Pháp nạn Phật giáo 1963 bắt đầu ở Huế, với lệnh triệt hạ cờ Phật giáo - một biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo - vào đầu mùa Phật đản PL.2507 (1963), đỉnh điểm là vụ thảm sát 8 Phật tử trước Đài Phát thanh đúng tối ngày rằm tháng Tư năm Quý Mão (8-5-1963).
Ngay sau biến cố này, Đức Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp bất thường và kết quả là ra Bản Tuyên ngôn năm điểm (*) đòi hỏi những quyền căn bản và tối thiểu của tín đồ Phật giáo. Tuyên ngôn được gởi đến Phủ Tổng thống họ Ngô. Từ đó, phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm lan rộng, rầm rộ ở Sài Gòn.
|
Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức đốt nhiều giờ liền trong hàng ngàn độ vẫn không cháy, hiện đang gửi lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM. |
Chính phủ Ngô Đình Diệm càng ra tay đàn áp Tăng Ni Phật tử một cách nặng nề, phong trào càng lan rộng lớn, tỏ rõ quyết tâm bảo vệ Chánh pháp của Tăng Ni, Phật tử trong tinh thần vô úy, bất bạo động. Chùa chiền bị phong tỏa, nhiều vị tôn túc Tăng Ni, Phật tử bị bắt bớ, giam cầm, thân nhân của họ bị khủng bố…; nhiều cuộc biểu tình của giới Phật giáo ở Huế, Sài Gòn bị đàn áp dữ dội… Trước thế cuộc ngả nghiêng, Phật giáo có nguy cơ tiêu vong, Hòa thượng Thích Quảng Đức - Bồ-tát hóa thân đã âm thầm viết tâm thư phát nguyện được vị pháp thiêu thân.
Sự kiện tự thiêu của Ngài để bảo vệ Chánh pháp và cầu nguyện hòa bình, qua truyền thông, lập tức đã gây chấn động thế giới, làm thay đổi cục diện ở Việt Nam sau đó. Sau khoảng 15 phút an nhiên thiền định trong biển lửa, nhục thân của Ngài đã được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ.
Nhục thân Bồ-tát đã được cung thỉnh về thiêu tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn), theo nhiều nhân chứng, sau khi nhục thân biến thành tro, thì lạ lùng thay, quả tim vẫn còn. Quả tim lại được đưa trở lại lò thiêu với ngọn lửa trên 4.000 độ, trong nhiều giờ liền, nhưng vẫn không cháy, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách huyền diệu, lạ thường. Chư Tăng Ni, Phật tử và những người chứng kiến, thêm một lần nữa, kính lễ trong niềm xúc động không nói nên lời. Chư tôn đức trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã hội ý và quyết định cung thỉnh Trái tim bất diệt của Bồ-tát trở về chùa Xá Lợi để tôn thờ.
Qua bao gian nguy, Trái tim bất diệt của Bồ-tát vẫn được gìn giữ nơi tôn nghiêm ở chùa Xá Lợi, rồi tôn thờ tại Việt Nam Quốc Tự. Sau đó được gởi vào Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn, và hiện nay cũng đang được bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh phía Nam theo văn bản bàn giao - ký gởi 11 giờ trưa ngày 26-4-1991, bên đứng tên ký gởi là HT.Thích Thiện Hào (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự THPG TP.HCM); HT.Thích Từ Nhơn (lúc đó là Phó Trưởng ban Tăng sự T.Ư) và TT.Thích Giác Toàn (lúc bấy giờ là Ủy viên Kiểm soát T.Ư GHPGVN).
Nhị vị HT.Thích Thiện Hào và HT.Thích Từ Nhơn đã viên tịch, nay còn một nhân chứng duy nhất đại diện Giáo hội trong lễ bàn giao ký gởi trên là HT.Thích Giác Toàn, đương kim Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Nhớ lại sự kiện quan trọng đó, HT.Thích Giác Toàn cho biết: “Lúc Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, tôi còn nhỏ, đang tu học tại tịnh xá Mỹ Đức ở Mỹ Tho. Đến cuối năm 1965 tôi mới lên Sài Gòn tu học tại tịnh xá Trung Tâm. Với sự kiện thiêng liêng chấn động thế giới là Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu, tôi chỉ được biết đến qua sách báo, dư luận và đặc biệt là qua lời kể của những nhân chứng, chư tôn túc giáo phẩm, các cư sĩ lão thành, trong lòng tôi luôn hướng về Ngài bằng tấm lòng ngưỡng mộ tôn kính.
Là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào tháng 4 năm 1991, khi hay tin được chư vị giáo phẩm lãnh đạo HT.Thích Thiện Hào và HT.Thích Từ Nhơn cử tôi tham gia đoàn tiếp nhận và bàn giao Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, trong lòng tôi có một niềm hỷ lạc vô biên, bởi đây là một nhân duyên rất đặc biệt với tôi, từng giờ từng phút trông đến sự kiện đó để được chiêm bái Trái tim Bồ-tát”.
