HỎI: Nhà tôi có thờ Bồ-tát Quán Thế Âm. Tôi được hướng dẫn phải quét dọn bàn thờ sạch sẽ trang nghiêm. Vậy tôi có nên lau tượng hàng ngày không? Tôi muốn xức nước hoa thơm cho tượng Bồ-tát mỗi ngày có được không? Còn nữa, tôi không biết tụng kinh, trì chú theo cách có âm điệu như ở chùa mà mỗi ngày tôi chỉ đọc ra thành tiếng mà thôi. Thỉnh thoảng, đang đọc kinh mà thấy mệt thì dừng lại rồi đi ngủ, vậy có đắc tội không? Tôi thường nghe khi tụng kinh phải dọn mình cho thanh tịnh nghĩa là thế nào?
(DIỆU LIÊN, tieumymy@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Diệu Liên thân mến!
Thờ Phật, Bồ-tát thì bàn thờ phải trang nghiêm, hàng ngày cần quét dọn, rút bớt chân hương, nếu hoa trái khô héo thì nên thay mới để cúng dường. Vào những ngày sóc vọng (ba mươi, mùng một- mười bốn, mười lăm âm lịch hàng tháng) thì nên sắm sanh nhang đèn, hoa trái trang nghiêm dâng cúng.
Không nhất thiết phải lau tượng mỗi ngày. Chỉ khi nào nhận thấy tượng Phật, Bồ-tát bị khói bụi bám vào thì mới “tắm” tượng. Dùng một chiếc khăn sạch mới tinh lau tôn tượng Ngài theo hướng từ trên xuống cho đến khi sạch sẽ.
Không nên xức các loại nước hoa thơm cho Phật, Bồ-tát. Vì đó là những sản phẩm với hương vị đặc thù tạo ra sự dính mắc, trói buộc và mê đắm cho thế gian, nói chung là “mùi thơm bất tịnh”. Nếu bạn có tâm dâng hương cúng Ngài thì nên đốt các loại trầm hương. Trong không gian trầm mặc của nơi thờ tự linh thiêng, mùi trầm hương phảng phất sẽ khiến cho lòng mình lắng lại, tăng thêm niềm giao cảm với Bồ-tát.
Bạn chưa quen với cách tụng niệm như ở chùa mà chỉ đọc kinh chú thành tiếng thôi (như đọc sách) cũng rất tốt, công đức vô lượng. Dù không hay, nhưng đọc kinh chú với tất cả lòng thành kính, sự chú tâm thì chắc chắn bạn sẽ được Bồ-tát chứng tri, gia hộ.
Nếu trong quá trình đọc kinh, thấy thân thể bất an không thể tiếp tục thì nên hồi hướng rồi đi nghỉ. Không nên cố gắng quá sức mà cũng không nên biếng nhác, giải đãi. Tinh thần tu học của người Phật tử là trung đạo, uyển chuyển nhẹ nhàng để không rơi vào các cực đoan.
Dọn mình cho thanh tịnh khi trì tụng kinh chú nghĩa là thân thể phải sạch sẽ, ăn mặc kín đáo gọn gàng (khi đọc kinh ở nhà trước bàn thờ Phật có mặc áo tràng lại càng hay), ngồi đọc kinh ngay thẳng trang nghiêm (không nên nằm đọc kinh). Quan trọng nhất là lắng lòng thanh tịnh, nhiếp tâm vào kinh chú, khi tâm có tạp niệm dấy khởi phải biết rõ để xả buông, tập trung vào chánh niệm. Đó chính là ý nghĩa thân tâm thanh tịnh.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