Thời gian qua nhiều độc giả gửi câu hỏi tới tòa soạn nhờ giải đáp thắc mắc việc ngồi thiền đơn giản chỉ để thư giãn, giảm stress hay chữa bệnh. Theo các nhà nghiên cứu lâu năm về thiền khẳng định: Đây là phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả.
|
Người dân làm lễ, ngồi thiền tại chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, TP Hà Nội). |
Thiền bù đắp năng lượng thiếu hụt
Võ sư, lương y Nguyễn Khắc Chương có nhiều năm nghiên cứu về thiền cho biết: Thiền có thiền tĩnh và thiền động. Nó là cách tĩnh tâm an thần, giúp cho con người khoẻ về thể lực, trí lực cũng như tâm lực và trí tuệ. Trong tập luyện ý thức là dương, khí là âm. Tâm động khí mới vận hành, tâm xuất khí mới hành. Vì thế, khi tâm thần rối loạn, hoang mang lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ, dễ gây bệnh. Khi buồn quá khí yếu, vui khí tăng. Việc ngồi thiền sẽ khắc chế những cảm giác đó, điều tiết giúp nguồn khí trong cơ thể được ổn định.
“Trong thiền có nhiều phái thuộc Nho gia, Phật gia. Xét về mặt lý thuyết thì nó giống nhau, nhưng cách tập luyện khác nhau. Năm 1900 TCN Đại đức Lạt Ma sang chùa Thiếu Lâm truyền dạy cho các chư tăng phương pháp ngồi thiền. Khi đó, các chư tăng tuy không bị bệnh, nhưng thần sắc kém, sức khoẻ yếu. Vì thế Lạt Ma đã dạy cho họ ngồi thiền. Họ học một thời gian thì ai nấy sức khoẻ tăng nhanh, da dẻ hồng hào. Sau này, các chư tăng đem những kiến thức Lạt Ma sư tổ dạy truyền cho người dân trong vùng, giúp mọi người bài trừ bệnh tật và đánh giặc bảo vệ đất nước”, ông Chương cho hay.
Theo ông Chương, bệnh tật thường sinh ra trong quá trình ăn uống sinh hoạt, tội sinh ra do khẩu xuất. Thiền định giúp con người phòng và chữa bệnh. Khi ngồi tĩnh con người hấp thụ được các luân xa (là các đại huyệt nơi ra vào tiên thiên năng lượng vũ trụ). Ngồi thiền con người tĩnh tâm nhập định (con người ở trạng thái trống không, quên mình an lạc). Thời điểm đó thanh điện vũ trụ hấp thụ rất lớn qua các luân xa vào các đường tuyết năng lượng (đường mạch cơ thể vốn bị thiếu hụt, trong quá trình làm việc hằng ngày).
Ông Chương giải thích: “Hằng ngày, trong sinh hoạt con người tiêu hao năng lượng nhất định. Khi thiếu hụt sẽ sinh ra các khoảng trống trong ống tuyết năng lượng. Thiếu hụt ở vùng nào sẽ gây bệnh ở vùng đó. Thiền chính là hoạt động giúp bù đắp sự thiếu hụt đó. Thực tế thì thiền giúp đả thông kinh lạc, giúp cho máu và ô xy chuyển hóa tốt hơn. Người luyện tập thiền ở trình độ cao thiên tuệ khai mở. Cơ thể khoẻ khoắn, tâm hồn trong sáng, bệnh tập được loại bỏ. Những người có năng lượng lớn, trí tuệ hơn người cũng nhờ luyện tập thiền lâu năm”.
|
Bà Lê Thanh Nhàn dạy phương pháp ngồi thiền, niệm phật giúp nhiều người khỏi bệnh. |
“Không phải ai ngồi thiền cũng khỏi bệnh”
Ni sư Thích Giác Minh - Trụ trì chùa Văn Điển (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho hay, thực tế thiền định đã được khẳng định là phương pháp rèn luyện sức khoẻ và chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, không phải ai ăn chay, ngồi thiền cũng có thể khỏi bệnh. Ni sư Thích Giác Minh từng chứng kiến có người ăn chay, ngồi thiền khỏi được cả những bệnh nan y mà y học bó tay. Nhưng việc ngồi thiền là cả một quá trình lâu dài, chứ không chỉ ngày một, ngày hai mà có thể mang lại hiệu quả .
