Các kinh sách Phật giáo đều ghi nhận về những công hạnh Ba-la-mật thực thi lý tưởng sống tự độ, độ tha, mà Đức Phật Thích Ca khi còn là Bồ-tát, đã kiên trì thực hành trong nhiều kiếp sống, để cuối cùng khi đản sanh ở Ấn Độ, làm thái tử con vua Suddhodana, Ngài đạt được quả thánh vô thượng, tức là thành Phật.
|
Ảnh minh họa.
|
Những người tin theo Phật giáo phát tâm Bồ-đề, cầu đạt quả Phật, cũng phấn đấu trong kiếp sống hiện tại và trong nhiều kiếp sống sau này, thực hành các hạnh nguyện Ba-la-mật như là cơ sở nền tảng thiết lập cội rễ hạnh phúc thật sự. Ba-la-mật nguyên chữ Sanskrit là Paramita, có nghĩa là bờ bên kia, nghĩa bóng là hoàn thiện, hoàn mỹ, không còn thiếu sót, khuyết điểm gì nữa, đạt tới trình độ lý tưởng.
Những người phát tâm tu các hạnh Ba-la-mật, phải phấn đấu thực hành những giới hạnh đó đến chỗ toàn thiện toàn mỹ, không những trong kiếp sống hiện tại và trong nhiều kiếp sống liên tiếp, cho đến khi thành được Phật quả. Kinh sách Đại thừa nói tới sáu hạnh Ba-la-mật, còn kinh sách Phật giáo Nguyên thủy nói tới 10 hạnh Ba-la-mật. Tuy số hạnh có khác nhau, nhưng nội dung của các giới hạnh thì tương tự, chỉ khác về cách phân loại và phân tích trong ý nghĩa xã hội nhân bản và tích cực của đạo đức Phật giáo.
Đứng đầu các hạnh Ba-la-mật là hạnh bố thí, có công năng chế ngự và loại bỏ mọi tư tưởng vị kỷ, phát triển và mở rộng tư tưởng vị tha, cả hai loại tư tưởng đó đều ở dạng tùy miên trong mỗi người chúng ta [1]. Nếu biết thực hành hạnh bố thí, thì tư tưởng vị tha tùy miên sẽ phát triển, tư tưởng vị kỷ tùy miên sẽ bị suy giảm dần, cho đến lúc, người Phật tử chứng đạt lý vô ngã, trở thành bậc A-la-hán. Nhờ tu hạnh bố thí, người Phật tử có được niềm hân hoan của sự hy sinh và phục vụ, vì đã thiết thực làm giảm nhẹ nỗi đau khổ của đồng loại. Văn hào Nga vĩ đại Lev Tolstoi viết: “Bản thân sự hy sinh đem lại một niềm vui không thể tả được”. Tolstoi nói như vậy về Pie Besucov, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình. Đó là niềm vui chân thật lắng tận đáy sâu tâm hồn, người ngoài chỉ có thể thấy ánh lên đôi chút trên sắc mặt chúng ta mà thôi. Đó là niềm vui mà Đức Phật thường nói, niềm vui của xả, của giải thoát, làm nâng cao con người, giúp cho con người thoát khỏi cái vỏ vị kỷ vốn ràng buộc và làm khổ con người. Hoffding viết: “Niềm vui đó lớn và mạnh mẽ đến mức, nếu so sánh thì tất cả mọi niềm vui khác đều mất hết ý nghĩa. Một phút vĩ đại và đẹp đẽ có thể vượt trên cả một cuộc đời kéo dài nhưng trống rỗng...”.
