Hái lộc đầu xuân vào dịp thời khắc Giao thừa là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam đã có từ rất lâu.
Trao đổi với PV Kienthuc.net.vn, Đại đức Thích Minh Giác (Hà Nam) cho biết: “Đây không phải là một phong tục của đạo Phật. Ở đây, lộc xuân có hai nghĩa. Đó là nhánh cây non và bổng lộc.
Đối với việc hái lộc đầu xuân, một nhánh lộc là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây. Theo tục người xưa, đầu năm, người dân thường ghé lại các cây cổ thụ trong các cơ sở thờ tự như Đền, Chùa, Miếu, Phủ... để hái 1 nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ để hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.
Bởi lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, những niềm vui và may mắn đang ở phía trước. Cái mong manh của chồi non cần được chăm sóc, để mang lại sức sống và cả những điều tốt đẹp đến với chúng ta, đồng thời hoàn thiện chính mình.
|
Vào thời khắc Giao thừa, việc hái lộc như này đang diễn ra phổ biến.
|
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân đã gây ra sự phá hoại môi sinh. Cứ đến lúc giao thừa, đa phần người đi lễ chùa lại “bẻ lộc” hoặc “bẻ cành”. Với quan niệm lộc/cành càng to, lộc càng nhiều.
Mỗi chúng ta, trước hết cần phải hiểu đúng những “ngôn từ” hái lộc. Từ “hái lộc” ở đây không chỉ có nghĩa là tay người ngắt từ cành cây một đóa hoa, một quả ngọt hoặc một nhánh non vừa mới nhú.
Mà từ hái khi được người xưa ghép với từ lộc mang một ý nghĩa rất nhân bản. Qua đó, muốn gởi gắm cho con cháu một ý nghĩa về giáo dục rất sâu xa. Đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày.
Tức là những may mắn, những quả phúc và cả niềm hỷ lạc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ bản tâm, từ hành động, từ lời nói và ý nghĩ thiện lành mà chúng ta đã gây tạo.
Do vậy, việc hái lộc nếu xét về mặt nhân văn chứa thì nó chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế. Đó là những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu trong tương lai.
Ước muốn tốt đẹp đầu xuân ta gặp được như một sự ban tặng của thiên nhiên, của đất trời, của chư Phật mười phương. Khi điều ước muốn ấy đã đủ duyên, tức đã hội đủ sự giao cảm giữa tâm và vật, giữa nhân duyên và kết quả.
Đất trời đổi mới, vạn vật chuyển mình và tâm thức con người trong sáng, đã gột tẩy mọi ưu phiền, buông xả mọi phiền não. Chính giờ phút ấy, quả phúc chúng ta đã gieo trồng cũng hội đủ nhân duyên mà kết thành quả vậy. Chứ không phải cứ hái lộc to, bẻ cành lớn thì phúc lộc mới đến với mình.
Vì thế, tâm thức của người khi hái lộc trước hết phải là một tâm thức thật sự thanh tịnh và thuần khiết thì lộc mà chúng ta hái được, nhận được, gặp được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. Khi ấy, phúc lộc mà ta nhận được mới thật sự của ta, chính nó do ta gieo trồng từ tâm thức thuần khiết thanh tịnh.
Thực tế hiện nay, cho dù ở nhà đã có hoa, có cây nhưng người Phật tử đến chùa để xin một nhánh lộc đầu xuân, một nhánh cây hay một cành hoa nhỏ. Bởi chùa là chốn đạo tràng thanh tịnh. Phật tử tin tưởng rằng sự thanh tịnh an vui của chốn thiền môn thấm nhuần cả nơi hoa cỏ, cây cối chung quanh.
Tâm của các vị tu hành thanh tịnh thì cõi đời cũng trở thành thanh tịnh. Nhận được một cành lộc đầu xuân người Phật tử đem về nhà để vào chỗ cao ráo, sạch sẽ, hoặc chưng nơi bàn thờ để mong được sự che chở, bảo vệ của chư Phật.
Khi đem một nhánh cây hay một cành hoa về nhà với niềm tin và sự an vui tràn đầy trong lòng thì đó tức là phép mầu đã thể hiện. Tâm ta đã vượt ra khỏi giới hạn của sự thấy biết hạn hẹp mà đi vào chốn vô cùng. Cành lộc đầu xuân trở nên sáng chói trong lòng ta và tỏa chiếu ra cả bên ngoài.
Với tâm an vui, rực sáng đó, chúng ta sum họp gia đình thì lòng ta tràn đầy sự thương yêu của những người thân. Nụ cười của chúng ta trở nên thật hồn nhiên tươi sáng, thanh thoát như nụ cười đức Phật Di Lặc.
Với lòng tràn ngập tình thương yêu và trí sáng suốt như thế chúng ta tiếp tục tận hưởng ba ngày xuân tươi thắm: thăm viếng bà con, bạn bè, lì xì mừng tuổi trẻ thơ, lễ bái cúng giỗ các vị tiền nhân, cúng dường ngôi Tam Bảo."
TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Tịnh Phương (ghi lại)