Lời Phật dạy về lòng chung thủy và đạo nghĩa vợ chồng

Google News

Phật dạy, phụ nữ phải biết giữ tiết hạnh, đàn ông không được sanh tâm tà vạy (không ngay thẳng). Sự chung thủy trong đời sống vợ chồng vô cùng quan trọng, là chuẩn mực đánh giá đạo đức của một con người.

Lời Phật dạy: “Thủy” là khởi nguồn, “Chung” là kết thúc. Một khi đã mang danh phận vợ chồng phải trước sau như một, vững lòng vững dạ, không thay đổi trước những biến cố của cuộc đời. Tuy vợ chồng không cùng huyết thống nhưng tình cảm này vô cùng thiêng liêng, đẹp đẽ và đáng trân trọng, chỉ có thể là một. Trừ khi hai người mất đi mới không thể sống chung nữa.
Theo Phật pháp, phản bội là tội nặng nhất. Khi có mối quan hệ với người khác ngoài vợ hoặc chồng là phạm giới thứ nhất vì đã giết chết niềm tin của vợ/chồng mình, làm cho người ấy chết dần chết mòn trong ghen tuông và đau khổ.
Loi Phat day ve long chung thuy va dao nghia vo chong
 
Phạm thêm giới thứ hai vì trộm tình cảm, trộm vợ trộm chồng người khác. Phạm giới thứ tư vì đã dối gian, giấu giếm, thiếu chân thật. Phạm giới thứ năm vì như một con nghiện càng lúc càng lún sâu vào sự si mê, không thoát ra được.
Đức Phật dạy: “Không được sanh tâm tà vạy”, tức là đến việc tơ tưởng người khác, gọi là “ngoại tình tư tưởng” cũng không được. Việc xấu dù nhỏ khi càng cố che giấu càng làm cho sự việc tồi tệ hơn, người khác cũng sẽ sớm phát hiện ra. Người có tâm xấu sớm muộn gì cũng gặp phải quả báo, không cách nào tránh được.
Vì vậy, cám dỗ luôn ẩn nấp mọi nơi, ta phải giữ tâm vững để bản thân không sa vào những vũng lầy không lối thoát. Con người hơn con vật ở chỗ sống có cảm xúc và lý trí. Chúng ta nhận thức được những điều tốt đẹp và thị phi của cuộc sống.
Vì thế, chỉ có con ma trong chính ta đã che mờ ánh sáng của lý trí để ta hoàn toàn hành động theo bản năng, cảm xúc, ham muốn nhất thời, kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Hãy nhớ luôn duy trì và tiếp thêm nguồn năng lượng bình yên cho nhau bằng cách luôn yêu thương và trân trọng những cảm xúc của người bạn đời để cuộc sống vợ chồng càng bền chặt hơn.
Muốn vợ chồng hạnh phúc trọn đời trọn kiếp, hãy biết thêm bớt những điều này:
Thêm chút quan tâm, bớt sự bàng quan
Quan tâm thuộc về thiện chí, là một tâm lý thiện theo tâm lý học của Phật giáo. Quan tâm cho nhau chính là cách để thiết lập hạnh phúc và duy trì hạnh phúc đang có. Khi bạn thiết lập sự quan tâm thì cũng là lúc thái độ bàng quan sẽ giảm đi và hạnh phúc bắt đầu tăng trưởng. Vậy chúng ta cần quan tâm cái gì? Sức khỏe của người mình thương, công việc mà người đó đang gánh vác, những khó khăn mà người đó đang chịu đựng, và cả những thách đố mà người đó cần phải vượt qua.
Hạnh phúc của mình do chính mình nắm giữ
Các đức lang quân hãy nhớ rằng các anh cũng phải quan tâm đến vợ mình, cùng chia sẻ những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống. Cũng có rất nhiều người chồng vô tư quá, về đến nhà bỏ cặp xuống, cất áo rồi nằm trên võng đong đưa hay ngả lăn trên chiếc đi-văng xem ti vi, họ không hề nghĩ đến việc gia đình, họ cho đó là phận sự của người vợ.
