Thực hư của sự việc như thế nào?
Bạn đọc thắc mắc: Sao lại thay tượng cổ?
Chùa Vạn Niên thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội được xây dựng từ năm Thuận Thiên thứ hai (năm 1011) sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long. Tên gọi ban đầu của chùa là Vạn Tuệ.
Năm 1996, chùa được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích nghệ thuật quốc gia. Được biết, chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần thời Lê, Tây Sơn.
Theo phản ánh của độc giả Đ.H.T, đã nhiều năm nay ông đi lễ chùa tại chùa Vạn Niên và thấy có bức tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát trong lầu Quan Âm.
Đến ngày 8/7, khi trở lại chùa ông Đ.H.T đã không còn thấy bức tượng cũ, thay vào đó là bức tượng Phật Quan Âm Bồ tát thiên thủ thiên nhãn khác. Bức tượng cũ ở ngôi chùa nghìn năm tuổi đã được chuyển đi đâu?
Trụ trì chùa: “Tượng đẹp sẽ thay”!
Lầu Quan Âm được xây dựng ngay trong khuôn viên chùa Vạn Niên. Chiều 18/8, khi có mặt tại chùa PV nhận thấy lầu Quan Âm đang được khóa cửa, trong lầu có một bức tượng Quan Âm Bồ tát màu đen. Sau khi đề nghị, phía nhà chùa đã mở cửa để PV tham quan khu vực lầu Quan Âm.
Trao đổi với PV, đại đức Thích Minh Tuệ - trụ trì chùa Vạn Niên - cho biết: “Tượng ở lầu Quan Âm được thường xuyên thay đổi, tượng nào đẹp sẽ dùng để thay. Tượng trong đó không phải cổ, cũng không liên quan đến quá khứ”.
Trụ trì Thích Minh Tuệ cho biết, lầu Quan Âm được xây dựng từ năm 1996 sau khi ông về làm trụ trì tại đây. Sau khi xây dựng, lầu Quan Âm cũng đã được chỉnh sửa 4 lần.
Vị trụ trì chùa Vạn Niên cho biết, bức tượng Phật Bà Quan Âm trước đây là tượng đồng lá, có nguồn gốc làm từ Trung Quốc, có dấu hiệu bị xỉn nên đã được thay thế bằng pho tượng Phật Bà Quan Âm thiên thủ thiên nhãn - cũng làm bằng đồng - do các nghệ nhân ở Ngũ Xã tạo nên.
Theo Lao Động