Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Công Thuận, quản lý chùa cho biết: “Trước đây, trong chùa còn có cả cây thông, 3 cây này có độ tuổi bằng nhau, nhưng không hiểu sao cây thông bỗng dưng bị chết, còn lại cây thị và me. Theo các cụ, đến nay cây thị đã gần 800 năm tuổi, cây me khoảng 750 năm tuổi”.
Trước đây, do chiến tranh tàn phá nên toàn bộ phần lõi của cây thị bị rỗng, xung quanh gốc và thân cây vẫn còn những vết cháy, vết bom đạn. Cây thị cao gần 38m, vòng gốc 11m, đường kính giữa thân khoảng 7m; còn cây me cao khoảng 36m. Cây nào cũng sum suê quả, đặc biệt là cây thị, sau khi chùa được xây dựng lại thì dường như quả còn to và nhiều hơn.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, hai cây cổ thụ rất thiêng, hễ ai xâm phạm tới đều gặp chuyện không may. Một lần nọ, có người đàn ông ở làng bên đi xát gạo, khi đi qua đã tiểu tiện vào gốc cây me, ngay hôm đó, ông này lăn ra ốm liệt giường. Có người bảo ông đã xúc phạm vào cây thiêng nên thần cây phạt, để khỏi bệnh, ông phải chuộc lỗi bằng cách mang nước dội xung quanh gốc cây và thắp hương 100 ngày liên tục. Người này đã làm theo và quả nhiên, 100 ngày sau khỏi bệnh.
Cũng theo lời của người dân nơi đây, nếu ai bị bệnh, hiếm con đều đến đây kêu cầu. Muốn sinh con trai thì tới khấn cây thị, muốn sinh con gái thì khấn cây me!
Theo bà con, từ năm 2006, sau khi ngôi chùa được xây dựng và bảo vệ thì 2 cây cổ thụ này ngày càng xanh tốt, tán tỏa bao trùm cả ngôi chùa. Năm 1995, một doanh nghiệp đã trả giá 5 tỷ đồng cho mỗi cây cổ thụ tại đây nhưng dân làng cho rằng đây là báu vật nên nhất quyết không bán.
Ông Võ Nghệ Thanh, thành viên Ban quản lý di tích xã Định Hòa chia sẻ: “Cây thị, cây me đã trở thành một phần máu thịt của người dân làng Nhất, nó vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn nên bà con luôn có ý thức bảo vệ, chăm sóc gìn giữ cây cổ thụ và ngôi chùa. Dù ai trả cả trăm tỷ đồng dân làng chúng tôi cũng không bán cây”.
Những huyền tích
Ông Thuận cho biết thêm: “Các cụ kể rằng, chùa Thiên Phúc được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XI, trong thiết kế nguyên bản, chùa có 3 gian. Vào khoảng đầu thế kỷ XIV có vợ chồng ông Ngô Rô và bà Trần Thị Hưu tới ở và trông coi. Khoảng năm 1336, ông Ngô Rô qua đời tại chùa. Để mai táng ông, người dân trong làng đã đưa ông tới nghĩa địa Nổ Đó, khi chuẩn bị chôn cất thì trời bỗng đổ mưa to, không thể chôn cất được, đành phải để đó chờ trời tạnh. Nhưng kỳ lạ thay, sáng hôm sau, khi dân làng ra nghĩa trang thì không thấy quan tài và thi thể ông Ngô Rô đâu nữa, chỉ thấy một tổ mối to. Mấy năm sau, bà Hưu cũng qua đời, người dân trong làng để bà nằm ở hiên chùa gần cây thị chờ sáng hôm sau đưa đi mai táng. Và lại một lần nữa điều kỳ lạ xảy ra. Sáng hôm sau, quan tài và thi thể của bà cũng biến mất, thay vào đó là một đống đất. Đến nay, cạnh cây thị vẫn có đền thờ bà Trần Thị Hưu và ông Ngô Rô”.
Sau đó, người con trai của ông Ngô Rô là Ngô Tây cũng nối tiếp trông coi ngôi chùa, nhưng đến đời Ngô Kinh, cháu của ông Ngô Rô, là người có công khai quốc thời nhà Lê, phục vụ triều đình nên về sau, người dân cử người làng ra trông coi.
Năm 1952, cuộc chiến tranh chống Pháp diễn ra ác liệt, ngôi chùa bị san phẳng hoàn toàn. Mãi tới năm 2006, với tấm lòng hảo tâm của con cháu họ Ngô cùng chính quyền địa phương và nhân dân trong xã, ngôi chùa mới được xây dựng lại dựa trên nền móng của ngôi chùa cổ với chính điện thờ Phật, một bên thờ Lý Thường Kiệt, bên còn lại thờ ông Ngô Rô, bà Trần Thị Hưu.
Hiện, chùa Thiên Phúc đã trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh được nhiều người tìm đến.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU