Chuyện của chú xe ôm
Một buổi sáng đầu tháng 4, mở mạng xem tin tức, tôi bỗng chú ý ngay đến một bài viết ngắn tựa đề “Lái xe ôm niệm Phật trong lúc đợi đèn đỏ” của tác giả Trần Ngọc Ần - trang tin Vnexpress.net, mục Cộng đồng.
|
Chú cho xe đậu đúng vạch phân cách rồi từ từ bỏ xâu chuỗi xuống tay,
lần từng hạt, từ tốn như không có chuyện gì... Ảnh: Trần Ngọc Ần.
|
Bài viết mở đầu: “Giữa buổi trưa nắng chói chang của Sài Gòn, ai cũng có vẻ hối hả, vội vàng hơn để mong chạy trốn khỏi cái nắng như đốt cháy da thịt. Việc phải đứng đợi đèn đỏ lâu khiến người ta dễ nổi nóng và sẵn sàng nổi quạu với bất cứ ai nếu như xe trước cản đường quẹo phải.
Tuy nhiên, trong số những người vội vàng ấy tôi lại thấy có một chú lái xe ôm rất bình thản. Chú cho xe đậu đúng vạch phân cách rồi từ từ bỏ chuỗi hạt xuống tay, lần từng hột, từ tốn như không có chuyện gì và xem mọi thứ nhẹ tâng”.
Cái sự nhẹ tâng của chú khiến cho tác giả phải ngạc nhiên, thán phục: “Thế giới của chú không có nắng nóng, không có vội vã, không xô bồ và bỏ lại đằng sau những tiếng ồn ào”. Tác giả nghĩ ngợi và so sánh: “Điều ấy khiến tôi và có lẽ cả chúng ta nữa phải suy nghĩ về tâm thế sống của mình.
Chúng ta có thể than nóng, than khổ khi cái máy lạnh trong văn phòng vừa hỏng. Chúng ta luôn tỏ ra là người bận rộn, vội vã và sẵn sàng mắng người tài xế ta-xi khi anh đón chúng ta chậm vài phút.
Trong khi đó, người đàn ông này suốt ngày mưu sinh trên đường nắng nóng, trải qua không biết bao nhiêu đám kẹt xe nhưng chú vẫn giữ được sự bình thản thì quả thật rất đáng nể trọng”.
Đọc tiếp những lời bình luận, tôi thực sự hoan hỷ khi nhận thấy rằng có rất nhiều người cũng giống chú: niệm Phật khi dừng đèn đỏ, niệm Phật khi đi đường, và niệm Phật trong khi chờ đợi. Và kết quả hẳn nhiên là mọi người đều cảm thấy “nhẹ tâng” như chú:
“Tôi cũng đã làm điều giống chú xe ôm này. Khi ra đường tôi luôn niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật, nếu đoạn đường đi xa thì tôi còn tụng thêm chú Đại bi thay vì suy nghĩ chuyện khác. Làm như vậy tâm mình rất tịnh và đầu óc rất thanh thản, lái xe cũng an toàn hơn” - Tommy Nguyen.
“Tôi cũng thế, đi giao hàng kẹt xe mệt mỏi, đầu óc rất căng thẳng, chỉ niệm Phật mới bớt căng thẳng; đầu óc bớt căng thẳng thì mới giải quyết công việc tốt đẹp được. Từ ngày biết niệm Phật, công việc của tôi thuận lợi hơn, đủ tiền nuôi con, nuôi vợ, cũng ít bận tâm vấn đề tài chính. Đây là liều thuốc tuyệt vời cho vấn đề xã hội hôm nay. Dù không phải là người Phật giáo, tôi đã tìm thấy liều thuốc này nên bình an trong cuộc sống bề bộn” - phamphucan1510@gmail.com.
