Bước chân đến Thái Bình vào một buổi trưa tháng bảy, cái nắng hè nhuộm vàng cả thành phố, chúng tôi tìm vào chùa Từ Xuyên, một trong những ngôi chùa lớn nhất Thái Bình. Từ Xuyên được ví như chùa Hoằng Pháp (ngôi chùa lớn nhất miền Nam, tọa lạc tại xã Tam Hiệp, Hóc Môn, TP HCM) của miền Nam.
Ngôi chùa có niên đại hơn 100 năm, theo những người dân sống quanh đây và những Phật tử đang tu hành tại chùa, Từ Xuyên vẫn sẽ chưa được nhiều người biết đến nếu không có Thượng tọa Thích Thanh Định tới làm trụ trì. Không chỉ vốn hiểu biết uyên thâm về phật pháp, vị trụ trì 53 tuổi này còn là ân nhân của không ít những con người có hoàn cảnh éo le, nghèo đói, bệnh tật, những kẻ từng chịu nghiệp quả.
Thượng tọa Thích Thanh Định trở thành trụ trì của chùa Từ Xuyên chỉ hơn chục năm, nhưng giai đoạn dưới sự cai quản của ông chính là khoảng thời gian hưng thịnh nhất của ngôi chùa từ khi xây dựng đến nay. Theo lời của người dân nơi đây, chùa Từ Xuyên nổi tiếng được như bây giờ chính là do sự tài giỏi của trụ trì. Không chỉ uyên thâm về kiến thức phật giáo, Thượng tọa Thích Thanh Định còn là chuyên gia trong việc chữa bệnh bằng tâm huyết.
Theo anh Nguyễn Văn Thiện 34 tuổi, chủ cửa hàng bán đồ ăn chay đối diện với chùa, cũng là công an của khu vực này, và người dân ở đây, rất nhiều người bị bệnh tật giày vò khi biết đến chùa Từ Xuyên đã tìm tới, vào chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền. Đặc biệt, với sự hướng dẫn và giúp đỡ của nhà sư trụ trì, bệnh tình của họ thuyên giảm đáng kể, nhiều người khỏe mạnh ra về.
|
Một góc chùa Từ Xuyên.
|
Lê Quyền, 23 tuổi, là một trong những thanh niên đang tu hành tại chùa. Vốn là một chàng trai Hà Nội chính gốc, hơn hai chục tuổi đầu nhưng anh đã mắc căn bệnh viêm cầu thận do hút thuốc lá quá nhiều, đang học nửa chừng thì buộc phải nghỉ học vì bệnh nặng. Trước khi vào chùa, căn bệnh của anh chữa thế nào cũng không khỏi, thêm vào đó, vì anh sử dụng kháng sinh quá nhiều nên sinh thêm cả bệnh về đại tràng.
Cuộc sống của chàng trai hai mươi tuổi lúc đó không khác gì địa ngục bởi những cơn bệnh giày vò. Cơ duyên cho Quyền may mắn gặp được Thượng tọa Thích Thanh Định khi ông lên Hà Nội. Nhìn thấy chàng trai mới hai mươi tuổi mà thân hình gầy còm, xanh xao, yếu ớt, khò khè như con mèo hen, vị trụ trì rất thương cảm, ngỏ ý mời cậu về chùa tu hành.
Ban đầu, Quyền chỉ nghĩ đến việc mong có một cuộc sống thanh tịnh chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ khỏi được căn bệnh. Hồi mới vào chùa, anh vẫn nghiện thuốc lá, nhiều đêm vẫn trèo tường ra ngoài hút thuốc lá, mặc cho bệnh tình ngày càng nặng. Thế nhưng ở chùa, Quyền được trù trì giảng đạo, giác ngộ rất nhiều chân lý của đạo Phật, từ đó Quyền quyết tâm cai thuốc lá, đến nay chỉ mới hơn 2 tháng mà đã bỏ được hoàn toàn.
