Phụ nữ là một nửa của thế giới, phụ nữ làm đẹp cho mình cũng là tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp. Thế nên, người phụ nữ cần sống vui vẻ, hòa thuận từ trong gia đình ra đến xã hội, để cái Tâm được an lạc, thì tự khắc họ sẽ đẹp từ trong ra ngoài.
Nếu muốn cuộc sống luôn tròn trịa, sao không tự mình tròn trịa từ trong Tâm?
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Ba chìm bảy nổi với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Xin được mượn bài thơ vịnh “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, để ca ngợi vẻ đẹp hình thức tự nhiên bên ngoài tấm lòng son sắt nhân hậu của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.
Cũng xin được mượn nghĩa đen của bốn câu thơ này để bày tỏ lòng xót thương đến với thân phận chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân của vụ việc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thất bại và ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Ba chìm bảy nổi với nước non”
Vẻ đẹp của chị Huyền cũng như bao phụ nữ Việt Nam khác, đặc biệt vẻ đẹp ấy luôn được nhân đôi trong mắt người thân của chị, vì người thân hiểu được tâm tình của chị khi đi làm đẹp vì mong họ tự hào về mình; suy cho cùng, làm đẹp tự tôn trọng chính mình, tôn trọng mình là tôn trọng mọi người. Thế nhưng nguyện vọng tốt đẹp ấy đã bị vùi dập dưới tay nghề của một bác sĩ thiếu sót cả về kỹ năng và y đức, để giờ đây thân xác của chị phải chịu cảnh “ ba chìm bảy nổi với nước non” trong nhiều ngày.
Thiết nghĩ, giờ đây, bác sĩ vô lương tâm kia có bị trách mắng bao nhiêu, cũng không làm vơi đi nỗi đau thương của người thân về sự ra đi tức tưởi của chị. Sự vô lương tâm đó từ đầu đến cuối vụ việc đều do vô minh dẫn dắt; rồi đây bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phải chịu quả báo nhãn tiền là đối mặt với pháp luật. Nhân quả luôn công bằng.
Thật đáng tiếc, những con người vô minh như vậy trên xã hội này còn rất nhiều. Như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết :
“Nếu muốn cuộc đời luôn tròn trịa
Sao không tự mình tròn trịa từ trong tâm”
Thật vậy, con người chỉ có thể thay đổi chính suy nghĩ và hành động của bản thân, mới có thể thay đổi cuộc sống của mình. Chúng ta khó có thể bắt con người thay đổi bản tính, càng không thể bắt người khác theo ý mình, vì họ không thuộc quyền sở hữu & chi phối của ta.
Cũng vậy, thân thể con người vốn bao gồm bốn yếu tố đất (xương, thịt, nội tạng), nước (máu), gió (hơi thở), lửa (nhiệt độ), chúng hợp về lại tan, bốn yếu tố đó tách riêng chẳng có yếu tố nào mang tên “ Ta”; vì thế nó không phải của ta, nên thân ta sẽ không trẻ đẹp và khỏe mạnh mãi và sống mãi như ý muốn được. Vậy nên, thế đó :
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Con người không thể làm chủ thân xác của mình, vì thân ấy rắn nát, đẹp xấu thế nào là do tạo hóa làm nên “đất, nước, gió, lửa” hợp nên mà thành, nhưng thứ duy nhất ta có thể làm chủ dễ dàng hơn, đó là tâm ý mình.
Tâm ý mình cần biết buông bỏ những khoản chăm sóc không quá cần thiết đối với thân xác này, vì nó vốn không thuộc về mình, vậy nên ngay cả bản thân mình còn không giữ cho thân xác mình thoát khỏi quy luật tạo hóa “ lão, bệnh, tử”; vậy thì người khác cũng không thể.
Tâm ý chúng ta cũng cần tự tin hơn, vì bên trong mỗi con người đều có một viên ngọc quý – đó là tâm hồn luôn hướng về Chân, Thiện, Mỹ, cũng giống như chiếc bánh trôi dù rắn hay nát vì tay kẻ nặn, nhưng vẫn luôn có phần nhân đường ngọt ngào vẫn nguyên vẹn. Chính cái Tâm – cái nhân bên trong vỏ bọc mới quan trọng.
Vì đức Phật dạy “Tướng do Tâm sinh”, và “ Nhất minh tinh sinh lục hòa hợp” (Kinh Lăng Nghiêm): Có nghĩa là ánh hào quang từ một cái Tâm trong sáng hiền thiện có thể toát ra từ sáu cửa sổ giác quan con người, làm vẻ ngoài luôn tươi sáng, hài hòa, vì cả sáu giác quan đều đồng hướng thiện; thật vậy, khi thân ta biết làm việc tốt giúp đỡ người khác, thân ta đẹp, mắt ta luôn nhìn nhận đúng đắn và nhìn vào điểm tốt của người khác, mắt ta đẹp, ý nghĩ trong sáng thiện lành ảnh hưởng đến ánh mắt nụ cười trở nên thánh thiện. Cái đẹp chỉ giản dị vậy thôi mà đẹp mãi.
Vậy đấy, phụ nữ là một nửa của thế giới, phụ nữ làm đẹp cho mình cũng là tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp. Thế nên, người phụ nữ cần sống vui vẻ, hòa thuận từ trong gia đình ra đến xã hội, để cái Tâm được an lạc, thì tự khắc họ sẽ đẹp từ trong ra ngoài; khi đó mọi sự trang điểm chỉ là phần phụ trang trí cho vẻ ngoài được như ý thích của bản thân vậy.
Theo Phật giáo Việt Nam