Kim cương đen Orlov, còn được gọi là Con mắt kim cương của thần Brahma, nặng đến 195 carat trước khi bị cắt. Nó được phát hiện từ thế kỉ 19 ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, viên đá nguyên thủy là một mắt của bức tượng thần Brahma, vị thần sáng tạo theo truyền thuyết của người Hindu. Người ta tin rằng nó bị một nhà sư lấy trộm và sau đó hứng chịu lời nguyền.
Dù nhiều người hoài nghi tính xác thực của lời nguyền, viên kim cương Orlov đen đã trải qua những hành trình bị bao phủ bởi sự huyền bí, kịch tính và chết chóc.
|
Kim cương Orlov đen nguyên là một con mắt của tượng thần Brahma. |
Năm 1932, nhà buôn kim cương châu Âu tên là J. W. Paris đưa viên đá này đến Mỹ. Ông bán nó trong chỉ một tuần sau khi đến New York. Ngày 7/4 năm đó, ông leo lên nóc tòa nhà chọc trời trên Đại lộ 5 ở Manhattan rồi nhảy xuống tự vẫn. Nhiều người cho rằng, ông là nạn nhân đầu tiên liên quan đến lời nguyền.
Người ta đồn J.W. Paris đã rất lo lắng về công việc làm ăn. Hai bức thư được tìm thấy thời điểm ông chết; một gửi vợ và một gửi một người bạn làm ăn, nhưng nội dung trong đó chưa từng được công bố.
Trở lại đầu thế kỉ 20, viên kim cương thuộc sở hữu của một Công chúa Nga Nadia Vygin Orlov; từ đó nó mang tên kim cương Orlov đen.
Trong cách mạng Nga năm 1917, Công chúa Nadia chạy trốn tới Roma, Italia, giống như nhiều người khác trong Hoàng gia Nga. Tháng 2/1947, 15 năm sau cái chết của ông Paris, công chúa Nadia chết trong một ngôi nhà ở Rome mà nhiều người cho rằng bà đã tự tử. Khi đó, bà đang là vợ của một nhà buôn trang sức người Nga, nhưng không có nhiều thông tin khác về cái chết của bà.
Chỉ một tháng trước cái chết của công chúa Nadia, một người khác trong hoàng tộc Nga, công chúa Leonila Viktorovna-Bariatinsky, cũng được cho là đã nhảy lầu tự tử. Dù không có nhiều thông tin về nguyên nhân của bi kịch, bà cũng là một trong những người từng sở hữu Orlov đen.
Ngoài Orlov đen, một viên kim cương khác tên là Orlov trắng cũng được tin là mang theo lời nguyền. Viên đá này nặng tới 180,60 cara là quà tặng của Grigori Orlov cho Công nương Catherine nhằm chiếm trái tim nàng. Khi đó, nàng đang là vợ của Hoàng đế Peter III. Khi nàng nhận viên kim cương, Grigori ám sát Hoàng đế và biến nàng thành nữ hoàng Nga. Bà sau này là nữ hoàng trị vì đất nước lâu nhất.
Ngược lại, số phận của Grigori không suôn sẻ như vậy. Tình yêu của ông không được đáp lại, ông bị đẩy ra nước ngoài nhưng vẫn khắc khoải về nữ hoàng Nga. Ông sau đó trở lại quê hương nhưng bị mất trí và chết vào năm sau đó tại Moscow.
Trong những năm 1950, nhà buôn kim cương tên Charles F. Wilson quyết định phá lời nguyền gắn với Orlov đen bằng cách cắt nhỏ nó ra. Công việc này kéo dài tới 2 năm, và dường như đã thành công trong việc "tách viên đá khỏi ma quỷ". Orlov đen giờ đang nằm trên chuỗi dây chuyền kim cương 124 viên và từng được nữ diễn viên Felicity Huffman, ngôi sao seri phim Những bà nội trợ kiểu Mỹ, đeo đến dự giải Oscars.
Theo Dân Việt