“Phải thực sự là những người tin sâu, có niềm tin lớn vào đạo Phật thì việc áp dụng ăn chay ngồi thiền mới phát huy hiệu quả. Không phải thấy trong người sức khoẻ yếu mà ngồi thiền mong khoẻ mạnh ngay. Việc ăn chay, ngồi thiền phải thực hiện bằng chính tâm nguyện của mỗi người. Hằng ngày, họ cảm thấy thật thoải mái khi ngồi thiền. Khi ăn thịt cá họ buồn nôn thì khi đó họ nhất tâm theo con đường thiền niệm. Điều đó không hề đơn giản. Ngay cả tôi theo con đường tu hành đã lâu, nhưng có rất ít thời gian ngồi thiền. Vì tôi phải lo làm lễ trong chùa và nhiều nơi khác. Khi ngồi thiền, tâm phải tịnh, cơ thể tĩnh tại thì mới phát huy được hiệu quả. Thiền giúp điều chỉnh lại sự thay đổi tâm trí mỗi người. Nó gạt đi những hỉ, nộ, ái, ố trong mỗi con người. Nó làm cho cuộc sống con người thanh tịnh hơn, tính ganh đua, đố kỵ và thói xấu của mỗi người được giảm dần”, ni sư Thích Giác Minh cho hay.
Sư thầy Minh cho biết, hiện nay có nhiều dạng thiền khác nhau như: Như lai thiền, tổ sư thiền, thiền sinh học, thiền Vasava, thiền yoga. Mỗi loại thiền đều có phương pháp khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng đều giống nhau, giúp con người khoẻ mạnh, yêu thương bản thân và mọi người xung quanh. Xưa kia các thiền sư đã phải bỏ công sức tu luyện trong nhiều năm mới biết tính hiệu quả của thiền. Ban đầu nó không hẳn nhằm mục đích để chữa bệnh mà để giác ngộ. Ngồi thiền giúp cho mọi người thư thái, trút bỏ những lo toan cuộc sống hằng ngày.
|
Theo lương y Chương, ngồi thiền chữa bệnh hiệu quả. |
Thiền + ăn cơm muối vừng = khỏi bệnh
Pháp sư Phúc Đức (đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) cho hay: Trước đây, bà không tin thiền có thể chữa bệnh, lúc đầu bà còn phản đối. Tuy nhiên, khi bà bị bệnh, đi chữa trị nhiều nơi không khỏi, bà về học phương pháp ngồi thiền thời gian sau khỏi bệnh bà mới tin.
Theo pháp sư Phúc Đức thì nếu muốn khỏi bệnh, đặc biệt bệnh nan y phải kết hợp giữa thiền và ăn uống. Mỗi ngày nên ngồi thiền khoảng 30 phút cộng với ăn cơm gạo lứt với muối vừng đen. Người bị bệnh nặng ăn và ngồi thiền trong 3 tháng, sức khoẻ nâng lên, bệnh tình đẩy lùi.
“Tôi không nói suông, phương pháp này tôi đã áp dụng đối với nhiều người, nhiều lứa tuổi và các bệnh khác nhau. Kết quả cho thấy thật tuyệt vời, rất nhiều người đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc quy trình hướng dẫn của tôi bệnh mới nhanh khỏi”, pháp sư Phúc Đức chia sẻ.
Ông Vũ Thế Khanh cho biết: Thiền là một trong những môn chữa bệnh bằng tâm thể chuyển biến từ tâm sang thực thể. Tuy nhiên, người luyện thiền cần phải có các minh sư hướng dẫn theo phương pháp chính đạo thì mới cho kết quả tốt. Ngược lại người học sai phương pháp có thể bị tẩu hỏa nhập ma, bị các bệnh liên quan đến tâm thần, hoang tưởng. Theo nghiên cứu, nhiều căn bệnh phát sinh từ tâm của mỗi người như: Sợ hãi quá hại thận, giận dự hạ gan... khi chúng ta ngồi thiền, những trạng thái đó sẽ hoàn toàn biến mất, cơ thể trở lại cân bằng. Khi đó, sức khoẻ tinh thần được nâng lên, bệnh tật không còn nữa.
Đại Cát