“4h sáng, 2h chiều và 8h tối, thầy yêu cầu lên Tam bảo tụng kinh cùng thầy. Ban ngày có việc gì thì làm, không thì ngồi coi sách nhà Phật. Thầy có nói với tôi rằng: bệnh chính là do nghiệp quả từ kiếp trước, bây giờ phải tụng kinh để giảm đi những oan trái chủ, dưỡng tâm thì bệnh sẽ từ đó mà dần mất đi”, Quyền tâm sự.
Đến nay, mới ở trong chùa được vài tháng nhưng bệnh của Quyền đã khỏi hẳn mặc dù không dùng bất cứ viên thuốc nào. Nhìn người thanh niên béo tốt, khỏe mạnh, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng anh từng sống dở chết dở về căn bệnh viêm cầu thận, càng không ai có thể nghĩ rằng chỉ vào chùa tu hành lại có thể dứt hẳn căn bệnh như vậy.
Quyền kể rằng, thấy trụ trì từng căn dặn, tâm căn chi phối rất nhiều đến sức khỏe con người, tư tưởng, tâm có thanh thản thì mới đầy lùi được bệnh. Đến giờ này, anh dường như không muốn trở về nhà, nhiều khi chàng thanh niên có ý định xuất gia tu hành.
Quyền không phải là người duy nhất có ý định đó, rất nhiều thanh niên được trụ trì cảm hóa bằng kinh phật, chỉ sau một thời gian đã quyết định xuống tóc tu hành. Anh Thiện vừa cười vừa nói: “Nhiều đứa đang ôn thi đại học hoặc đang đại học, ở trọ trong chùa, thầy không lấy một xu nào. Nghe thầy giảng đạo, không ít trường hợp vì giác ngộ mà học xong cũng đi tu luôn”.
Một trường hợp nữa được ít người biết đến, do chuyện cũng xảy ra khá lâu rồi. Anh Thiện chia sẻ: “Có một ông tên Rùng, người Quảng Ninh, ông ấy bị ung thư, người hom hem lắm, tìm về chùa để nhờ thầy chữa trị. Tu được khoảng 1 năm thì ông ấy đỡ hơn, có lẽ do tâm lý được ổn định chăng thỉnh thoảng vẫn về thăm thầy, thăm chùa”.
Hằng ngày ông Rùng được sư thầy cho tụng kinh niệm phật, đồng thời được ăn đồ chay. Theo nhiều người sống quanh chùa, thời gian đầu ông Rùng gần như không có chuyển biến, nhiều người tưởng ông sẽ chết trong chùa, ấy vậy mà không biết bằng cách nào sinh khí của người đàn ông lầm than này dần dần được hồi phục, đến khi béo tốt trở lại ai cũng ngỡ ngàng, ngay cả bản thân ông Rùng.
Không biết đền đáp vị ân nhân ra sao, ông Rùng và người nhà chỉ biết cảm ơn rối rít. Những ngày lễ lớn, ông Rùng thường quay về thăm trụ trì cũng như làm công đức cho chùa Từ Xuyên.
Do tâm lý không ổn định nên tưởng là ma ám
Nhắc đến sự kỳ diệu của ngôi chùa, và sự tài giỏi của vị trụ trì, không ai là không nhắc đến trường hợp của ông Lưu là người ở khu vực này. Trước đây, khi Thượng tọa Thích Thanh Định chưa về chùa, người ta thấy ông Lưu giống như thấy hủi, ai cũng tránh xa. Hơn 60 năm, ông sống cùng căn bệnh tâm thần bẩm sinh, người như điên như dại. Do đầu óc không được như người bình thường, ông thường đi lang thang, bốc những thứ linh tinh, bẩn thỉu để ăn.
Nhìn ông Lưu không có một phần nào của con người, dớt dãi lúc nào cũng chảy ra ròng ròng, ruồi bọ lúc nào cũng bu đầy người, đặc biệt ông không nói bất cứ một lời nào vì bẩm sinh lưỡi ông ngắn, không thể phát âm được. Mỗi khi nhà nào có đám, ông Lưu thường đến ăn uống bê tha, ai cũng phải sợ.
