|
Ông Darin Lee, Giám đốc Điều hành của Besra Việt Nam. |
Ông Darin Lee, Giám đốc Điều hành của Besra Việt Nam cho rằng, biện pháp cưỡng chế này sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế cùng đường và nhiều khả năng phải ngừng hoạt động.
- Cụ thể của việc cưỡng chế này thế nào thưa ông?
Khó khăn về tài chính và sản xuất trong thời gian qua đã làm cho dòng tiền của Công ty bị hạn chế và khiến Công ty chậm thanh toán các khoản thuế đối với nhà nước.
Đứng trước tình hình đó, Ban giám đốc và hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên của Công ty đã và đang nỗ lực hết mình để tiết giảm chi phí và đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, Công ty đã nộp hồ sơ xin giảm, giãn thuế vì lý do “đóng cửa bất khả kháng do thiên tai” và “sự cố bất ngờ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất”, theo Thông tư 156 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.
Trong khi đang chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp ban hành các biện pháp cưỡng chế thuế, bao gồm phong tỏa các tài khoản ngân hàng của Công ty vào ngày 28/3/2014 và thông báo hóa đơn của Công ty không còn hiệu lực kể từ ngày 7/5/2014, nghĩa là Công ty không thể mua nguyên liệu đầu vào hay bán vàng, và như thế là đẩy chúng tôi vào bước đường cùng.
- Thực tế Besra gặp khó khăn như thế nào dẫn đến tình trạng nợ thuế thưa ông?
Hai công ty thuộc Tập đoàn Besra là Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai Thác Vàng Bồng Miêu đều đang gặp phải nhiều khó khăn liên tiếp. Cụ thể, bão và lũ hồi cuối năm ngoái đã làm thiệt hại nghiêm trọng dẫn đến đóng cửa tạm thời mỏ vàng Bồng Miêu, mà chỉ vừa mới đi vào hoạt động trở lại vào ngày 9/6 vừa qua. Ngoài ra, giá vàng giảm kỷ lục từ nửa cuối năm 2013 đã làm cho nguồn thu của công ty giảm gần 30%.
Mặc dù quyết định truy thu thuế xuất khẩu cuối cùng cũng đã được hủy bỏ theo chiều hướng tích cực có lợi cho Besra, một công ty luôn luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam trong mọi hoạt động xuất khẩu vàng, nhưng hậu quả trực tiếp của quyết định truy thu thuế này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
- Còn khó khăn nào khác không ông?
Thời gian qua, hai mỏ vàng của Besra tại Quảng Nam luôn phải đối diện nhiều khó khăn từ thiên tai, lũ lụt… Đây là trường hợp bất khả kháng, buộc chúng tôi phải ngừng hoạt động một thời gian dài để khắc phục. Đặc biệt là mỏ vàng Bồng Miêu, chúng tôi đã bỏ chi phí mua bảo hiểm cho mỏ này, khi rơi vào tình trạng như thế, chúng tôi đã yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại trị giá 4,5 triệu USD cho việc đóng cửa Mỏ vàng Bồng Miêu theo điều khoản hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên vì đã mất hơn 8 tháng đàm phán thương lượng với công ty bảo hiểm này nhưng vẫn chưa được giải quyết. Điều này khiến công ty càng khó khăn hơn.
- Công ty Phước Sơn là doanh nghiệp nước ngoài lớn trên địa bàn Quảng Nam, vậy chính quyền địa phương có ý kiến gì về khó khăn này không thưa ông?
Trả lời kiến nghị của chúng tôi về việc bãi bỏ thực hiện cưỡng chế tài khoản ngân hàng, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu Cục Thuế Quảng Nam chưa thực hiện cưỡng chế tài khoản của Công ty Vàng Phước Sơn tại các ngân hàng để Công ty tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, có nguồn thu thanh toán các khoản nợ thuế cho nhà nước.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2077/TCT-QLN hướng dẫn chi tiết cách xem xét, xử lý hồ sơ xin giảm, giãn thuế của Công ty, trong đó có nêu rõ rằng, trong khi chờ đợi giải quyết các hồ sơ xin giảm, giãn thuế, thì không có biện pháp cưỡng chế nào được áp dụng.
Căn cứ vào công văn của Tổng Cục Thuế và tất cả các hồ sơ của Công ty đã nộp tại Cục Thuế Quảng Nam, thì Công ty tin có đủ điều kiện để được giảm, giãn thuế, đồng thời được tạo điều kiện hoạt động mà không áp dụng các biện pháp cưỡng chế để tiếp tục thực hiện cam kết của mình. Tuy nhiên, cho đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Chúng tôi tin rằng, mọi quyết định đúng đắn nhằm hỗ trợ nhà đầu tư của cơ quan chức năng đối với Besra sẽ giúp bạn bè quốc tế nhìn nhận tích cực hơn về môi trường đầu tư Việt Nam.
- Tập đoàn Besra đánh giá về việc này thế nào?
Chúng tôi tôn trọng các quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, nhưng quyết định này dường như trái với tinh thần của pháp luật Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài. Công ty chúng tôi đang trên đà phục hồi với mục tiêu đẩy mạnh công suất tối đa, tạo ra nguồn thu, duy trì công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương và tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, áp lực của việc cưỡng chế thuế không chỉ không giúp Công ty chúng tôi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước mà còn đẩy chúng tôi vào tình thế đóng cửa, điều đó có nghĩa là nhà nước, người lao động, và nhà cung cấp của chúng tôi đều mất tất cả.
Theo Đầu Tư