Tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện được pháp lành này nếu như quan niệm chỉ có tiền bạc, của cải mới có thể bố thí.
Có người rất nghèo, họ không có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống như ăn, mặc, ở, bệnh, có khi còn vướng phải nợ nần, như thế làm sao họ có cơ hội thực hành hạnh bố thí, sẻ chia hay giúp đỡ người khác.
Đức Phật đã chỉ rõ, dù không có tiền của để bố thí, giúp đỡ người khác về vật chất, người muốn thực hành pháp bố thí vẫn có thể bố thí những thứ khác, đó là pháp thí và vô úy thí. Pháp thí là cho người khác kiến thức, kinh nghiệm sống, nghề nghiệp; chia sẻ, hướng dẫn cho người khác hiểu và thực hành Chánh pháp để có được niềm an vui, hạnh phúc, thành tựu được những giá trị đạo đức, những giá trị tâm linh, có đời sống chơn chánh, hướng thượng. Vô úy thí là bố thí không sợ hãi, giúp người khác vượt qua nỗi bất an, lo lắng, muộn phiền, như an ủi, quan tâm chia sẻ, che chở, bảo vệ, cứu giúp dưới nhiều hình thức, có thể nhờ vào sức mạnh của mình, nhờ vào kiến thức và sự khôn ngoan của mình, nhờ vào lòng bi-trí-dũng của mình v.v…
|
Ảnh minh họa.
|
Tuy nhiên vẫn còn những người có hoàn cảnh khổ rất đáng thương, chẳng những họ nghèo về vật chất mà còn nghèo về tri thức, nghèo sự thông minh, nghèo lòng dũng cảm thì họ cũng khó thực hành pháp thí và vô úy thí. Với lòng từ bi vô bờ bến, Đức Phật đã dạy cho những ai ở trong trường hợp đó vẫn có được phước báo của sự bố thí. Khi vua Tần-bà-sa-la cúng dường vườn Trúc Lâm, Đức Phật dạy vua một bài kệ như sau: “Người nào hay bố thí/Dứt trừ được xan tham/Người nào hay nhẫn nhục/Xa lìa được sân hận/Người nào hay làm lành/Thời xa lìa ngu si/Ai đủ ba hạnh ấy/Mau chứng đạt Niết-bàn/Nếu có người bần cùng/Không của để bố thí/Khi thấy người bố thí/Mà sinh tâm hoan hỷ/Phước báo tùy hỷ ấy/Ngang bằng người bố thí”.
Việc bố thí hành thiện phải xuất phát từ cái tâm, những thứ mang ra bố thí chỉ là phương tiện giúp cho việc trau giồi, tu sửa cái tâm, do đó cần có cái tâm bố thí trước khi thực hiện các hoạt động bố thí. Nếu bố thí mà không thật tâm bố thí thì không có công đức. Mục đích của việc bố thí là xả bỏ tâm tham, tâm hẹp hòi, ích kỷ, có được tinh thần vô ngã, vị tha, đồng thời nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi. Nhưng nếu bố thí, làm các hoạt động từ thiện vì lợi ích cá nhân, vì muốn phô trương thanh thế, quảng bá tên tuổi, tạo dựng tiếng tăm thì không thành tựu pháp bố thí dù có bỏ ra nhiều tiền, nhiều công sức. Những người quá nghèo khó vẫn có cơ hội bố thí, đó là mở rộng tấm lòng, tức là có cái tâm từ bi, cái tâm rộng lượng, muốn chia sẻ, giúp đỡ người khác dù mình không có điều kiện. Đức Phật dạy khi thấy người khác bố thí, cúng dường, làm các việc thiện, dù mình không có điều kiện làm những việc như thế, nhưng mình vẫn có công đức, phước báo nếu như tâm tùy hỷ (vui theo người bố thí, vui theo việc bố thí, thấy người khổ được cứu giúp thì lòng mình vui; thấy người khác làm lành, lòng mình hoan hỷ). Điều đặc biệt hơn nữa là phước báo của người có tâm tùy hỷ với bố thí ngang bằng với phước báo của người làm việc bố thí.
Cần lưu ý là phải thật sự có tâm vui mừng, hoan hỷ khi thấy người khác làm việc bố thí, khi thấy người khốn khó được giúp đỡ. Cũng có người vui mừng thật sự trong lòng, tùy hỷ với sự bố thí của người khác, nhưng riêng bản thân mình thì chẳng muốn mở lòng, chẳng muốn mở hầu bao vì tính keo kiết, bủn xỉn. Như thế cũng không phát triển được lòng nhân từ, không phát triển được tâm từ bi, không xả bỏ được tâm tham, tâm hẹp hòi, ích kỷ. Trong thực tế thật sự có nhiều người như thế, biết khuyên người khác bố thí, làm phước, hiểu được lợi ích của việc bố thí nhưng bản thân lại ít khi xả bỏ tiền của, vật sở hữu của mình để hành pháp bố thí.
Trong kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật nói, thấy người làm việc bố thí mình liền hoan hỷ, tán trợ việc làm cao quý của họ, dù bản thân mình không có tiền của để bố thí, thì mình cũng được phước báo rất lớn (Đỗ nhơn thí đạo, trợ chi hoan hỷ, đắc phước thậm đại). Vì thế có người nghĩ rằng mình bỏ ra thời gian, công sức (dù mình có khả năng về tài vật), còn người khác thì bỏ tiền của, như thế cả hai đều có được phước báo. Nếu có thật tâm bố thí giúp đỡ người khác thì chắc chắn có phước báo, nhưng nghĩ như thế (còn tâm tiếc tiền của, chỉ cần bỏ ra công sức là đủ) thì việc bố thí của mình không có phước báo nhiều vì vẫn còn chút tâm bỏn sẻn, tham ái vật sở hữu.