Những ký ức vẫn còn như mới hôm qua, HT.Thích Giác Toàn kể tiếp: “Tôi nhớ hôm đó tại văn phòng làm việc của ngân hàng có HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Từ Nhơn, HT.Thích Thông Bửu và tôi; về phía ngân hàng và các cơ quan liên quan có ông Trịnh Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hồng, thủ quỹ Ngân hàng Nhà nước; bà Trần Thị Kim Liên, kế toán Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Văn Ngọc, Vụ phó Vụ Tôn giáo Chính phủ; ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP.HCM; ông Bùi Văn Hàn, thuộc Bộ Nội vụ; ông Đỗ Quốc Dân, Phó ban Tôn giáo TP.HCM. Do tính chất đặc biệt quan trọng và giá trị thiêng liêng của Trái tim bất diệt của Bồ-tát, nên nghi thức ký nhận và bàn giao gởi được tiến hành một cách nghiêm cẩn”.
Trong trả lời báo chí về việc bảo quản Trái tim bất diệt của Bồ-tát, lúc sinh tiền, HT.Thích Từ Nhơn đã từng kể lại trước đây, Hòa thượng lúc đang ở Sa Đéc thì được triệu tập về Sài Gòn và được Đức Tăng thống - Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết giao nhiệm vụ thiêng liêng là bảo quản tôn thờ Trái tim bất diệt ở Việt Nam Quốc Tự. Vì lo sự an toàn, Hòa thượng đã đề nghị được gởi vào một Ngân hàng Pháp quốc tại Sài Gòn để được bảo mật. Trái tim bất diệt đã được tôn trí trong một tháp bằng đồng và có dán niêm phong có chữ ký của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.
Trước năm 1975, Hòa thượng thường vào lễ Trái tim Bồ-tát được cất giữ ở tầng hầm của ngân hàng. Sau năm 1975, theo quy luật chung, Ngân hàng Nhà nước tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn, trong đó có việc tiếp nhận và gìn giữ trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức. Đến năm 1991, một lần nữa, Trái tim bất diệt được giao lại Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM gìn giữ trước sự chứng kiến của đại diện GHPGVN, chính quyền, ngân hàng trong sự kiện nói trên. “Mới đó mà đã hơn 20 năm…” - HT.Thích Giác Toàn bùi ngùi nói.
“Tôi nhớ lúc có đủ mọi người, đại diện ngân hàng đã cẩn thận mang một chiếc tháp bằng đồng, cao chừng gần nửa thước, rộng khoảng 0,3-0,4 mét; còn nguyên niêm phong có chữ ký và khuôn dấu của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và HT.Thích Từ Nhơn. Đại diện của ngân hàng cho biết Nhà nước đã bảo quản tốt từ sau ngày 30-4-1975, nay chuyển lại cho đại diện Phật giáo”, HT.Thích Giác Toàn kể lại.
Hòa thượng cho biết thêm, chư tôn đức giáo phẩm sau hơn một giờ bàn bạc đã đi đến thống nhất là gởi lại Ngân hàng Nhà nước để bảo quản. “Bảo tháp bằng đồng bên trong tôn trí xá-lợi Trái tim Bồ-tát được giữ nguyên niêm phong và bàn giao gởi lại theo văn bản trên trước sự chứng kiến của nhiều người”, HT.Thích Giác Toàn cho biết.
Từ đó đến nay, hơn hai mươi năm, Trái tim bất diệt vẫn ở trong Kho Lưu trữ đặc biệt của ngân hàng; qua thăm dò của người viết bài này, chưa một lần mở cửa, hoặc được cung thỉnh để Tăng Ni, Phật tử, người tôn kính Ngài được đảnh lễ, chiêm bái.
“Dòng thời gian nửa thế kỷ đã trôi qua sau khi Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân để lại Trái tim bất diệt nung tới hơn 4.000 độ vẫn không cháy, trở thành ngọc xá-lợi, là một tu sĩ Phật giáo thuộc thế hệ con cháu của Bồ-tát, tôi mong Giáo hội và môn đồ pháp quyến Bồ-tát có một phương thức cụ thể nhằm thiết kế một nơi tôn thờ Trái tim bất diệt - bảo vật không chỉ của Phật giáo mà của quốc gia, để hậu thế được có dịp tôn kính, lễ bái, chiêm ngưỡng và bày tỏ tấm lòng thành với Bồ-tát đã vị pháp thiêu thân” - Tâm sự của HT.Thích Giác Toàn cũng là tâm nguyện của nhiều người, nhất là trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 50 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013).