Hãy tưởng tượng bạn là người cho thuê nhà, nhưng người đến thuê nhà bạn thường thuê rất dài hạn, từ 5-15 năm, trả tiền thuê đúng hạn và nhà của bạn khấu hao rất nhỏ do có nhiều đơn vị đứng ra để đảm bảo người thuê nhà sẽ bảo dưỡng, giữ gìn và nếu có bất trắc xảy ra với căn nhà, bạn sẽ được công ty bảo hiểm chi trả bồi thường.
Thay căn nhà bằng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc máy bay và người thuê nhà là các hãng hàng không, bạn sẽ thấy bức tranh về ngành công nghiệp cho thuê máy bay đầy béo bở.
Những thuyền trưởng của ngành hàng không
Những công ty cho thuê máy bay lớn là mấu chốt của hệ sinh thái hàng không, bao gồm nhiều bên như các hãng sản xuất máy bay, các hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay.
Các công ty cho thuê lớn không chỉ là khách hàng quan trọng của các hãng sản xuất máy bay, họ còn là thuyền thưởng định hướng cả ngành công nghiệp.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Steven Udvar-Hazy, chủ tịch của International Lease Finance, đơn vị cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, sở hữu hơn 1.000 máy bay các loại cho hay, "nếu tôi mua 50 chiếc máy bay nào, sẽ có 75 chiếc tương tự được các hãng hàng không đặt mua sau đó".
|
Steven Udvar-Hazy, ông hoàng cho thuê máy bay thế giới. Ảnh: NYT. |
Ông hoàng cho thuê máy bay Hazy gọi đây là quá trình "gieo mầm" máy bay, bao gồm việc đơn vị cho thuê mua số lượng lớn một loại máy bay nào đó, cho thuê rải rác số máy bay này tại các hãng hàng không trên thế giới. Các hãng hàng không sẽ tiếp tục mua cùng loại máy bay để đảm bảo tính đồng bộ và tạo nên xu hướng mua sắm một loại máy bay trên toàn cầu.
Đây là lý do những khách hàng lớn của Boeing hay Airbus như ông Hazy thường được các hãng này đến xin tư vấn, góp ý thiết kế máy bay trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt bởi với họ, những người như ông trong ngành cho thuê máy bay sẽ dẫn dắt cả hệ sinh thái hàng không.
Trong 35 năm vận hành công ty, Hazy đã mua tổng cộng 706 máy bay Boeing và khoảng 600 máy bay Airbus.
Theo thống kê của Airliners.net, mỗi chiếc máy bay cho thuê mang về cho các công ty chủ quản trung bình 700.000 USD một năm, giao động tùy theo kích cỡ, tuổi đời. Nhiều chiếc đời mới nhất có giá thuê lên tới trên 1 triệu USD một năm.
Với số máy bay lên tới hơn 1.000 chiếc, International Lease Finance của Hazy thu về khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Hiện 9 trên 10 công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới đều "đóng đô" tại Ireland do thuế suất cực thấp tại quốc gia này.
Đa dạng về dịch vụ
Theo New York Times, một nửa số máy bay trong biên chế các hãng hàng không trên thế giới là máy bay đi thuê. Việc thuê máy bay thay vì mua rất phổ biến do tính linh hoạt, kinh tế cũng như các dịch vụ đi kèm đa dạng mà đơn vị cho thuê cung cấp.
|
Các hãng hàng không có nhiều lựa chọn về cách thuê máy bay, giúp tăng tính linh hoạt trong kinh doanh. Ảnh minh họa: AviaAM Leasing. |
Một hãng cho thuê máy bay sẽ đưa ra 3 gói dịch vụ chính cho các hãng hàng không thuê máy bay. Gói thứ nhất được gọi là "cho thuê khô" (dry lease), có nghĩa các hãng hàng không chỉ thuê lại chiếc máy bay từ đơn vị cho thuê, không bao gồm bảo hiểm, phi hành đoàn, kỹ thuật mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng hay các trang thiết bị hỗ trợ đi kèm.
Lựa chọn gói dry lease đồng nghĩa với việc hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm trang bị cho chiếc máy bay tất cả các yếu tố trên nếu muốn đưa vào vận hành. Gói dry lease phù hợp với các hãng hàng không có hậu cần mạnh hoặc đang dư thừa hậu cần.
Gói thứ hai là gói "cho thuê ướt" (wet lease), bao gồm tất cả các dịch vụ đi kèm trên. Lựa chọn gói wet lease sẽ giống như hãng hàng không đang kinh doanh nhượng quyền một chiếc máy bay, chỉ khác là máy bay sẽ mang logo của hãng.
Gói thứ ba là gói "cho thuê ẩm" (damp lease), bao gồm tất cả các dịch vụ đi kèm trên những không có phi hành đoàn. Hãng hàng không sẽ tự trang bị phi hành đoàn cho máy bay đi thuê.
Rủi ro của "nghề" cho thuê máy bay
Là một trong những ngành thu lời ổn định và an toàn, nhưng cho thuê máy bay cũng có những rủi ro riêng.
|
Theo India Times, sau khi hãng hàng không Kingfisher phá sản, hơn 10 máy bay đi thuê của hãng được trả lại trong tình trạng không thể tiếp tục sử dụng. Ảnh: Aanavandi. |
Rủi ro đầu tiên là khó thu hồi tài sản khi hãng hàng không vỡ nợ. Máy bay được bán lại cho các công ty cho thuê máy bay để gán nợ thường có chất lượng kém do các hãng hàng không vỡ nợ không đủ tiền để bảo dưỡng. Nhiều máy bay trong số này thậm chí còn không thể cất cánh trở lại và phải tận thu phụ tùng rồi bán phế liệu.
Rủi ro thứ hai là lợi nhuận giảm do khách hàng thường xuyên thuê ngắn hạn. Các đơn vị cho thuê luôn thích khách thuê dài hạn vì việc liên tục thay đổi kết cấu ghế hay sơn ngoài máy bay khi đổi khách thuê sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ máy bay cũng như tạo ra nhiều chi phí ngoài mong muốn.
Ngoài ra, với những hợp đồng thuê dài hạn, giá thuê máy bay được cố định trong khoảng thời gian dài nên nếu xảy ra trượt giá, thiệt hại sẽ về phần công ty cho thuê. Một vài rủi ro có thể kể đến khác như khách thuê sử dụng máy bay kém dẫn tới giảm tuổi thọ hay thời gian chờ khách thuê mới quá lâu, máy bay không sản sinh doanh thu trong một thời gian dài.
Theo Ngô Minh/ZIngnews