Không ngẫu nhiên mà trong nhiều bức hoành phi, bức trướng, cuốn thư được thờ tự ở những nơi trang trọng nhất trong gia đình, người đời đã tôn vinh ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”. Và cũng không phải ngẫu nhiên người ta vẽ tranh hay tạc tượng với hình ảnh ba ông “Phúc, Lộc, Thọ” như ba vị thần tiên, từ đầu tóc, mặt mày đến hình dáng trông vừa đầy đặn, phúc hậu, vừa ung dung, thư thái và tràn đầy tinh thần nhân ái, bao dung. Đó là điều ước nguyện thành tâm, là khát vọng cao cả mà con người hướng tới.
|
Phúc treo đủng đỉnh, Tết đoàn viên. |
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, gặp nhau ai cũng chúc tụng, mong muốn, hy vọng cho nhau sẽ có một năm mới dồi dào sức khoẻ, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Trong nhiều câu chúc quen thuộc, có một câu chúc thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc là mọi người ước nguyện cho nhau luôn được “Phúc, Lộc, Thọ”. Người nào được toại nguyện cả ba điều ước và mong muốn ấy thì cuộc đời thật mỹ mãn.
“Phúc” là những điều lành, điềm lành, điều tốt, việc tốt. Đã là một con người chân chính, ai cũng mong gặp nhiều điềm lành, điều lành và luôn đón nhận được nhiều điều tốt, việc tốt trong cuộc sống. Chữ “Phúc” luôn được đạo Phật đề cao và coi đó là yếu tố làm nên cốt cách, đạo lý của con người. Người có phúc là người hiền lành, nhân hậu, biết thương người như thể thương thân, luôn có những cử chỉ, việc làm, hành động nhân ái để giúp đỡ người khác.
Theo lẽ thông thường, người có phúc làm nhiều việc thiện sẽ gặp nhiều điều tốt và may mắn trong cuộc đời, như lời người xưa dạy “Ở hiền thì lại gặp lành”. Chữ “Phúc” không ở đâu xa, mà nó nằm ngay trong tâm tính mỗi con người. Không thể có “Phúc” nếu bản thân sống vô nhân thất đức, bạc nghĩa bội tình, chỉ biết sống cho mình mà không quan tâm đến người khác.
Ngược lại, sống nhân hậu, thủy chung, luôn coi trọng tình thương, lẽ phải và đạo lý sẽ được cuộc đời dành cho nhiều điều phúc tốt đẹp. Dù cơ chế thị trường có thể ở đâu đó tuân theo quy luật “khôn sống, mống chết”, nhưng cuộc đời lại chứng minh một điều rất hiển nhiên: Ai đang tâm gieo gió ắt sẽ có ngày gặt bão, còn ai bền tâm ươm trồng và chăm chút mầm thiện thì trước sau đều hái được quả phúc lành. Bởi vậy, muốn có được nhiều điều phúc thì mỗi người trước hết phải hiểu đúng chữ phúc, sống theo tâm phúc, làm nhiều điều phúc và thành tâm mang phúc lành đến với mọi người và xã hội.
“Lộc” là có nhiều của cải, tài sản. Thông thường, người ta hay nghĩ rằng, “lộc” là những thứ không phải của mình làm ra, mà do may mắn mới có được. Hiểu như thế không sai, song chưa đầy đủ.
Thực ra, “lộc” là kết quả của nhiều yếu tố tạo nên như sự may mắn, phẩm chất- năng lực cá nhân, vị trí xã hội, điều kiện gia đình… “Lộc” cũng có vài ba loại. Ăn cắp của công, bòn rút tài sản của nhà nước và nhân dân mà ai đó gọi là “lộc chùa”- một thứ lộc do lòng tham, tính vụ lợi mà có và nhờ quyền lực mới tạo ra. Buôn gian bán lận mà kiếm nhiều tiền là loại “lộc ma”- nó chẳng khác gì của phù vân, nay vớ được “cả mẻ” và “trúng quả” bụ bẫm, mai lại có thể “sập tiệm” tay trắng vẫn hoàn trắng tay.
