù tài sản của ông Long khiêm tốn hơn rất nhiều so với giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ nhưng ông Long vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Vị trí này thuộc về bầu Đức trong nhiều năm qua.
Tài sản gia đình ông Long sẽ “phồng” lên nhiều hơn nếu tính cả giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long. Sâu 5 phiên giao dịch, tổng tài sản của bà Hiền tăng 26,7 tỷ đồng lên 1,671 tỷ đồng. Bà Hiền đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không bứt phá quá mạnh nhưng cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng khá thành công khi tăng 600 đồng/CP lên 15.800 đồng/CP. PDR giúp vốn hóa thị trường công ty tăng 121,09 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt được hưởng lợi nhiều nhất khi tài sản của ông có thêm 74,05 tỷ đồng. Với tài sản đạt 1.950 tỷ đồng ông Đạt đứng ở vị trí thứ 6.
Tuần qua, khá nhiều tỷ phú Việt Nam nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng như ông Vượng. Nhưng may mắn không mỉm cười với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Tuần qua, cổ phiếu HAG trở thành “tâm điểm” thị trường khi Hoàng Anh Gia Lai công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2015 sau kiểm toán. Điểm đặc biệt của báo cáo này chính là bầu Đức phải vay nợ quá nhiều cho Hoàng Anh Lai. Tập đoàn này phải thế chấp rất nhiều tài sản, từ khu liên hợp học viện bóng đá tới đàn bò và cả cổ phiếu riêng của bầu Đức.
Thông tin này khiến cổ phiếu HAG lao đao. Thậm chí, có phiên HAG giảm sàn. Tính chung cả tuần, HAG giảm 700 đồng/CP xuống 6.900 đồng/CP. Đà giảm này của HAG khiến vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai giảm 522,98 tỷ đồng xuống chỉ còn 5,450.31 tỷ đồng.
Trong đó, bầu Đức là người chịu mất mát nặng nề nhất. Tuần qua, bầu Đức mất 243,44 tỷ đồng. Hiện với tổng tài sản chỉ còn 2.395,58 tỷ đồng, bầu Đức đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Và nguy cơ rớt xuống vị trí thứ 5 đang đến rất gần với bầu Đức.
Theo VTC News