Khi về cai quản chùa, trụ trì đưa ông Lưu vào chùa chăm sóc, dạy bảo, đồng thời dùng kinh Phật để giải trừ những nghiệp chướng trên người đàn ông hơn 60 tuổi này. Ai cũng cho rằng, trụ trì sẽ không thể nào thay đổi được ông Lưu vì căn bệnh của ông mắc phải ngay từ khi sinh ra, hơn nữa nó đã kéo dài gần như hết cuộc đời của ông rồi.
Nhìn người ông lão Lưu hiện nay, tuy vẫn còn những biểu hiện của một người bị thiểu năng bẩm sinh, nhưng không ai ngờ được nhà sư lại có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể. Trong những ngày được cùng trụ trì tụng kinh niệm phật, dần dần ông Lưu trở nên tỉnh táo hơn, sạch sẽ hơn rất nhiều. Giờ đây ông đã có thể tự tắm rửa, thay quần áo, hỏi gì cũng biết.
Lưỡi của ông Lưu bị ngắn bẩm sinh, người ta cứ nghĩ ông không thể nói, vậy mà dưới bàn tay của trụ trì, ông Lưu đã biết nói “a di đà phật” và nhiều từ khác. Giờ đây, tuy không ở trong chùa nhưng ngày nào ông Lưu cũng đeo tràng hạt đến tụng kinh trên Tam Bảo, người dân nơi đây nhìn ông như một kỳ tích của ngôi chùa Từ Xuyên.
Những đứa trẻ hư thường được bố mẹ gửi vào chùa nhờ thầy cảm hóa. Chưa có một trường hợp nào phải để bố mẹ đưa đến lần thứ hai. “Đứa nào mà ở nhà cứ cãi bố, cãi mẹ, hỗn láo, đưa đến chùa thầy dạy một thời gian là về nhà lại vâng vâng, dạ dạ”, anh Thiện cho hay. Thầy chỉ giảng đạo lý nhà Phật, hằng ngày đưa các phật tử lên Tam Bảo tụng kinh, giờ giấc rất nghiêm khắc, lâu dần những đứa trẻ sống trong cảnh thanh tịnh của nhà chùa, cộng với sự giáo dưỡng, được yêu thương của trụ trì, dần dần chúng được cảm hóa, thầy nói gì cũng nghe.
Nhiều đứa trẻ từ đây cũng trở thành phật tử, mỗi khi thầy có việc cần gọi, không ai dám trái lời. Con anh Thiện có những đêm bị sốt cao liền nhờ thầy chữa giúp, thầy chỉ đặt tay lên trán một hồi là cơn sốt giảm đi hẳn, nhiều khi không phải uống thuốc. Chính vì thế, ngoài giờ làm, hầu như lúc nào anh cũng ở chùa, một phần vì mang ơn, phần cũng đặc biệt quý mến và khâm phục vị trụ trì cao tay này.
Cách đây hai hôm, Thượng tọa mới chữa bệnh cho một người phụ nữ bị trúng tà từ Sơn La xuống. Người dân xung quanh kể, mỗi lần lên cơn, mắt cô gái trợn ngược, rất dữ tợn, vừa đi vừa tát bôm bốp vào mặt mình, ai nhìn thấy cũng sợ. Theo chị Phạm Thị Oanh, 28 tuổi, vợ anh Thiện, đây là trường hợp duy nhất mà thầy Thượng tọa phải lao tâm khổ tứ, thức hai ngày hai đêm để xua đuổi tà ma. Thầy vẫn chưa biết dùng cách nào để đẩy được con rắn ra khỏi người phụ nữ, chỉ biết dùng kinh phật để trấn áp.
So với lúc mới đến chùa, ai cũng phải ngỡ ngàng khi cô gái từng bảy phần ma, ba phần người nay đã tỉnh táo, vui cười nói chuyện. “Dù chưa xua đuổi được con rắn ra khỏi người ngay lập tức nhưng chỉ cần chăm chỉ tụng kinh niệm Phật, dần dần thì tà ma cũng sẽ biến mất. Chẳng qua đều do tâm lý chứ đâu có phải do ma quỷ gì đâu, tinh thần ổn định, chắc chắn sẽ không còn chuyện ma quỷ ám trong người”, một người dân kể lại lời của trụ trì từng nói.
