Hôm ấy, trong một buổi nhàn du thời trai trẻ, Thái tử đã dời cung điện để thực hiện một cuộc dạo chơi ngoài cổng thành. Lần lượt Thái tử qua bốn cổng thành cùng đoàn hộ tống. Tại cổng thành phía Đông, Thái tử cùng đoàn tùy tùng thấy một người già tiều tụy, khốn khó (Đông môn kiến lão).
Tại cổng thành phía Nam, Thái tử cùng đoàn tùy tùng thấy một người bệnh tật đau đớn khổ sở (Nam môn kiến bệnh). Tại cổng thành phía Tây, Thái tử cùng đoàn tùy tùng thấy một xác chết hôi thối, với dung nhan biến đổi dị thường (Tây môn kiến tử nhân).
Khi tới cổng thành phía Bắc, Thái tử cùng đoàn tùy tùng thấy một Sa-môn khoan thai đi trên đường (Bắc môn kiến Sa-môn). Vị Sa- môn ấy nói với Thái tử: Xuất gia tu hành có thể giải thoát Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Thái tử liền nói với vị Sa-môn “Đây là sự nghiệp lớn”. Và từ đó ấp ủ ý niệm xuất gia.
Cũng từ cuộc dạo chơi ấy, với những gì mắt thấy, tai nghe, Thái tử đã có được cái nhìn sâu sắc, cái nhìn trong suốt, lắng đọng như như; cái nhìn “dấu mình” vào sự vật, lặn vào sự vật; cái nhìn ấy không mổ xẻ, phân tích, không cần gọi tên, không cần xếp loại, đó là cái nhìn của cảm nghiệm, một cái nhìn “thiền” gọi là pháp quán. Pháp quán ấy hiển lộ cái “thấy” sâu thẳm về hiện thực cuộc sống sinh động đang là của chúng sinh vạn hữu.
Đó chính là lòng từ bi - được xem như thành phần chủ yếu của trí tuệ, hiện rõ trong hình ảnh cứu cánh của Bồ Tát, một trong những đặc trưng căn bản của Phật giáo Đại thừa sau này.
Và theo câu chuyện đã dẫn, có thể xem sau chuyện dạo chơi qua bốn cổng thành lần ấy là một trong những tiền đề dẫn đến hành động chối bỏ lạc thú nhân gian, dời hoàng cung để đi tìm đạo giải thoát của vị Thái tử. Đó là sự từ bỏ vĩ đại.
Ngược dòng thời gian, Kinh Phật có ghi chép rõ nguyên nhân sâu xa về việc Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia: Thì ngay từ năm 14 tuổi, một lần Thái tử ra ngoại ô chơi nhìn thấy người nông dân nhọc nhằn cúi đầu cày ruộng, mồ hôi ướt đẫm dưới cái nắng gay gắt.
Con bò đang cày ruộng, trên cổ quàng sợi dây thừng to không ngừng bị quất roi đến rách da chảy máu; dưới đất ruộng cày bị sới lên là các côn trùng bị giết hại… Thái tử đã vô cùng đau xót, thương hại như kim chích qua tim, bất giác khởi tâm từ bi cảm ngộ sâu sắc trước sự tàn khốc của thế gian, của chúng sinh tàn hại lẫn nhau, quả là sự bi thảm của cuộc đời.
Những nỗi trầm tư của Thái tử đã khiến vua cha là quốc vương Tịnh Phạn thấy rõ và vô cùng lo lắng khi nhớ đến lời tiên tri của đạo sư A-Tư-Đà lúc Thái tử mới đản sinh rằng: Thái tử sẽ trở thành vị vua Chuyển luân vương nếu tại gia; và nếu xuất gia Thái tử sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí, một vị Phật.
Ở Ấn Độ thời bấy giờ có rất nhiều các giáo phái tôn giáo mà phần nhiều có xu hướng cực đoan, thần quyền; về chính trị thì phân chia đẳng cấp nhằm lấn át tranh đoạt nhau. Thế nên, Chuyển luân Thánh vương là kỳ vọng chính trị của dân chúng còn Phật là người hoàn toàn giác ngộ được thực tướng nhân sinh, đề cao việc giáo hóa chính pháp, bình đẳng và tự tại...
Cũng vì thế, ngay từ nhỏ Thái tử đã được Tịnh Phạn Vương và Hoàng thất nuôi nấng dậy dỗ, giáo dục một cách toàn diện về cả văn chương và võ nghệ. Những thầy giỏi nhất trong xứ được triệu đến hoàng cung để dạy Thái tử khi ngài mới 7 tuổi. Các môn học thế gian như Thanh minh học (ngôn ngữ và văn học). Công xảo minh (công kỹ nghệ học); Y phương minh (thầy thuốc); Nhân minh (luận lý học) và Nội minh (Đạo học). Về đạo học, Thái tử được dạy qua 4 sách Thánh Vệ Đà, là các sách Thánh của Bà la môn giáo.