Người Phật tử tu hạnh bố thí Ba-la-mật không bao giờ nghĩ tới chuyện đền ơn trả nghĩa, như quên không thấy mình là người bố thí, cũng không thấy người được mình giúp đỡ. Hành động bố thí của người Phật tử tu hạnh Ba-la-mật hoàn toàn vị tha, không bợn chút vị kỷ. Trong các truyện Bổn sanh (Jatakas), kể về hạnh bố thí của Đức Phật Thích Ca, khi Ngài còn tu hạnh Bồ-tát, chúng ta thấy Bồ-tát trong nhiều trường hợp đã bố thí cả thân mạng của mình để cứu sống cho một bầy hổ đói (Jatakas-mala), hy sinh cả vương quốc của mình, cả vợ con mình, để thực hành triệt để hạnh bố thí.
Về những mục đích cao cả và hoàn toàn vị tha của vị Bồ-tát tu hạnh bố thí, sớ giải tập Cariy Pitaka viết: “Khi bố thí thức ăn, vị Bồ-tát cầu mong cho người mình giúp đỡ được sống thọ, có dung sắc đẹp đẽ, được hạnh phúc, sức khỏe, trí tuệ, và quả Thánh cao nhất là Niết-bàn. Khi bố thí thức uống, vị Bồ-tát cầu chúc cho người được mình bố thí không còn thèm khát dục vọng. Khi bố thí quần áo, vị Bồ-tát cầu chúc cho người được mình bố thí, có được hạnh tàm và quý, biết xấu hổ và sợ hãi khi phạm tội lỗi. Khi bố thí mùi vị, vị Bồ-tát cầu chúc cho người mình giúp đỡ có được hương thơm của giới đức. Khi bố thí vòng hoa và hương liệu, vị Bồ-tát cầu chúc cho người mình giúp đỡ có được những giới hạnh của chư Phật. Khi bố thí chỗ ngồi, vị Bồ-tát cầu chúc cho người mình giúp đỡ đạt tới tọa vị giác ngộ vô lượng. Khi bố thí nơi ở, vị Bồ-tát cầu mong làm nơi y chỉ nương tựa của thế gian. Khi bố thí ánh sáng, cầu mong có được con mắt: con mắt thịt (nhục nhãn), mắt trí tuệ (tuệ nhãn), con mắt chư thiên (thiên nhãn), con mắt của Phật pháp (Phật nhãn), con mắt thấy biết tất cả (chánh biến tri), cầu mong có được thân sắc tỏa sáng hào quang của Phật, có được tiếng nói dịu ngọt như tiếng nói của Phạm Thiên, có được hương thơm tỏa ra làm mọi người ưa thích. Bố thí thuốc men để cầu chứng được quả Niết-bàn bất tử, giải phóng nô lệ để cho mọi người thoát khỏi tù ngục của dục vọng, tự nguyện xuất gia, không có con cái để nuôi dưỡng nơi mình tấm lòng người cha hiền đối với mọi người, tự mình không có vợ để trở thành đấng Thế Tôn, từ bỏ vương quốc thế gian để cầu có được vương quốc của Chánh pháp”.
Những lời nguyện như trên của vị Bồ-tát tu hạnh bố thí Ba-la-mật toát ra những tình cảm vị tha thật là cao quý. Đạo Phật trình bày có hai loại bố thí chủ yếu. Tài thí là bố thí tài vật, như thức ăn, thức uống, các đồ vật dụng khác như thuốc men, quần áo... Pháp thí là bố thí giáo pháp, đạo lý. Người xuất gia, không có tài sản riêng, nên không thể bố thí tài vật mà chỉ có thể bố thí pháp, tức là làm chức năng của vị đạo sư tâm linh, hướng dẫn cuộc sống đạo đức hướng thượng của người Phật tử. Thế nên, trong kinh Phật thuyết như vậy, Đức Phật nói: “Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí. Bố thí tài vật và bố thí pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này tức là bố thí pháp”.