Quy y cửa phật vì… lỡ dở tình duyên
Thượng tọa Thích Thanh Định luôn bộc lộ ra bên ngoài vẻ khô cứng, nghiêm nghị trong lần đầu gặp mặt. Ngay cả khi biết ý định của chúng tôi, vị trụ trì vẫn không thay đổi thái độ.
“Không phải thầy không muốn nói chuyện với cô cậu, mà ai lần đầu tiên tiếp xúc với thầy đều thấy thầy như vậy hết. Bản tính thầy không thích nói nhiều, cho nên ai cũng tưởng thầy khó tính, khó gần. Nhìn thầy đăm đăm vậy thôi, chứ thầy quý người lắm, đặc biệt là sinh viên, thầy quý như con vậy”, chị Oanh cho hay.
Theo lời kể của chị Oanh, chúng tôi mới biết được phần nào thân thế của vị trụ trì đáng kính này. Người dân nơi đây cũng chưa bao giờ tỏ tường từng chi tiết về quá khứ của thầy, chỉ biết Thượng tọa Thích Thanh Định quê gốc ở Nam Định.
Trước khi rũ bỏ bụi hồng trần để quy y cửa Phật, vị trụ trì chỉ là một chàng thanh niên bình thường như bao người khác. Đến tuổi trưởng thành, chàng thanh niên cũng nuôi ý định nên duyên cùng một người con gái xinh đẹp, với một mối tình sâu đậm được vun đắp trong một thời gian khá dài. Thế nhưng, trời không chiều lòng người, duyên phận giữa hai người chính thức kết thúc khi thần chết cướp đi cô gái khỏi tay chàng trai trong một tai nạn. Quá đau lòng trước cái chết của người yêu, người thanh niên này bị suy sụp một thời gian khá dài.
Nhận ra không thể mang thêm hình bóng một người nào khác trong lòng, chàng trai đã quyết định xuống tóc đi tu tại một ngôi chùa nhỏ ở Nam Định, với pháp hiệu là Thích Thanh Định. Thế nhưng với duyên tiền định với cửa Phật, vị sư trẻ đã giác ngộ đạo lý nhà Phật một cách nhanh chóng. Với tư chất thông minh cộng với căn duyên của mình, nhà sư Thích Thanh Định nhanh chóng trở nên uyên bác.
Lúc thầy được chuyển về làm trụ trì chùa Từ Xuyên, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ, không có tiếng tăm, phần lớn đã xuống cấp và cũ nát. Trước tình cảnh đó, trụ trì Thích Thanh Định quyết định dỡ bỏ ngôi chùa cũ để xây ngôi chùa mới khang trang hơn. Với uy tín xây dựng được từ lâu, trụ trì đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, công đức của rất nhiều người, từ đó chùa mới cũng được gấp rút khởi công và hoàn thành.
Thượng tọa Thích Thanh Định liêm khiết đến nỗi mà ông chưa từng mang bất cứ đồ đạc hay một xu của nhà chùa phục vụ cho tư lợi cá nhân. “Có lần đi vào miền Nam giảng đạo, thầy được người ta cho tận 23 tỷ đồng. Với số tiền ấy, thầy có thể mua đất xây nhà cho những gia đình nghèo khó, cực khổ, nhưng ở đây người ta không bán đất nên thầy phải chuyển qua chỗ khác”, anh Thiện kể.
Mặc dù là trụ trì của một ngôi chùa nổi tiếng nhưng người mẹ già của ông vẫn đang bán xôi ngoài chợ mỗi sáng, được bao nhiêu tiền lãi lại chuyển đến công đức hết cho nhà chùa. Bây giờ, mẹ ông vẫn sống trong ngôi nhà cấp bốn ọp ẹp, anh chị em của ông cũng sống trong cảnh khó khăn nhọc nhằn.
Hiện nay, Thượng tọa Thích Thanh Định đang là Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Bình.
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU