2013 - Năm “bội thu” dự án tỷ đô

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài mang nhiều dự án vốn đầu tư hàng tỷ đô vào Việt Nam với nhiều kỳ vọng lớn.

Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội: 30 tỷ USD của Thái Lan
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) có vốn đầu tư khoảng 25 - 30 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) tham gia khoảng 40% vốn, số vốn còn lại sẽ xúc tiến, kêu gọi đầu tư các đối tác tiềm năng ở khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó sẽ ưu tiên cho các đối tác tại Việt Nam.
Tổ hợp có tổng công suất chế biến 660.000 thùng, tương đương 33 triệu tấn sản phẩm lọc hóa dầu mỗi năm. Sản phẩm tối đa hóa sản xuất hóa dầu gồm 6,5 triệu tấn olefins và chế phẩm; 3,7 triệu tấn dầu hóa dẻo và chế phẩm; 325.500 thùng sản phẩm xăng, diesel, nhiên liệu động cơ.
Ảnh minh họa: Hà Nội Mới.  
Khi dự án triển khai, ngoài đóng góp nguồn tiền lớn cho ngân sách sẽ giải quyết lao động trực tiếp từ 10.000 - 30.000 người, gián tiếp khoảng 100.000 lao động của Bình Định và vùng lân cận.
Giữa tháng 8, PTT cùng UBND tỉnh Bình Định đã công bố khởi động dự án. Đến nay, dự án đang gấp rút hoàn thiện khâu chọn nhà thầu, nghiên cứu môi trường để chính thức khởi công dự án.
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn: 9 tỷ USD của Nhật Bản
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) do liên doanh đầu tư gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait, Công ty Idemitsu Nhật Bản và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản với vốn đầu tư trên 9 tỷ USD. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 1.300 ha, trong đó trên cạn 440 ha và dưới nước 860 ha.
Sau khi xây dựng và đi vào hoạt động, hệ thống có công suất 200.000 thùng/ngày, tương đương 10 triệu tấn/năm với các sản phẩm chủ yếu như khí hóa lỏng LPG, xăng Ron 92, Ron 95, nhiên liệu phản lực, diesel cao cấp, diesel thường, paraxylene, benzene, polypropylene, lưu huỳnh rắn.
 
Dự án sẽ hoàn thành trong vòng 40 tháng kể từ ngày khởi công. Được biết, dự án đã được khởi công vào cuối tháng 10. Khi đi vào hoạt động, Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhà máy Dung Quất sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, đây là dự án có vai trò quan trọng mang tính chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm lọc hóa dầu của quốc gia. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Dự án tỷ đô của Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh
Tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc Samsung đang mở rộng quy mô trên lãnh thổ Việt Nam bằng việc đầu tư lớn vào các nhà máy sản xuất ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Ngày 2/10, Samsung rót thêm 1,2 tỷ USD vào Dự án nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động tại Thái Nguyên. Dự án do Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Vietnam (SEM), một công ty con của Tập đoàn Samsung làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai tại khu tổ hợp công nghệ cao Samsung, thuộc khu công nghiệp Yên Bình I trên diện tích khoảng 30 ha. Dự án được triển khai đầu tư trong 4 năm, thời gian thuê đất để sản xuất là 50 năm.
 Hoạt động sản xuất ở nhà máy Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Báo Hải Quan.
Trước đó, vào tháng 3/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chi 2 tỷ USD để xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại tỉnh này. Khu tổ hợp sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 100 ha, trong đó Samsung sẽ tập trung sản xuất điện thoại và một số loại sản phẩm, linh kiện điện tử công nghệ cao khác với công suất từ 10 triệu đến 15 triệu sản phẩm/tháng. Theo dự kiến, nhà máy đầu tiên của Samsung tại Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động trong tháng 3/21014, giải quyết việc làm cho từ trên 7.000 đến 10.000 lao động trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Ngoài 2 dự án với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD ở Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung còn có nhiều dự án đầu tư tỷ đô tại Bắc Ninh. Tháng 3/2008, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) nhận giấy chứng nhận từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho dự án triển khai tổ hợp công nghệ cao Samsung. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 4/2008 và đi vào hoạt động từ tháng 4/2009 với diện tích nhà xưởng là 80.520 m2. Tổng số vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD.
Ngày 20/6, cũng tại Bắc Ninh, Samsung đầu tư thêm 1 tỷ USD cho dự án SEV3 tại khu công nghiệp Yên Phong I trên diện tích hơn 559.365 m2. Dự án SEV3 dự kiến sẽ có giá trị xuất khẩu tăng thêm khoảng 5 tỷ USD/năm, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của SEV lên trên 17 tỉ USD/năm và thu hút khoảng 8.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc cho Samsung tại tỉnh Bắc Ninh lên con số 35.000 người.
Dự án 1,5 tỷ USD của Tập đoàn LG tại Hải Phòng
Tháng 9/2013, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án tổ hợp công nghệ cao của Tập đoàn LG Electronics tại khu Tràng Duệ thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
 Một góc Khu công nghiệp Tràng Duệ. Ảnh: Internet.
Dự án sẽ sản xuất, lắp ráp 16,8 triệu sản phẩm điện, điện tử công nghệ cao/năm, chủ yếu là thiết bị đo điện tử, thiết bị phát thanh kỹ thuật số cho ô tô. Mỗi năm sản xuất, lắp ráp 534 nghìn ti vi màu, ti vi thông minh (smart TV), 550 nghìn máy điều hoà nhiệt độ, 5,3 triệu máy hút bụi, 1,5 triệu máy giặt và 600 nghìn máy điện thoại di động thông minh (smartphone)...
Tổ hợp sản xuất điện tử của Tập đoàn LG Electronics được xây dựng trên diện tích 40,26 ha tại khu công nghiệp Tràng Duệ. Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong 4 năm đầu, LG Electronics sẽ đầu tư 510 triệu USD, 6 năm tiếp theo sẽ đầu tư 900 triệu USD và phấn đấu đưa nhà máy đầu tiên vào hoạt động sản xuất sau 2 năm được cấp giấy phép (tháng 9/2015).
Dự án 1 tỷ USD của nhà đầu tư Liên Bang Nga tại Bình Định
Tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Buscenter Met (Nga) để thành lập Công ty TNHH Một thành viên Bus Industrial Center tại Việt Nam. Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất, lắp ráp xe buýt, linh phụ kiện cho ô tô và các loại máy nông nghiệp.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD được xây dựng trên diện tích 50 ha ở Khu công nghiệp Nhơn Hòa (Bình Định) và dự kiến tiến độ xây dựng trong vòng 36 tháng kể từ ngày khởi công.
Dự án 2 tỷ đô của Singapore
Tháng 6/2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận cho dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất tại tỉnh này với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho tập đoàn Sembcorp Utilities Pte Ltd của Singapore.
 Khu công nghiệp phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất- địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện Dung Quất. Ảnh: Internet.
Đây là dự án nhiệt điện chạy than có công suất 1.200 MW và là dự án thứ 2 được Sembcorp đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy này được xây dựng tại Khu công nghiệp phía Đông, khu kinh tế Dung Quất trên diện tích khoảng 85 ha. Khu vực bãi thải tro xỉ sẽ được bố trí tại phía Nam đường Trì Bình - cảng Dung Quất với quy mô khoảng 55 ha.
Hải Sơn (tổng hợp)