Đến năm 12 tuổi, Thái tử đã thông thạo 5 môn học trên và 4 sách Thánh Vệ Đà. Năm 13 tuổi, Thái tử được học võ nghệ theo truyền thống dòng dõi đẳng cấp võ tướng Sát-đế-ly. Nhờ trí thông minh là sức khỏe phi thường nên Thái tử môn võ gì cũng giỏi. Tại một cuộc hội thi do triều đình tổ chức, Thái tử đã bắn một mũi tên xuyên 7 lớp trống đồng, trong khi người giỏi nhất cuộc thi cũng chỉ bắn xuyên thủng 3 lớp mà thôi…
Mặc dù vậy Tịnh Phạn Vương vẫn chưa dứt nỗi lo lắng mỗi khi chợt thấy Thái tử thể hiện nỗi ưu tư trên gương mặt nên đã rắp tâm cùng Hoàng thất lo đám cưới sớm cho Thái tử với Công chúa một nước láng giềng là Da-du-đà-la đồng lứa tuổi 16 với Thái tử.
Trong gần 13 năm sau ngày cưới, Thái tử sống một cuộc đời hạnh phúc trong nhung lụa và quyền uy của một bậc Đế vương. Những việc làm đó của phụ vương nhằm ngăn cản tư tưởng xuất trần của Thái tử; bởi ngài muốn đứa con yêu dấu của mình sẽ nối nghiệp, ở lại với ngai vàng.
Nhưng rồi, một ngày … sau một cuộc dạo chơi qua 4 cổng thành. Đây là lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với những sự thật đen tối và đáng sợ ấy, Thái tử nghiệm thấy mình dù là con vua cũng không thể thoát khỏi cảnh già, đau và chết. Chỉ còn lại trong suy tư của Thái tử là hình ảnh siêu thoát của vị tu sĩ khoan thai đi trên đường hôm ấy đã giúp ngài sớm thấy con đường giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi khổ đau và bất hạnh của đời người con đường dẫn tới cõi niết bàn bất tử.
Từ sau cuộc dạo chơi ấy, Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, tìm con đường cứu khổ cho muôn loài. Lâu đài, cung điện hợp với 4 mùa, các vũ công múa hát, đàn ca và …. ngai vàng đã không còn là nơi thích hợp cho Thái tử nữa. Thái tử đã lên đường tìm đạo. Đây là sự từ bỏ vĩ đại duy nhất có một không hai trong lịch sử loài người. Bởi vì đó không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già đau ốm, một người nghèo, bệnh tật ngán ngẩm cuộc đời - mà là sự hy sinh từ bỏ của một vị Hoàng tử đang tuổi thanh xuân với đầy đủ quyền uy của bậc đế vương. Năm thái tử xuất gia, ngài ở tuổi 29 (có thuyết nói 19).
Trên một phương diện khác trong Kinh văn và Giáo điển được biết đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là Bồ tát Hộ Minh; vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ tức chỉ sinh ra lần này nữa thôi. Ngài đã giã từ cảnh giới Đâu Xuất thiên, chính niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai Hoàng hậu Ma-da. Hoàng hậu sống giữ giới, tiết hạnh, từ ái, tâm thường hoan hỷ, thân không bệnh, cho đến ngày hạ sinh với nhiều điềm lành khi Thái tử đản sinh đã đứng vững trên hai chân, mặt hướng phía bắc, bảy bước có sen báu nâng gót, lọng trắng che trên.
Ngài quay mặt nhìn mọi phương rồi lớn tiếng: Ta là bậc tối thượng ở trên đời, ta là bậc tối tôn ở trên đời… nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sinh ở trên đời này nữa. Vì thế Ngài chính là bậc chư Thiên do hội đủ duyên lành mới nhập thai làm con người, vì thế luôn có các Thiên tử dõi theo phò tá mà Kinh “Phật bổn tập hạnh” có nói tới. Thái tử - mà sau này là đức Phật của chúng đã được một vị Thiên tử tên là Tác bình luôn hộ niệm.
Kính chép rằng: “Lúc bấy giờ trên hư không có một vị Thiên tử tên là Tác Bình thấy Thái tử Tất-đạt-đa ở trong cung vua sợ Thái tử đắm say dục lạc bèn nói: Ta sẽ làm cho Thái tử có ý tưởng yểm ly, liền dùng thần lực khiến mọi âm nhạc du dương trong cung đều làm không thuận theo sự việc của năm dục. Tức là tuy có âm nhạc nhưng âm thanh đó không vương hình ảnh tục lụy, mà ngược lại chỉ làm âm thanh vi diện của Niết bàn.
Thái tử khi nghe được những âm thanh ấy là tâm sinh giác ngộ, chỉ muốn ra ngoài thành du ngoạn. Rồi trong chuyến đi này, tới mỗi cổng thành, Thiên tử Tác Bình đều dùng sức thần thông khi thì hóa thành một người già tiều tụy, khi là người bệnh đau ốm khổ sở, khi lại hóa làm thây chết nằm trên giường, có người khiêng chôn cùng với thân thuộc vây quanh khóc lóc, và cuối cùng, khi Thái tử ra cửa thành phía Bắc, Thiên tử Tác Bình lại biến mình làm Sa-môn mặc y tăng, ôm bình bát, oai nghi chỉnh tề”.
Mặc dù bốn cổng thành mà Thái tử đi qua, vua Tịnh Phạn đã ra sắc lệnh trước đó, quét dọn sạch sẽ, không để người già, người bệnh, những thây chết… lai vãng. Nhưng rồi những nỗ lực cuối cùng ấy của vua cha đã không thể nào ngăn cản ý chí xuất trần, cầu đạo giải thoát của Thái tử Tất-đạt-đa. Và đó chính là điển tích “Du quán tứ môn” được căn cứ vào sự thật trong cuộc đời Đức Phật lịch sử của chúng ta.
Theo PGVN