Như Bồ Tát Quán Thế Âm Ngài phát đại nguyện là tầm thinh cứu khổ chúng sanh ở cõi Ta bà này.
Hỏi: Kính bạch thầy, trong kinh nói, Bồ tát Quán Thế Âm do tu thiền mà chứng đạo, trái lại, Bồ tát Ðại Thế Chí do tu niệm Phật mà chứng đạo. Thế thì, tại sao những người tu theo pháp môn niệm Phật mà không thờ riêng tượng Bồ tát Ðại Thế Chí (có thờ chăng cũng thờ chung tượng Tam Thánh) mà lại riêng tôn thờ hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm? Xin hỏi, lý do tại sao phải thờ như thế? Và thờ như vậy có đúng không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.
Ðáp: Xét trên phương diện hành môn, thì Phật nói có vô lượng pháp môn, tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà chọn lựa cho mình một pháp môn tu thích hợp. Phương tiện bày ra tuy nhiều, nhưng cứu cánh đạt thành quả vị Phật thì chỉ có một. Như cái nhà tuy có nhiều cửa vào mà căn nhà thì chỉ có một.
Tùy theo sở thích, ai thích cửa nào thì bước vào cửa đó. Ðiều quan trọng là phải bước vào đúng cửa đã chọn. Một khi đã chọn lựa kỹ càng rồi, thì cứ thế mà thẳng tiến vào. Có thế, thì mới thực sự vào trong ngôi nhà được.
|
Tây phương Tam thánh.
|
Ðối với hai vị đại Bồ tát Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí trong lúc tu nhân, hai Ngài đã tự chọn cho mình một pháp tu riêng. Người chọn tu Thiền, tức Bồ tát Quán Thế Âm từ “Nhĩ Căn” “phản văn văn tự tánh” mà vào. Người chọn tu Tịnh, tức Bồ tát Ðại Thế Chí từ “Thiệt Căn” và Ý Căn (nói rộng là thu nhiếp sáu căn) mà vào. Nghĩa là theo sự trình bày của Ngài trong Kinh Lăng Nghiêm thì, chỗ nhân địa tu hành của Ngài là do dùng tâm niệm Phật mà ngộ được “vô sanh nhẫn”. Như vậy, ta thấy giữa Thiền và Tịnh tuy có hai, lối vào tuy có khác, nhưng cứu cánh quả chứng thì không hai. Ðó là yếu lý dung thông hội chứng của Phật pháp vậy.
Nhiều người tu hành thời nay, vì không hội thông được pháp tu, cho nên dễ gây ra tình trạng nghi ngờ và thậm chí họ còn kích bác chống đối nhau. Ai có quan niệm đó, thì hãy xem noi theo tấm gương của hai vị Ðại Bồ tát này.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm, nếu nhìn vào hình tượng Tam Thánh thì, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự biểu trưng cho sự hội thông đó. Hai vị Bồ tát đứng hầu hai bên trái, phải của đức Phật A Di Ðà. Trái, phải là hai, như Thiền, Tịnh là hai, nhưng tánh giác nào có hai. Ðứng về mặt sự tướng, danh ngôn đối đãi, thì thấy dường như có hai, nhưng đứng về mặt bản thể lý tánh thì không khác, tức muôn pháp đồng nhất thể. Nhìn trên mặt hiện tượng thì thấy có muôn ngàn lượn sóng lớn nhỏ khác nhau, nhưng thể nước chỉ là một. Ðức Phật A Di Ðà là tiêu biểu cho tánh giác vượt lên trên đối đãi nhị nguyên. Ðó là biểu thị cho sự hội nhập dung thông triệt tiêu nhị nguyên đối đãi vậy.