Trúng số độc đắc giành được một giải thưởng lớn là thứ “lộc may”, song lộc ấy vô cùng hiếm hoi và cũng hết sức mỏng manh, mấy ai đã gặp cơ hội. Thứ lộc chắc chắn nhất, bền vững nhất là lộc nảy nở từ chính bàn tay, sức lực, trí tuệ của mình và kết kinh thêm sự cộng hưởng, giúp đỡ chân thành của cộng đồng và xã hội. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng. Đó là lẽ công bằng, công tâm trong cuộc sống. “Lộc” cũng vậy. Nếu cứ “há miệng chờ sung” như anh chàng lười biếng trong câu chuyện ngụ ngôn xưa hay có thái độ sống “Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng” như ai đó từng quan niệm, thì chẳng bao giờ mong được nhiều lộc tốt, lộc lành sẽ đến với mình.
|
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người ước nguyện cho nhau luôn được “Phúc, Lộc, Thọ”. Người nào được toại nguyện cả ba điều ước và mong muốn ấy thì cuộc đời thật mỹ mãn. |
“Thọ” là lâu, được sống lâu. Đã sinh ra, tồn tại và sống ở trên thế gian này, ai cũng muốn hưởng một tuổi thọ lâu năm. Dù cuộc sống có nhiều gian nan, lam lũ, thậm chí có lúc đắng cay, cơ cực, song người nào cũng cầu mong, ước nguyện bản thân mình luôn có sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai, thân thể cường tráng, sung sức, không bị ốm đau, bệnh tật hay tai nạn.
Thời trước, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, y tế chưa phát triển, con người phải lao động chủ yếu dựa vào cơ bắp, sức lực rất vất vả nên thường quan niệm “Thất thập cổ lai hy”- nghĩa là người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm.
Trong xã hội hiện đại, phần lớn người dân không phải quá lo lắng để hằng ngày “bếp được đỏ lửa ba lần”, nhưng do môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng, nhiều loại thực phẩm thiếu vệ sinh, an toàn, các bệnh tật xã hội nguy hiểm luôn có nguy cơ phát sinh, lây lan và bùng phát… nên sức khoẻ con người cũng luôn bị đe doạ. Vì thế, sống khoẻ, sống lâu luôn là mục đích mà con người hướng tới. Tất nhiên, sức khoẻ không phải là “của trời cho”, mà muốn được sống trường thọ thì mỗi người phải chăm chỉ rèn luyện thân thể, tích cực luyện tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, đúng mực, vui chơi giải trí lành mạnh, biết điều tiết, kiềm chế và kiểm soát bản thân trước những ham hố vô bổ hay những cám dỗ tầm thường, độc hại.
Không ngẫu nhiên mà trong nhiều bức hoành phi, bức trướng, cuốn thư được thờ tự ở những nơi trang trọng nhất trong gia đình, người đời đã tôn vinh ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”.
Và cũng không phải ngẫu nhiên người ta vẽ tranh hay tạc tượng với hình ảnh ba ông “Phúc, Lộc, Thọ” như ba vị thần tiên, từ đầu tóc, mặt mày đến hình dáng trông vừa đầy đặn, phúc hậu, vừa ung dung, thư thái và tràn đầy tinh thần nhân ái, bao dung. Đó là điều ước nguyện thành tâm, là khát vọng cao cả mà con người hướng tới. Đó cũng là thông điệp ông cha gửi gắm và truyền lại cho con cháu mai sau với ý nghĩa: Ai sống tâm Phúc sẽ may mắn hái được nhiều Lộc thơm và hưởng tuổi Thọ lâu dài. Không thể có Lộc, có Thọ nếu sống không có Phúc, vì Phúc là tiền đề cho Lộc đơm hoa, là nền tảng cho Thọ kết trái.
Phúc, Lộc, Thọ không phải là điều xa xôi khó với tới hay là những điều chỉ có trong chuyện cổ tích thần tiên, mà vẫn đang ươm mầm, sinh sôi, nảy nở trong cuộc sống hằng ngày. “Phúc, Lộc, Thọ” là ước mơ chung, nguyện vọng chung và “sở hữu” chung của mọi người. Nhưng chữ “Phúc, Lộc, Thọ” chỉ đẹp và thật sự có ý nghĩa khi chúng ta luôn khắc cốt, ghi tâm và thấm nhuần lời người xưa căn dặn: “Làm việc phúc không bao giờ thừa”, “Sống nhân nghĩa bao nhiêu cũng chưa đủ” và “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).
Theo Thiện Văn/Vietnamnet