Tục đốt vàng mã không thuộc giáo lý nhà Phật

Google News

(Kiến Thức) - Việc dùng vàng mã của người Trung Hoa truyền sang nước ta là cả một quá trình nhiều đời nhiều kiếp.

Theo Kinh Dịch nhà Nho, tục chôn người chết của người Trung Hoa về đời thượng cổ, một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan không ván, lại cũng không khanh phần mộ gì cả.

Đến đời vua Hoàng đế (267 trước Tây Lịch) cho rằng: con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan, quách để chôn cất. Trải qua đời Hoàng đế, đến đời Đường Ngu, tục lệ chôn cất người chết chỉ có thế.

 Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.

Nối nhà Ngu là nhà Hạ (2205 trước Tây Lịch), người Trung Hoa mới bắt đầu dùng đất sét nặn làm mâm bát, dùng tre gỗ làm nhạc khí, như chuông khánh, đàn sáo…để chôn theo người chết.

Các đồ vật đó được gọi là minh khí, hoặc gọi là quý khí, tức là những đồ vật đem chôn theo cho thần hồn người chết dùng ở âm phủ, lễ nhạc đối với người chết bắt đầu có từ đấy.

Đã chế ra đồ dùng cho người chết, tất nhiên phải có kẻ hầu hạ người chết, thế là người ta lại chế ra người bù nhìn bằng gỗ đem chôn theo người chết.

Đến đời nhà Ân (1765 trước Tây Lịch), lại không dùng mâm bát đồ đất và nhạc khí bằng tre gỗ để chôn theo người chết nữa, họ dùng toàn đồ thật chôn theo.

Đến đời nhà Chu (1122 trước Tây Lịch), người Trung Hoa đã bắt đầu văn minh hơn. Lễ nhạc đối với người chết cũng được ăn nhịp mà tiến bộ, người chết đối với người chết, đã được người sống phân ra giai cấp sang, hèn trong việc thực hiện lễ nghi chôn cất.

Từ vua cho đến các quan lớn khi chết đi, sẽ được dùng cả đồ vật giả theo lệ nhà Hạ, đồ vật thật theo lệ nhà Ân để chôn theo các vua chúa đã chết; còn từ hạng sĩ phu tới bình dân, khi chết chỉ được chôn theo độc nhất một thứ đồ giả thôi.

Sách Tả Truyện chép: "Đời vua Văn Công thứ sáu, vua Trần Mục Công tên là Hiếu Nhân chết, ba anh em họ Tứ Xa là Yểm Tục, Trọng Hành và Chàm Hổ đều bị chôn sống theo Mục Công.

Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (năm 105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo... đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ.

Sách Thông Giám cương mục chép: "Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ vào hàng thủy tổ nghề vàng mã được".

Nhưng việc làm đốt vàng mã này đã và đang gây nên sự mê tín dị đoan lan truyền ra khắp mọi người, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng kéo dài cho mãi đến ngày nay. Sự thật chỉ là mánh khóe gian lận của con buôn, lợi dụng sự cả tin của đại chúng mà mưu cầu lợi ích riêng tư.

Như đã nói, dân tộc ta đã từng trải qua hằng ngàn năm bị Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều về những phong tục tập quán của người Trung Hoa. Tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có, đã ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân từ đời này sang đời khác chỉ bằng với mục đích mơ hồ không thực tế.

Hơn nữa, điều dễ nhận thấy nhất là trong tất cả kinh sách Phật giáo xưa nay không thể tìm đâu ra được bất cứ một câu, một lời nào đức Phật đề cập đến việc đốt giấy tờ vàng mã.

(*): Bài viết có sử dụng tài liệu của trang tin Đạo Phật Ngày Nay

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU


Bùi Hiền