Việc giặt giũ, cơm nước, con cái, bếp núc, chuyện bên vợ bên chồng thậm chí cả tương quan xã hội cứ ỷ lại hoàn toàn vào vợ. Nếu những lúc thành công thì không khen vợ câu nào, nhưng nếu xảy ra chuyện thì “con hư tại mẹ”, “cháu hư tại bà”.
Sức chịu đựng của chị em phụ nữ có giới hạn, có thể rất dai dẳng nhưng khi không chịu nổi nữa sẽ bùng nổ với sức công phá khó lường mà ngay tới cả các anh cũng không thể nào tưởng tượng nổi.
Thêm lòng độ lượng, bớt sự trách móc
Độ lượng là tâm hạnh Bồ tát khi thấy rõ các giới hạn của chúng sinh. Người vợ có cơ hội thấy rõ hơn những sở đoản của chồng và ngược lại chồng cũng thấy những điểm tích cực lẫn tiêu cực ở người vợ. Khi tạo những lỗi lầm nho nhỏ, thậm chí nghiêm trọng, nếu người đó biết hồi đầu thì chúng ta phải ứng xử với tính cách một vị Bồ tát để bỏ qua.
Thêm quà tình cảm, bớt sự thờ ơ
Rất nhiều cặp vợ chồng cảm thấy hụt hẫng vì một trong hai người đã bỏ quên thói quen quan tâm đến người còn lại bằng quà. Trong khi trước đó chỉ vài tháng hoặc vài năm khi tình yêu còn đeo đuổi như ong bướm thì họ thường xuyên làm công việc này và cảm thấy rất hạnh phúc.
Mối quan hoài trong hôn nhân có ý nghĩa nuôi dưỡng tình yêu rất lớn. Đến ngày sinh nhật, nếu người vợ được nhận những đóa hoa hồng tươi đẹp và đặc biệt là món quà gợi nhắc lại kỷ niệm thời gian còn yêu nhau thì người vợ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Phụ nữ có thói quen để ý xem chồng mình có nhớ những ngày kỷ niệm hạnh phúc của mình không. Người chồng nào không nhớ ngày sinh của vợ thì làm sao vợ có thể cảm nhận tình cảm thực sự từ chồng. Quà thường rất đơn giản như hoa tươi, thiệp chúc mừng hay những món nữ trang giản dị.
Thêm lời ái ngữ, bớt giận hờn oán
Hãy xem những chuyện không vui của vợ chồng như gió thoảng mây bay. Chỉ cần cơn gió thoảng qua, mây sẽ bay không giữ lại, không ngăn cản mặt trời soi rọi vạn vật ở thế gian. Cũng vậy, xua tan mối hờn giận, oán trách thì mối quan hệ hôn nhân sẽ trở nên trong lành và tươi đẹp.
Nói cách khác trong hôn nhân, cần phải sử dụng ngôn ngữ trái tim nhiều hơn ngôn ngữ lý trí. Tranh luận ăn thua đủ bằng ngôn ngữ lý trí với nhau sẽ không bao giờ được hạnh phúc dù thương vợ rất nhiều. Chúng ta phải biết dùng ngôn ngữ thương yêu và cảm thông. Tìm điểm tích cực nhất để làm cho sóng lặng gió yên. Tìm những ngôn ngữ khôi hài nhất để những căng thẳng bị phá vỡ.
Thêm lo cho người, bớt tính cho mình
Quan tâm đến tha nhân là một ưu điểm của hạnh Bồ tát. Mỗi lần chăm sóc một người nào đó, chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn vì mình đã thực hiện được nghĩa cử cao thượng. Trong quan hệ vợ chồng, vợ thực tập hạnh Bồ tát, chồng cũng thực tập hạnh Bồ tát thì gia đình đó đảm bảo hạnh phúc nhất trên đời này.
Mỗi khi chăm sóc cho người kia, đừng có nhu cầu buộc người kia phải chăm sóc lại. Như vậy là ta đang mặc cả trong các dịch vụ chăm sóc. Đón nhận sự chăm sóc thì đạo Phật dạy chúng ta phải biết ơn và đền ơn. Đừng tạo ra bất kỳ áp lực nào bắt buộc người kia phải đáp lại tương tự. Có như vậy, sự chăm sóc mới trở thành tinh thần vô ngã trong phụng sự.
Theo Min (TH)/Khoevadep