“Tôi có một thói quen, khi đi xe rất hay niệm Phật. Trước kia tôi chưa thấm và hiểu về đạo Phật, cuộc sống chỉ cơm áo gạo tiền, lúc nào cũng hối hả, đi xe thì vội vàng, rất dễ gây tai nạn. Khi cảm nhận được triết lý đạo Phật, thấy tâm mình thanh tịnh, cuộc sống và mọi thứ trở nên rất nhẹ nhàng. Thật diệu kỳ!” - Mr.Quang.
Thậm chí, có người còn nhấn mạnh: “Đo la Bô-tat hiên thân giữa đơi thương” - Minh Quang. Người thì khẳng định: “Nếu mọi người chịu niệm Phật thì ai cũng có thể nhẹ tâng như chú ấy” - Hoàng Xuân Bách. Người lại khuyên: “Khi niệm Phật như vậy mình không thể hối hả lạng lách, tâm thanh thản, do đó mà bản thân ít gặp nguy hiểm. Các bạn thử đi từ nhà đến công ty và làm như vậy vài lần sẽ thấy rất có ích cho mình” - Minh.
Cách đây không lâu, tôi có bài viết đăng trên báo Giác Ngộ, nói về việc “Tu tập để giảm thiểu tai nạn giao thông”. Trong bài báo, tôi nhắc đến việc thực hành chánh niệm khi tham gia giao thông, và nhấn mạnh: “Lái xe cũng là một cách tu”. Dù vậy, tôi chưa từng tưởng tượng ra việc lần chuỗi niệm Phật khi chờ đèn đỏ. Chưa bàn đến nội dung, chỉ hình ảnh đó thôi cũng đã thật đẹp, thật diệu kỳ!
“Từ bi bất ngờ”
Thuở còn bé xíu, tôi đã theo ba đi chùa. Lúc ấy, ở quê tôi chuỗi hạt là một thứ khan hiếm. Hầu như chỉ có mấy bác đạo hữu lớn tuổi mới có chuỗi hạt để đeo. Vậy mà hôm nọ, trong lúc tụng kinh, tôi thấy một cô bé cỡ tuổi tôi “ngang nhiên” đeo một chuỗi hạt dài. Đó là loại chuỗi được kết nên từ hạt bồ-đề dây - một loại dây leo hạt cứng và tròn, được người ta dùi lỗ xâu thành chuỗi, vốn rất phổ biến vào thời ấy.
Cảm giác trong tôi lúc đó là ngưỡng mộ xen lẫn chút ganh tị. Đến đoạn niệm Phật, cô bé cũng giở tràng hạt xuống và lần từng hạt, từng hạt trông rất… người lớn. “Cô bé này chắc siêng niệm Phật dữ lắm đây”, tôi nghĩ. Dù ganh tị, nhưng tôi cũng kịp cảm nhận được khi đeo chuỗi, trông cô bé rất đẹp, một nét đẹp “từ bi bất ngờ”!
Lớn lên một chút, tôi vào chùa tập tu với sư phụ. Thầy tôi có những mấy xâu chuỗi: dài có, ngắn có, to có, nhỏ có - tôi rất thích. Thích nhất là mỗi khi nhìn thầy lần chuỗi, những lúc ấy trông thầy quá đỗi từ bi (bình thường thầy tôi rất nóng tính!). Ít lâu sau, tôi cùng mấy huynh đệ cũng tìm hái được rất nhiều hạt bồ-đề dây, về hì hục dùi lỗ, lấy dây cước xây thành chuỗi. Kết quả là mỗi người có được một xâu chuỗi dài. Đêm đêm, tôi hay ngồi một mình trên chánh điện lần chuỗi niệm Phật, lòng rất an lạc. Chính nhờ nét đẹp từ bi của người lần chuỗi mà tôi bén duyên với pháp môn niệm Phật, dù lúc đó chẳng ai chỉ cho tôi cách thức niệm Phật, nhiếp tâm như thế nào!