Rõ ràng, trong các phương thức thực hành bố thí, đáng thực hành nhất là pháp thí. Muốn pháp thí thì giới xuất gia cũng như tại gia đều phải học tập, thực hành Phật pháp trong cuộc sống hàng ngày của mình, tức là phải sống đạo đức theo giới luật. Với một tâm nhiệt tình và hạnh kiên nhẫn rất lớn, thuyết phục mọi người Phật tử xung quanh mình đều sống theo năm giới, mười thiện. Nếu mọi người đều làm như thế, thì xã hội này sẽ hướng thiện; mỗi người đều sống hạnh phúc, cả xã hội này cũng được an lạc, cõi người sẽ biến thành cõi Phật. Thế nên, kinh Phật thường nói, ở những đất nước mà mọi người đều biết sống đạo đức, sống thiện, thì thiên nhiên cũng ưu đãi, mưa gió thuận hòa, thiên tai vắng bóng, mùa màng xanh tốt, thực phẩm dồi dào, nhân dân sống no đủ và an lạc.
Hiện nay, khoa học vẫn chưa khám phá ra được mối liên hệ qua lại, biện chứng giữa cuộc sống đạo đức của xã hội với sự vận hành của môi trường thiên nhiên. Đức Phật với con mắt trí tuệ của Ngài, biết rõ, thấy rõ mối quan hệ đó và Ngài khuyên chúng ta sống đạo đức, sống thiện để tận hưởng mọi ưu đãi của thiên nhiên.
Thực tế, có những người không giàu có, cũng không có pháp để pháp thí nhưng họ có thế lực và sức mạnh, họ có thể thực hành cái mà trong kinh Phật gọi là vô uý thí, nghĩa là bố thí sự không sợ hãi, bảo vệ cho mọi chúng sanh, mọi người khỏi phải sợ hãi, lo âu.
Nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy, giữ giới không sát sinh cũng là bố thí sự không sợ hãi cho chúng sanh khiến chúng không còn lo gì bị giết hại. Giữ giới không trộm cắp cũng là bố thí cho chúng sanh không còn lo sợ bị mất cắp, bị lừa đảo, bị gian lận. Giữ giới không tà dâm, tức là bố thí cho mọi người khỏi phải sợ hãi cảnh vợ chồng bất hòa, gia đình ly tán. Giữ giới không nói dối tức là bố thí cho mọi người khỏi phải sợ bị dối trá, bị lừa gạt v.v… Bố thí pháp cũng là một hình thức vô úy thí, vì người nghe pháp, sẽ được an tâm không lo sợ phải tái sanh xuống các cõi dữ, cõi ác, ngược lại được hướng dẫn trên con đường đạo, tiến tới giác ngộ và giải thoát, tiến tới Niết-bàn là cảnh giới hạnh phúc tối thượng.
Chia sẻ niềm vui với mọi người, trong tâm hồn không mảy may có ý niệm ghen ghét đố kỵ, đó là tùy hỷ thí. Đem lại niềm vui cho mọi người, đó là lòng từ. Chia sẻ niềm vui với người khác, đó là lòng hỷ là tùy hỷ.
Với một sự phân tích như vậy, bất cứ người nào cũng có thể thực hành bố thí, không kể là giàu hay nghèo, ngu hay trí v.v... Mặt khác, khi một người thực hành hạnh bố thí Ba-la-mật đồng nghĩa người đó đang thực hành hạnh nguyện sống theo 6 hạnh (10 hạnh) Ba-la-mật, đi đến lộ trình giải thoát theo lý tưởng sống của Bồ-tát độ tha.
Nhưng kinh sách Phật, khi giảng về hạnh bố thí, không hạn chế vào sự phân tích trên. Kinh Ưu-bà-tắc giới, quyển 5 phân tích có ba tình huống bố thí kém hiệu quả, công đức không lớn: 1) Lúc đầu phát tâm bố thí nhiều, nhưng về sau giảm dần. 2) Chọn đồ xấu, hư hỏng để bố thí cho người. 3) Bố thí rồi lại hối tiếc. Cũng theo kinh trên, còn phân tích thêm 8 trường hợp công đức của bố thí bị giảm: 1) Bố thí cho người xong, thì thấy và nói về khuyết điểm của người được bố thí. 2) Bố thí xong, liền đề cao về công đức bố thí của mình. 3) Đầu tiên nói không có gì để bố thí, rồi sau lại cho. 4) Bố thí với tâm không bình đẳng. 5) Bố thí cho người, rồi đối với người đưa ra yêu sách này hoặc khác. 6) Bố thí rồi, nói lời bất nhã với người được bố thí. 7) Bố thí xong, lại kể ơn, đòi đền ơn. 8) Bố thí xong, tâm sinh hoài nghi... (không hiểu bố thí như vậy có lợi hay không có lợi).
