-
Việc đốt vàng mã được đa số người dân cho rằng cần phải có trong đám tang, cúng giỗ… Tuy nhiên Thượng tọa Thích Duy Trấn, (chùa Liên Hoa - quận 11, TPHCM) lại cho rằng đốt vàng mã chắc gì người đã khuất nhận được, sao không lấy tiền đó giúp học sinh nghèo, đồng bào khó khăn.
|
Thượng tọa Thích Duy Trấn cho rằng nên lấy tiền để mua vàng mã đốt mà giúp học sinh nghèo, người dân đang khó khăn thì có phước cho người mất và cả người sống hơn |
Xót thương cho học trò nghèo
Trong chuyến đi từ thiện giúp đồng bào Huế bị thiên tai năm 1997, Thượng tọa Thích Duy Trấn chứng kiến cảnh tập sách của các em học sinh ở đây chỉ toàn giấy ố vàng, sách học còn đen hơn tờ báo, bút thì phải bơm từng giọt mực chứ không phải được dùng loại bút có sẵn mực như học sinh ở thành phố.
Lúc đó Thượng tọa nghĩ tới những tờ vàng mã được đốt hằng ngày còn trắng và đẹp hơn. “Tự nhiên khi đó thầy cảm thấy mình cẩn phải làm điều gì đó để giúp học sinh nghèo và tạo cho nhiều người có điều kiện cùng nhau tạo phước.
Hãy thử đặt một phép tính, nếu mỗi người chi khoảng 20 ngàn đồng tiền vàng mã cho mỗi lần đốt, với lượng đốt liên tục như tại nhiều ngôi chùa, đền, các điểm thờ tự... trong các dịp lễ hội, ở mỗi gia đình…, thử hỏi số tiền thật bỏ ra mua tiền giả để đốt sẽ là bao nhiêu? Nếu số tiền đó mà được dùng để giúp học sinh nghèo thì… !" Thượng tọa cười nói.
Với suy nghĩ đó, sau khi đoàn từ thiện trở về, Thượng tọa Thích Duy Trấn quyết định làm một "cuộc cách mạng nhỏ" ngay tại chùa của mình.
|
Những người có thân nhân thờ ở chùa Liên Hoa (quận 11) đã không còn đem vàng mã đến đốt mà dùng số tiền này làm từ thiện |
Thế rồi khoảng giữa năm 1998, tại Chùa Liên Hoa xuất hiện bảng thông báo: Các phật tử đến chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền vàng mã mà hãy dùng số tiền tính mua vàng mã cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa. Lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ. Chùa cũng nhắc nhở các phật tử không dùng vàng mã để rắc rải trên đường.
"Lúc ra quyết định đó, khá đông Phật tử phản ứng, họ thắc mắc tại sao trụ trì chùa Liên Hoa lại cấm đốt vàng mã trong khi các chùa khác việc đốt vàng mã là chuyện bình thường. Làm từ thiện thì một chuyện còn đốt vàng mã là chuyện khác mà, sao lại ghép chung hai việc làm một..." - Thượng tọa Thích Duy Trấn trầm ngâm kể lại.
Thế rồi để phản đối khá đông người đến xin thỉnh hũ cốt về nhà thờ với lý do việc đốt vàng mã như là một sự gửi gắm lòng hiếu thảo và sự chăm lo cho những người đã khuất có một cuộc sống sung túc ở cõi âm. Nếu không đốt thì sợ người thân ở dưới thiếu thốn sẽ quở trách.
"Dù thấy nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của việc thầy làm nhưng thầy vẫn giữ vừng lòng tin vào quyết định mà mình đưa ra, nên ai muốn đưa hũ cốt về thì thầy đều chấp thuận” - Thượng tọa Thích Duy Trấn cười nói.
Không đốt vàng mã, tiền làm từ thiện ngày càng tăng
Dù bị phản đối nhưng Thượng tọa vẫn kiên trì giải thích, nêu rõ trong Phật giáo không có kinh sách nào ghi lại việc Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã. Tại Việt Nam cũng chưa thấy có sách nào nói đến nguồn gốc ra đời của tục đốt vàng mã, tiền âm phủ... Vậy sao mình phải đốt mà không dùng tiền đó giúp cho những hoàn cảnh khó khăn.
|
Không chỉ cấm đốt vàng mã mà bàn thờ linh ở chùa Liên Hoa còn không hề có để lư hương để cắm nhang |
Ngoài việc vận động Phật tử không đốt vàng mã tại chùa, nơi nào Thượng tọa bắt gặp người dân đốt đều dừng lại khuyên can. Có một lần Thượng tọa được mời đưa đám tang cho một gia đình trong thành phố. Trong suốt hành trình di quan đưa tang từ nhà về đến quê ở Long An, gia đình này nghe lời tôi nên không có rải vàng mã và đốt giấy áo, nhưng về đến nơi chôn cất thì lại đưa ra mấy bao vàng mã để chuẩn bị đốt
“Lúc đó tôi kêu chủ gia đình này lại và trao đổi. Họ cho rằng việc đốt vàng mã ở quê là vấn đề dân gian nên cần thực hiện. Tuy nhiên thầy cho rằng có phải anh ức lắm vì ở thành phố không được đốt nên đến khi về quê phải đốt. Anh đốt là đang tiếp tay cho những người bán vàng mã.
Thầy nói thêm là anh thử không đốt xem người thân của anh có về báo mộng phải đốt hay không. Nếu sau 3 ngày mà có thì anh cứ đốt, còn không thì nên tạo phước cho người mất bằng số tiền anh muốn đốt này có hơn không. Sau đó, gia đình này lên chùa và cho tôi hay là đã trả lại số giấy vàng mã đó vì không có ai báo mộng gì cả” - Thượng tọa kể lại.
Cùng với việc vận động, những chuyến đi làm từ thiện mà Thượng tọa Thích Duy Trấn tổ chức đã khiến phần đông phật tử nhận ra ý nghĩa và giá trị từ việc làm của nhà chùa. Không đốt vàng mã ở chùa nữa, hạn chế sử dụng mà dùng số tiền đó đóng góp vào quỹ từ thiện của chùa.
|
Không chỉ cấm đốt vàng mã mà bàn thờ linh ở chùa Liên Hoa còn không hề có để lư hương để cắm nhang |
Vì thế từ khởi đầu giữa năm 1998, quỹ từ thiện của chùa Liên Hoa thu được hơn 9 triệu đồng những năm tiếp theo sau số tiền cứ tăng dần với sự đồng thuận của lòng người ngày càng cao.
Năm 2011, số tiền tiết kiệm "không đốt vàng mã", chùa Liên Hoa đã quyên góp được trên 7 tỉ đồng để làm từ thiện, giúp đỡ nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn, xây những ngôi nhà tình nghĩa, khoan giếng, làm nhà ở cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở các vùng sâu, vùng xa...
Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn muốn người thân quá cố sớm siêu thoát, sao quý Phật tử không dành thời gian tụng kinh niệm Phật và dùng số tiền bạc muốn đốt vàng mã để làm từ thiện không chỉ tích phước cho người thân mà còn có ý nghĩa đối với cộng đồng.
Được biết hiện nay, chùa Liên Hoa ngoài việc không đốt vàng mã, còn là một ngôi chùa không có thắp nhang nghi ngút trong chùa. Nhang chỉ thắp đại diện trên chánh điện, người đến lễ Phật muốn thắp nhang thì đưa ra cắm ở lư hương đặt bên ngoài sân chùa.
Hoài Lương