Làng rắn không nuôi rắn
Trước đây, Lệ Mật (Long Biên - Hà Nội) từng là trung tâm cung cấp rắn cho cả nước với hàng trăm hộ nuôi rắn và săn bắt rắn. Rắn từ khắp các nơi đổ dồn về Lệ Mật để bán cho nhà hàng và xuất khẩu sang Trung Quốc. Mọi người trong làng từ già đến trẻ đều biết bắt rắn, nuôi rắn bởi đó là kế sinh nhai của họ. Tuy nhiên, hiện nay cả làng chỉ còn duy nhất trang trại Quốc Phương là còn nuôi rắn để kinh doanh nhà hàng.
|
Những nhà hàng như thế này đang mọc lên san sát ở làng rắn Lệ Mật.
|
Ông Hải Tú ở tổ 6 phố Lệ Mật là một trong những người nuôi rắn giỏi của làng cũng đã bỏ nghề. Ông cho biết, hiện nay nghề nuôi rắn không còn cho thu nhập cao như trước nữa vì rắn được mang từ các tỉnh về đây bán cho các nhà hàng rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Thanh ở tổ 7 cũng là một hộ gia đình từng nuôi rắn nhưng hiện tại phải bỏ nghề để bán trà đá ở vỉa hè. Trước đây, chồng bà làm nghề săn bắt rắn nhưng trong một lần đi bắt rắn ở Bắc Giang thì bị rắn hổ mang mổ vào tay trái, may mắn là kịp thời hút máu độc ra nên cánh tay chỉ bị khoèo và mất sức lao động. Từ đó, bà bỏ nghề nuôi rắn và không cho chồng theo nghề nữa. Đã có rất nhiều người trong làng bị rắn cắn dẫn đến cụt tay, cụt chân…thậm chí không ít người phải bỏ mạng khi đi săn bắt rắn. Ông Trương Quốc Triệu, một đại gia xuất thân từ ngề săn rắn và kinh doanh nhà hàng được mệnh danh là “ vua rắn” cũng đã suýt mất mạng vì bị rắn cắn.
Nuôi rắn là một nghề nguy hiểm mà thu nhập cũng không cao nên người dân làng Lệ Mật cũng chẳng mấy thiết tha với nghề. Thêm vào đó, từ 1993, Nhà nước ban hành Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã. Thế nên nhiều người chuyển sang nghề khác kiếm sống, chỉ còn một số ít người còn đi săn hoặc thu mua rắn từ các nơi khác về bán buôn cho nhà hàng.
Phố ẩm thực giữa làng
|
Những món ăn được chế biến từ rắn.
|
Lệ Mật nhanh chóng biến thành phố ẩm thực bởi việc kinh doanh nhà hàng rắn mang lại lợi nhuận vô cùng cao. Từ chỗ chỉ có khoảng chục nhà hàng đến nay Lệ Mật đã có gần 400 nhà hàng lớn nhỏ kinh doanh đặc sản rắn. Mỗi ngày ở đây đón trên 500 lượt khách trong và ngoài nước.
Ông Lâm, quản lý nhà hàng QT., cho biết, nhà hàng thu mua rắn từ những người đi săn bắt với giá khoảng 50.000 đến 70.000 đồng /kg nhưng giá bán ra lại cao hơn rất nhiều. Hầu hết các nhà hàng đang bán các loại rắn bình dân như rắn ráo, cạp nong , cạp nia…với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng /kg còn rắn hổ mang có giá đắt gấp 5- 6 lần, có những con lên đến hàng chục triệu đồng. Thịt rắn có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/ món. Nhưng thường thì khách sẽ mua cả con rắn để nhà hàng chế biến thành các món. Từ một con rắn nhà hàng có thể làm ra 10 món, con rắn không bỏ đi phần nào: Da rắn để chiên giòn, thịt rắn để xào lăn, làm các loại chả, hầm thuốc bắc, xương rắn cho vào băm nhỏ, rang giòn với vừng và lá chanh…Tính ra mỗi ngày nhà hàng kinh doanh rắn có thể thu về hàng chục triệu đồng.
Lợi nhuận cao như vậy nên nhà hàng kinh doanh thịt rắn trên phố Lệ mật mọc lên san sát. Những chuỗi nhà hàng đặc sản rắn như Quốc Triệu, Xuân Chu, Nguyễn Văn Dực… với thu nhập bạc tỷ mỗi năm đã khiến Lệ Mật nhanh chóng trở thành một con phố có nhiều đại gia nhất trong khu vực.
Nguyễn Nguyên