Chùa tôi ở trước đây có mấy mệ làm công quả. Chỉ vài người thôi nhưng tình hình cũng rất ư phức tạp, nào kèn cựa hơn thua, nào cãi cọ…, lắm khi đích thân thầy trụ trì phải đứng ra phân xử. Trong số đó một mệ có tiếng khó ngầm, nhiều người trề môi khi ai đó nhắc đến “sự tu” của mệ ấy. Tôi không quan tâm nhiều nhưng cũng có chút ít thành kiến với mệ. Vậy mà một hôm, sau giờ thiền, tôi đem ít đồ xuống bếp thì bỗng lặng người khi nhìn thấy mệ ngồi niệm Phật.
Mệ ngồi rất trang nghiêm trên bộ ngựa trong tư thế bán-già, lưng thẳng, mắt nhắm, tay chậm rãi lần tràng. Ánh sáng ngọn đèn vàng trái ớt hắt lên mặt mệ một vầng sáng huyền diệu. Gương mặt mệ thanh thản đến lạ kỳ. Tôi đứng chôn chân nhìn mệ rất lâu, lòng xúc động đến lặng yên khôn tả. Trông mệ thật đẹp, đích thị đó là nét đẹp của một người biết lần chuỗi niệm Phật. Từ đó, tôi thay đổi hẳn cái nhìn về mệ. Với tôi, chỉ có thể gói gọn hai từ về mệ, đó là hai từ: Bồ-tát!
Tôi muốn kết thúc câu chuyện dông dài của mình về một con người khác, rất đặc biệt, và hẳn nhiên cũng với nét đẹp từ bi hiếm thấy, dường như lúc nào cũng lần chuỗi niệm Phật. Người đó chính là Đức Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, người thường tự cho mình chỉ là một “lão nông tăng”. Trước khi Hòa thượng được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ, không nhiều người rõ về ngài, bởi ngài sống hết sức lặng lẽ.
Tôi không có duyên được gặp ngài nhiều, chỉ duy nhất một lần vào Đại hội Phật giáo toàn quốc cuối năm 2007, lúc ngài vừa được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ, ngôi vị tôn cao nhất của GHPGVN.
Bấy giờ, Đại hội vừa kết thúc, mọi người lục tục chuẩn bị hành lý ra về. Tại đại sảnh khách sạn, tôi thấy có một vị Hòa thượng già ngồi một mình, có vẻ như đang đợi xe. Một vài người đến xin ngài chụp ảnh, ngài lặng lẽ nhận lời. Tôi vội nhận ra đó chính là Hòa thượng tân Pháp chủ. Nhưng sao ngài giản dị đến thế! Đức Pháp chủ ngồi đó, bình thản như thể ngài vẫn là một vị nông tăng vô danh ngày ngày cày ruộng, cuốc đất, trồng rau… Ngôi vị không làm thay đổi ngài, đó không phải là điều đáng để tự hào, mà đơn giản đó là việc Tăng sai. Ngài ngồi đó, lặng lẽ, với xâu chuỗi trên tay. Có ai thưa hỏi thì ngài tạm ngưng lần chuỗi để trả lời, trả lời xong thì ngài lại tiếp tục lần chuỗi. Xâu chuỗi gỗ của ngài lên nước bóng loáng. Bất giác, tôi muốn trào nước mắt, phần vì cảm động bởi hình ảnh giản dị mà đẹp đẽ của ngài, phần vì PGVN đã có một bậc chân tu dẫn dắt.
Sau này, nhiều lần tôi nhìn thấy hình ảnh ngài trên mạng. Dù ngài có mặc pháp y hay chỉ mặc chiếc áo tràng nâu, trông ngài vẫn rất bình dị đúng chất một “lão nông tăng”. Và rất đặc biệt, xâu chuỗi hạt hầu như lúc nào cũng trên tay ngài. Đó là một hình ảnh thật đẹp khiến tôi luôn nhớ mãi về ngài.
Theo Giác Ngộ