Ông Kim Hong Sik, Giám đốc Viện nghiên cứu thị trường vốn thuộc Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC - Financial Services Commission) cho biết, các nhà chức trách đang tiến hành điều tra những cáo buộc liên quan đến giao dịch nội gián của tập đoàn Samsung trong thương vụ sáp nhập trị giá gần 10 tỷ USD.
Những cáo buộc này liên quan đến những cổ phiếu được giao dịch trước khi Cheil Industries đồng ý mua lại Tổng công ty Samsung C&T. Trong tuyên bố vào tháng 5 vừa qua, cuộc sáp nhập bằng cổ phiếu này có giá trị khoảng 9,3 tỷ USD. Qua thương vụ trên, Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong sẽ có thêm hơn 12 tỷ USD cổ phần ở các công ty con khác, trong đó có 4,1% cổ phần ở Samsung Electronics - nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện thoại.
|
Hàng loạt lãnh đạo Samsung bị điều tra vì nghi ngờ có giao dịch nội gián. |
Thương vụ mua lại của Chei nhằm giúp gia đình ông Lee củng cố thêm địa vị tại tập đoàn Samsung, và cũng là một trong những thương vụ gây tranh cãi nhất trong lịch sử Hàn Quốc bởi nhà đầu tư tỷ phú Paul Elliott Singer đã tìm cách mua cổ phần tại C&T để cố gắng ngáng đường thương vụ.
Tại thời điểm thông báo M&A, cổ phiếu của Cheil Industries được giao dịch ở mức gấp 130 lần lợi nhuận dự báo.
Tuy nhiên, thương vụ sáp nhập trị giá khoảng 9,3 tỷ USD của Samsung lại bị kẻ thứ ba ngăn cản. Quỹ đầu tư mạo hiểm Elliott Associates LP (Mỹ) của nhà đầu tư tỷ phú Paul Elliott Singer, cổ đông lớn thứ ba của Samsung C&T với 7,1% cổ phần, cho rằng thương vụ trên không công bằng và cũng không mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của Samsung C&T.
Ông Singer cho biết, công ty xây dựng này đã bị định giá thấp xuống. Tuy nhiên, cuối cùng, cuộc sáp nhập vẫn diễn ra sau khi gia đình Lee nhận được sự ủng hộ từ phía các cổ đông khác.
Sau khi điều tra, sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đã phát hiện 9 quan chức cấp cao thuộc 4 công ty của Samsung đã mua lại cổ phiếu của Cheil vào tháng 4 và tháng 5. Ông Kim cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một vụ điều tra làm rõ cáo buộc giao dịch nội gián được Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đệ trình”.
Giao dịch nội gián (insider trading) là hành vi mà nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức có được thông tin nội bộ có giá trị và sử dụng thông tin đó trước khi thông tin được công bố công khai nhằm mua - bán cho chính mình hoặc cung cấp cho bên thứ ba để hưởng lợi.
Thảo Nguyên (theo Yonhap News)