Người tu hành mà còn thấy có hai bên: Tịnh khác, Thiền khác, đạo khác, đời khác, anh khác, tôi khác v.v…thì làm sao ngộ được tự tánh? Không ngộ được tự tánh, thì làm sao giải thoát? Chính do vọng chấp thiên kiến nầy nên chúng ta mới thấy có những cặp đối đãi nhị nguyên. Ðây là đầu mối của sự tranh chấp hơn thua đấu đá chém giết lẫn nhau. Thế giới đảo điên thác loạn cũng bởi do cái nhìn “biến kế” vọng chấp nầy mà ra. Từ đó, con người tạo ra vô số nghiệp ác, để rồi phải chiêu cảm thọ lãnh vô số nghiệp quả khổ đau. Vì thế, mà con người mãi phải chịu trầm luân nổi trôi trong biển đời đầy đau thương khóc hận. Kinh Duy Ma Cật ở phẩm “Pháp Môn Bất Nhị” đã dạy rõ cho chúng ta bài học “Không Hai” vô giá nầy. Nhưng rất tiếc thay! Con người vì vô minh che lấp nên chưa nhận ra được cái chân lý siêu việt này.
Phật tử hỏi tại sao người tu theo pháp môn Tịnh độ, lẽ ra là phải tôn thờ tượng Ðại Thế Chí mới phải, vì Ngài tu theo pháp môn niệm Phật mà được chứng quả Thánh. Thế nhưng, hầu hết Phật tử (dù tu theo Tịnh Ðộ Tông hay các Tông phái khác) cũng đều thờ riêng hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Lý do tại sao?
Xin thưa, vì mỗi vị Bồ tát đều có phát khởi hạnh nguyện riêng. Do vì trong lúc tu nhân, các Ngài mỗi người đều phát đại nguyện độ sinh khác nhau. Như Bồ Tát Quán Thế Âm Ngài phát đại nguyện là tầm thinh cứu khổ chúng sanh ở cõi Ta bà này. Bất luận chúng sanh nào, khi gặp hoạn nạn khổ đau, mà hết lòng thành tâm xưng niệm danh hiệu Ngài, thời Ngài sẽ hiện thân đến để cứu độ họ. Bởi do hạnh nguyện đó, nên Ngài có nhân duyên rất lớn với chúng sanh ở cõi nầy. Vì vậy, mà chúng ta không lạ gì khi thấy hầu hết các nước tu theo hệ phái Phật Giáo Phát Triển đều có tạc tượng tôn thờ hình tượng của Ngài. Sở dĩ người ta tôn thờ Ngài là vì người ta rất tin tưởng vào việc cứu khổ cứu nạn theo bản nguyện của Ngài.
Còn Bồ tát Ðại Thế Chí mặc dù Ngài chuyên hành trì theo pháp môn niệm Phật mà chứng đạt Thánh quả, nhưng Ngài không có phát nguyện rộng lớn độ sanh ở cõi Ta bà nầy như Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài chỉ phát nguyện phụ lực với đức Phật A Di Ðà để tiếp dẫn những chúng sanh nào có nhân duyên niệm Phật A Di Ðà được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Và Ngài chỉ trực tiếp giáo hóa chúng sanh ở cõi nước đó mà thôi. Căn cứ vào bản nguyện độ sanh của Ngài như thế, nên người ta không có thờ riêng hình tượng của Ngài giống như Bồ tát Quán Thế Âm. Người ta chỉ thờ Ngài qua hình tượng Tam Thánh mà thôi.
Ngược lại, riêng Bồ tát Quán Thế Âm không những Ngài phát nguyện phụ lực tiếp dẫn chúng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc giống như Bồ tát Ðại Thế Chí, mà Ngài còn phát nguyện thị hiện 32 ứng thân ở cõi Ta bà này để hóa độ chúng sanh. Bởi lý do đó, nên người ta mới tạo tượng tôn thờ riêng Ngài. Thờ như thế quả đúng với bản nguyện độ sanh của Ngài, chớ không có gì là sai trái cả.
Thích Phước Thái
Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả.
Theo Phật giáo Việt Nam