"Cần xốc lại hệ thống điều hành của Cục Hàng không VN"

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận lại được dịp xôn xao về vụ việc máy bay của Vietnam Airlines đi TP HCM lại đáp xuống Cam Ranh hôm 8/7 vừa rồi...

Hôm 8/7, người đại diện của Vietnam Airlines (VNA) đã nhanh chóng khẳng định, việc chuyến bay lộ trình Hà Nội - TP HCM nhưng lại đáp xuống sân bay Cam Ranh chỉ là một sự cố khách quan, do thời tiết xấu và điều này vẫn thường xảy ra với bất cứ hãng hàng không nào. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn, nghi ngại, khi mà mới đây sự kiện "xưa nay hiếm" này cũng đã xảy ra với hãng hàng không VietJet Air. Tương tự như VNA, VietJet Air ngay lập tức đã lên tiếng về sự cố máy bay đáp nhầm sân bay là do thời tiết. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thì bản chất sự việc không phải như vậy.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Kiến Thức đã phỏng vấn TS Trần Đình Bá - người có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không.
 TS Trần Đình Bá.
- Ông nhận định thế nào về sự kiện vừa xảy ra với máy bay VNA ngày 8/7/2014: bay đi TP HCM nhưng lại đáp xuống sân bay Cam Ranh?
- Đó sẽ là chuyện bình thường trong điều hành bay nếu vì thời tiết (tình huống bất khả kháng) hay các sự cố kỹ thuật cũng như các trường hợp khác. Trên hành trình bay, giả sử có một sự cố nào về sức khỏe tổ lái, hành khách hay có trục trặc kỹ thuật, bị đe dọa, hay sân bay cần tới có sự cố đặc biệt không tiếp nhận được thì Cơ trưởng có quyền báo cáo chỉ huy bay xin đáp xuống sân bay gần nhất để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Quy định này dựa trên mục tiêu nhân đạo cao cả bảo vệ tính mạng con người là trên hết.
Theo truyền thông , lịch trình, chuyến bay VN237 của VNA khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào lúc 10h sáng nay (8/7) và dự kiến hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) vào 12h cùng ngày. Tuy nhiên, đến 12h, hành khách lại nhận được thông báo từ phi hành đoàn là sẽ tạm hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vì thời tiết ở Tân Sơn Nhất rất xấu, có thể ảnh hưởng tới chuyến bay. Lúc 13h10, máy bay được hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh và nghỉ tại đây 30 phút. Sau đó chuyến bay tiếp tục hành trình và hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc 13h52. Như vậy chuyến bay đã chậm giờ theo dự kiến và tiếp tục chậm tới 1h 52 phút .
Theo dự báo thời tiết trên VTV, mấy ngày nay đang có mưa lớn ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ vào thời điểm trưa và chiều. Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất, nếu có mưa lớn kéo dài trên 1 giờ thì nhiều chuyến bay do hạ cánh không đảm bảo an toàn nên phải quay lại sân bay xuất phát. Vì thế, việc máy bay VNA phải hạ cánh ở Cam Ranh vì lý do thời tiết là cũng có cơ sở. Hơn nữa, Cam Ranh nằm trên hướng đường bay hành trình HN – TP HCM, lại là sân bay quốc tế hiện đại nên có thể đáp ứng các điều kiện hạ cánh khẩn cấp khi có sự cố cho các máy bay tuyến Bắc Nam.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, điều này sẽ là không bình thường nếu là vì lý do khác. Theo tôi, không có gì có thể gian dối công luận được.
 
- So sánh với trường hợp máy bay VietJet Air mới đây cũng đáp sân bay nhầm xuống Cam Ranh thì không ít ý kiến đang cho rằng, nguyên nhân thời tiết mà VNA đưa ra cũng chỉ là chữa cháy giống như VietJet Air. Theo ông, suy luận này có cơ sở không?
- Nếu vì lý do trục trặc kỹ thuật hay lỗi điều hành thì cũng nên công khai thông báo để tránh những dư luận nghi ngờ. Nếu vì trục trặc kỹ thuật mà lấy cớ do thời tiết là sai. Hoặc vì lỗi điều hành không lưu mà đổ cho thời tiết (cụ thể như vụ VJA) vừa qua là càng sai và vi phạm luật pháp.
Trong Hàng không, vấn đề ghi âm toàn bộ hành trình lệnh cất/hạ cánh tại các sân bay và điều hành bay phải được lưu giữ trong vòng 6 tháng. Vì thế, mở băng ghi âm ra là biết ngay có đúng lệnh hạ cánh do thời tiết hay không! Tuy nhiên, chỉ có cơ quan bảo vệ pháp luật mới được phép làm điều này.
Nếu sự thật máy bay VNA đáp xuống Cam Ranh vì lý do thời tiết thì Đài chỉ huy Nội Bài - Tân Sơn Nhất và Cam Ranh phải biết và phải báo cho Cục Hàng Không Việt Nam (HKVN). Và lẽ ra, Cục HKVN với vai trò "cầm còi" phải công bố trước công luận về vấn đề này để tránh nghi ngờ của dư luận.
- Liên tiếp nhiều sự cố hàng không thời gian gần đây khiến dư luận rất nghi ngờ về việc có hay không một lỗ hổng nào đó trong quá trình quản lý không lưu. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- “Một lần mất tín thì vạn sự mất tin" là như thế. Vụ "gian lận" thời tiết hạ cánh nhầm sân bay của VJA mà không có kiểm chứng của Cục HKVN đã làm mất lòng tin của nhân dân. Rồi tuyên bố của Cục HKVN là lỗi do điều hành không lưu của JVA đã không thuyết phục được công luận buộc Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố phải xác định trách nhiệm cội nguồn, của từng người.
Theo tôi, hai sự việc vừa qua đã phần nào cho thấy một lỗ hổng lớn trong điều hành không lưu mà người trực tiếp điều hành, quản lý , phát ngôn là Cục HKVN nhưng đã không thể hiện được vai trò của mình.
- Theo ông, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải ra sao để khắc phục kịp thời lỗ hổng này?
- Trách nhiệm cao nhất thuộc về quản lý Nhà nước và điều hành không lưu mà Cục HKVN phải chịu trước Chính phủ và Bộ trưởng GTVT. Theo tôi, Cục HKVN phải nhìn lại mình, từ thái độ cầu thị đến tiếp nhận, lắng nghe ý kiến hành khách. Đồng thời, cũng phải nhìn lại vai trò làm tham mưu cho Chính phủ và Bộ trưởng GTVT trong Chiến lược phát triển Hàng không Việt Nam. Làm sao để vừa nắm chắc Luật HKDD 2006 nhằm có được hành lang pháp lý hoạt động; vừa tạo điều kiện để các hãng hàng không hội nhập quốc tế làm ăn có lãi, có tích lũy tái sản xuất ổn định, các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam để giảm đầu tư công cho Chính phủ; vừa để hàng không nước nhà phát triển bền vững, xứng tầm.
Và Cục HKVN, Vụ KHCN Bộ GTVT, Vụ Vận tải, Thanh tra GTVT... và các ngành chức năng Bộ GTVT cũng phải làm cách nào tháo gỡ cho các hãng hàng không Việt tránh tình trạng trễ chuyến , chậm chuyến đến mức... hổ thẹn.
- Xin trân trọng cám ơn ông.
Lê Thịnh (thực hiện)