Tùy duyên

Google News

Một điều cần lưu ý, tùy duyên khác với sự buông xuôi tiêu cực.

Tôi đã tập sống với hai chữ tùy duyên. Tôi cũng không thật sự chắc chắn rằng quan điểm, nhận thức của mình về hai chữ này có đúng hay không. Nhưng một điều rất may mắn với tôi, từ khi biết, hiểu và thực hành hai chữ tùy duyên, một thời gian dài, tôi nhìn lại, so sánh và nhận ra tôi đã thích nghi, đã hòa nhập, và quan trọng hơn hết là cách nhìn nhận cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Cái tôi của tôi đã giảm đi thật nhiều, những cảm giác vui buồn lẫn lộn, những cái đắn đo, nghi ngờ đi đến khó xử, rồi những cái tức giận, hờn ghen…, tôi đã dần thôi là nạn nhân của chúng nó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi mới bắt đầu tiếp xúc với đạo từ bi, tôi đã tình cờ một cách thú vị được tiếp xúc với tùy duyên; tùy duyên, một người tình dễ chịu. Tôi đã tiếp xúc một cách giấy mực về những diệu dụng của tùy duyên từ những bậc cao nhân đi trước. Từ đó tôi tìm tòi về những nguyên nhân, những cách thức, những lý do trong cuộc sống, và một cách kỳ diệu của nhân duyên, tôi đã thích nghi, thoải mái áp dụng, nhận ra ngày càng rõ ràng hơn ý nghĩa của cuộc sống.


Tùy, tức tùy thuận, như khúc gỗ trôi theo dòng nước, như bụi trần xuôi theo cơn gió thoảng, mọi thứ đều tự nhiên, hết sức tự nhiên. Những cái đến, cái đi đều có nguyên nhân của nó. Ta đều tùy thuận nhằm thấy được đâu đó sự thoải mái chẳng gò bó, sự êm đềm chẳng lăng xăng. Duyên, tức những điều kiện. Để thấy rõ hơn chữ duyên, ta phải nhận thức được về nhân quả. Nhân quả là thuyết nền tảng trong Phật giáo, là định luật tồn tại của vũ trụ, vạn vật nói chung, và mỗi chúng ta nói riêng đều thuộc vòng biến chuyển của nhân quả. Có thể nói đơn giản, với chúng ta, nhân là những gì ta làm, quả là những gì ta nhận được. Cũng như khi gieo một hạt xoài, đó là nhân, và quả là ta có cây xoài, trái xoài. Trong đó chất lượng cái quả mà ta nhận được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của tự nhiên, của con người. Nhân quả với ta cũng thế, khi đã có nhân, tức sẽ có quả, nhân nào quả đó, nhân là một điều kiện cần, để có quả thì cần thêm điều kiện đủ, đó chính là duyên.

Trong kinh có nói: “Giả sử bách thiên kiếp sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời quả báo hoàn tự thọ”, tức những việc ta đã làm dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất đi, chỉ chờ đủ nhân duyên, cái quả ta sẽ tự nhận lấy. Biết được như thế, đối với cái nhân, ta phải thật sự rất cẩn trọng về từng việc mình làm, dù là những việc nhỏ nhất, ta tự làm rồi ta sẽ tự nhận, đó là chân lý, là quy luật sinh tồn của vũ trụ, muốn tốt hơn, hay xấu đi là tự do ta quyết định lấy, ngay từ bây giờ chính ta là người quyết định cho ta. Còn đối với cái quả, những gì ta có đều là tất yếu của những gì ta đã làm hoặc tại kiếp này, hoặc ở kiếp quá khứ. Do đó ta hãy thoải mái mà đón lấy nó, chấp nhận nó dù đó là quả tốt hay đó là quả xấu. Nhưng xét kỹ hơn, tốt hay xấu đều do cách nhìn của mỗi người. Nếu đó là quả tốt, thì ta dễ tiếp nhận, còn là quả xấu, ta phải thực tập cho mình chấp nhận, bởi có chấp nhận hay không thì đó cũng là một điều tất yếu sẽ đến với ta. Biết chấp nhận thì thật là sung sướng, bằng ngược lại, là ta tự trói buộc, tự đày đọa chính ta.


Như đã đề cập, quả báo hình thành là do nhân duyên hội tụ, vì thế, tùy thuận nhân duyên là tùy thuận quả báo. Quả tốt ta sẽ nhận quả tốt, còn quả xấu ta cũng sẽ vượt qua. Ta chẳng quá mong ước, chẳng nhiều tìm cầu mọi sự tùy duyên theo nghiệp hiện, sẽ ung dung nhàn hạ tháng ngày. Xét ra, dù là quả tốt hay xấu, ta cũng đều nhọc công giải quyết, và cũng đều có kết thúc theo thời gian, mọi thứ đều sẽ qua. Điều quan trọng là ta hiểu và tập cách để nhận thức, để thực hành, để an ổn. Thực hành như thế, dần quen, ta sẽ chẳng còn sự phân biệt tốt xấu, ta hòa nhập tốt hơn với con đường trung đạo, và kết quả ta sẽ chẳng còn nhiều mệt nhọc để đối phó với các dục vọng trong ta.

Một điều cần lưu ý, tùy duyên khác với sự buông xuôi tiêu cực. Bởi lẽ tùy duyên là thái độ tích cực của ta đối với mọi vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống, ta vẫn giải quyết chúng, nhưng giải quyết mọi việc trong một tinh thần thoải mái, thanh thản. Không như buông xuôi, là bỏ mặc tất cả, không phấn đấu, không tự mình vượt qua và vươn lên trong cuộc sống.

Tùy duyên, với tôi chỉ đơn giản như thế, tôi đã biết, đã tìm hiểu và đang thực hành. Dù chưa đi đến đâu trên con đường tu tập dài xa, nhưng với tùy duyên tôi đã tìm cho riêng tôi những an lạc nhất định. Và giờ đây, tôi lấy những trải nghiệm đơn sơ của mình, hầu có thể giúp ích cho những người như tôi ngày xưa, vẫn hay than trời trách đất, vẫn hay chạy Đông, rảo Tây để tìm kiếm một điều mơ hồ của ước vọng. Một ngày nữa lại về, mặt trời vẫn ló dạng đằng Đông, tôi khẽ vươn vai chào đón ánh nắng mới, và nhắc thầm cho mình hai chữ tùy duyên.

Theo Viên Đạt
Giác Ngộ Online