Có thể nói, Phật giáo, trong các kinh sách của mình, hoặc là do Đức Phật giảng, hoặc là các đệ tử đồng đại hay là về sau này giảng, đã chỉ rõ phân minh, thế nào là thiện, thế nào là ác, thậm chí còn nói rõ thế nào là thiện nhiều, thế nào là thiện ít, xử sự như thế nào để làm điều lành một cách hoàn thiện nhất, như trong kinh Ưu-bà-tắc giới đã phân tích như trên.
Cũng theo kinh Tăng nhất A-hàm quyển 37 phân tích, có 8 sự kiện cần chú ý trong trường hợp có bố thí tài vật (tài thí): 1) Bố thí đúng thời, nghĩa là vào thời điểm thích hợp. 2) Vật bố thí phải tốt đẹp, tươi... 3) Tự mình cầm hai tay bố thí, không nhờ người khác bố thí hộ. 4) Thường xuyên phát nguyện bố thí, trong tâm không kiêu căng. 5) Bố thí với mục đích độ thoát chúng sanh, chứ không có mong cầu đền đáp. 6) Bố thí nhằm cầu chứng cảnh giới Niết-bàn vô thượng, chứ không cầu chứng sanh thiên. 7) Bố thí ưu tiên cho những đối tượng là ruộng phước (các bậc chân tu, những người thiện lành v.v...), không ưu tiên bố thí cho người ác. 8) Hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh được cùng hưởng, không dành riêng công đức cho mình.
Trong Du già sư địa luận, cuốn 39 viết: 1) Không được lấy của cải người khác mà bố thí, nếu người ấy chưa đồng ý. 2) Không được làm môi giới, đem thê thiếp người khác mà bố thí. 3) Không được bố thí thức ăn, uống có côn trùng... Thêm vào đó là vị bố thí không được so đo quả báo, không được vì danh lợi và tiếng khen thế gian, không được mong cầu đền đáp, không mong cầu được cung kính và cúng dường, không được bố thí với tâm địa nhỏ hẹp. Dù vật bố thí ít ỏi, tâm địa phải giữ cho rộng lớn, huống hồ là có vật bố thí nhiều, tâm địa lại càng phải giữ cho tâm địa rộng lớn hơn.
Nói một cách khác, vị Bồ-tát tiến hành bố thí với tâm không vướng mắc, không chấp thủ, như không vướng mắc vào danh, vào lợi, vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v... Kinh Kim cang gọi là bố thí mà không vướng mắc vào tướng (vô trú tướng bố thí): “Sở vị bất trú sắc bố thí, bất trú thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất ư tướng” (Gọi là không chấp sắc mà bố thí, không chấp thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vị Bồ-tát nên bố thí như vậy, không có chấp tướng). Phật dạy rằng, bố thí mà không vướng mắc vào tướng, thì bố thí đó đem lại cho người bố thí công đức không lường. Mà tướng ở đây Phật giải thích là sắc thanh hương vị xúc pháp, tức là sáu trần. Tại sao như vậy? Vì khi tâm chúng ta vướng mắc vào sáu trần thì lập tức bị sáu trần hạn chế và làm ô nhiễm, công việc bố thí của chúng ta sẽ không còn thanh tịnh nữa, và hiệu quả của nó sẽ bị hạn chế. Vậy là, Bồ-tát khi tiến hành bố thí, không thấy mình bố thí, không thấy tài vật bố thí, cũng không thấy người được bố thí. Không thấy ở đây, không phải là không thấy bằng mắt, mà không chấp thủ, không vướng mắc. Bố thí với tâm vô lượng như thế, thì công đức của bố thí đó cũng là vô lượng.