Tại sao chỉ hoan hỷ, tán trợ việc bố thí mà có được phước báo lớn? Tại sao tâm tùy hỷ lại có phước báo ngang bằng sự bố thí? Đối với người còn tâm so đo, tính toán, còn tâm ích kỷ thì điều này có vẻ không công bằng. Đức Phật đã giải thích điều này trong kinh Tứ thập nhị chương như sau: “Ví như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều dùng đuốc đến chia nhau mà lấy để nấu ăn hay thắp sáng, nhiều người có được lửa mà cây đuốc ban đầu vẫn như cũ”. Chân thật bố thí và chân thật hoan hỷ tán trợ, tùy hỷ thí là những hành động xuất phát từ thiện tâm cho nên công đức, phước báo rất lớn. Cái tâm mới là chính yếu chứ không phải hành động, hành động bố thí chơn chánh chỉ là biểu hiện của cái tâm chơn chánh. Hình thức bố thí thật sự có ích cho người bố thí và người nhận bố thí hay không tùy thuộc vào cái tâm của họ.
Nếu hành động bố thí và tùy hỷ thí có phước báo lớn thì hành động ngăn cản sự bố thí, làm thối thất tâm nguyện bố thí hoặc không hoan hỷ trước việc bố thí của người khác là hành động bất thiện, hành động đó mang lại những quả báo xấu. Có người không muốn làm việc bố thí và cũng không thích người khác làm bố thí. Khi thấy người khác làm việc bố thí, họ cảm thấy khó chịu, bực bội, ghét người bố thí, nói xấu người bố thí, phá hoại việc bố thí, những hành động như thế khiến cho bản thân họ khổ não và tương lai gặp phải những bất hạnh, khổ đau và sự đối xử ghẻ lạnh của người khác. Người làm các việc bố thí, từ thiện tạo được nhiều phước báo và kết được nhiều thiện duyên với nhiều người. Ngược lại, người không thích bố thí, ghét bố thí, đóng kín cửa lòng mình, sống ích kỷ tự làm nghèo bản thân (nghèo phước báo, nghèo tình thương, nghèo trí tuệ), tự cô lập mình và kết nhiều ác duyên với người khác (do gieo các nhân ngăn cản, chống phá người bố thí và người nhận bố thí, đánh mất cơ hội vượt qua khó khăn của những người khốn khó). Điều này cũng dễ thấy, những người có tâm hồn rộng mở, thường giúp đỡ, sẻ chia, quan tâm đến người khác, làm nhiều việc lợi lạc cho đời, những người như thế luôn được kính trọng, quý mến và luôn được nhắc nhở, khi làm việc gì cũng được xã hội quan tâm, nhiều người ủng hộ. Còn những ai tham lam, bỏn sẻn, sống ích kỷ, không biết yêu thương, san sẻ thì người đó rất cô đơn, ít bạn bè, nếu có thì cũng chỉ là những người giống như họ. Những người như thế làm việc thường gặp nhiều trở ngại, không có người ủng hộ, và những việc họ làm cũng không mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
Thời Đức Phật còn tại thế, có một vị Tỳ-kheo không ngày nào không bị đói do khất thực chẳng ai cho. Nguyên do là vì trong một kiếp quá khứ ông ngăn cản mẹ mình cúng dường cho một vị Bích-chi Phật. Chẳng những ngăn cản mà ông còn giật lấy bát cơm và đổ xuống đất rồi lấy chân giẫm lên. Chính vì thế mà từ khi sinh ra đời ông phải sống trong nghèo cùng khốn khổ, đến khi được Tôn giả Xá Lợi Phất độ cho xuất gia thì lại tiếp tục làm một vị Tỳ-kheo bất hạnh, luôn phải chịu đói khát do không có người cúng dường. Quả báo của các hành vi bất thiện thật khó có thể suy lường, nếu không nhận thức được điều này chính là một bất hạnh.
Ý nghĩa, giá trị lợi ích của bố thí, từ thiện hết sức lớn lao đối với bản thân cá nhân và xã hội. Những việc làm đó xoa dịu nỗi niềm khổ đau của người bất hạnh, giúp xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, kết chặt tình thân thương giữa người với người, giúp xã hội ổn định, đặc biệt là làm cho đời sống thêm đẹp và có ý nghĩa. Đối với những ai tin luân hồi, nhân quả thì những việc làm đó còn có ích cho cả mai sau của đời này và những đời kế tiếp.
Trong thời đại ngày nay, khi mà xã hội có sự phân hóa giàu nghèo rất lớn, thiên tai hoạn họa hoành hành, thì nhu cầu được san sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ là một nhu cầu lớn, cho nên bố thí, từ thiện dưới nhiều hình thức và có tầm rộng lớn càng đóng vai trò quan trọng hơn. Vì thế mọi người nên phát tâm bố thí (bao gồm các việc làm từ thiện) và tùy hỷ trước hạnh lành cao quý này.
Theo Giác Ngộ