Ngày nay, trên các kênh truyền thông, trong thực tế đời thường ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân, nhiều nhà doanh nhân, nhà hảo tâm, tổ chức đoàn thể, công ty, xí nghiệp thực thi công tác từ thiện xã hội như tài trợ học bổng khuyến học, xây nhà tình thương, thi công cầu đường, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, phát tâm cúng dường tu tạo chùa chiền, đúc chuông, tô đắp Phật tượng…đem lại sự hạnh phúc cho mọi người, nhiều phúc lợi an sinh cho toàn xã hội.
Rõ ràng, giá trị hạnh phúc của con người được tôn vinh thực sự không phải chỉ thể hiện qua sự giàu có, mà nó phải được thể hiện sự giàu có đó qua sự sẻ chia đối với những người còn nghèo khó, khiếm khuyết và chia vui cho người khác, gánh vác trách nhiệm cùng cộng đồng. Triết lý Duyên khởi của đạo Phật dạy rằng không ai có thể sống một mình; con người cần chung sống với nhau qua sự biểu hiện yêu thương và hiểu biết. Thế nên, người ta nói đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ là vậy, nó cũng bắt đầu từ nếp sống vô tham, nghĩa là thực hành bố thí. Đây cũng là triết lý sống “Thương người như thể thương thân”, hay “Đói lòng ăn nửa trái sim/Uống lưng bát nước đi tìm người thương” của người Việt, mà bất cứ ai sinh ra ở cõi đời được nghe mẹ dạy từ thuở nằm nôi. Sức mạnh nội tại của người Phật tử Việt Nam trong thời đại kinh tế thị trường đầy biến động là thế đó.
Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì, trong đời sống bình thường, hiện có những con Phật tại gia, xuất thân từ trong gia đình nghèo khó, từng trải nghiệm cuộc sống qua những công việc khó khăn, đi thu gom bả mía, tích lũy từng đồng, nuôi sống thân mạng bằng chánh tín, chánh kiến để sẻ chia khổ đau với người khác; nhờ phước đức thực thi hạnh lành bố thí đó mà trở thành nhà doanh nghiệp có ích cho tự thân và có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm cho mọi người, đóng góp công ích cho xã hội. Hay có những nông dân nghèo vượt khó từ hương đồng cỏ nội, nhờ hướng tâm thực thi hạnh lành mà được phước đức trở thành những triệu phú của trang trại làm giàu cho quê hương xứ sở. Hoặc có những con em nghèo hiếu học, bằng sự kiên định của mình, sự góp sức của những tấm lòng vàng, nay trở thành những nhà khoa học, tham gia tích cực trong lĩnh vực phát triển công nghệ tiên tiến của đất nước… Và còn biết bao gương điển hình nữa được sinh ra, lớn lên và trưởng thành khi chính tự thân được hấp thụ, được trải nghiệm thực hành hạnh nguyện sống theo lý tưởng Bồ-tát tự độ và độ tha trong đời sống hiện thực đầy biến động này.
Và như thế, với niềm tin bất động vào Tam bảo, bằng nếp sống hiền thiện, thực hành nếp sống hạnh nguyện thực hành các công hạnh Ba-la-mật, được mở đầu bằng công hạnh bố thí cúng dường của tự thân mỗi người, thế giới giải thoát khổ đau, an lạc sẽ hiện hữu ngay giữa cõi đời với hương thơm quả ngọt được xuất phát từ cội rễ hạnh phúc bố thí Ba-la-mật.
Thích Phước Đạt
----------------------------------------------------------
(1)Tùy miên là tiềm ẩn, không bộc lộ, có điều kiện mới bộc lộ thành lời nói và hành động.
Theo Giác Ngộ