Tại Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch trong 6 tháng đầu năm 2015 diễn ra sáng 3/7, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng báo cáo về việc chuẩn bị cho SEA Games năm 2021. Đây là Đại hội được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chủ trương giao cho Việt Nam đăng cai.
Theo đó, Tổ soạn thảo đề án đăng cai SEA Games 31 đã xây dựng những kế hoạch cơ bản. Tại Hội nghị, ông Vương Bích Thắng cho biết: “Quy mô dự kiến của SEA Games có khoảng 13.000 người từ 11 quốc gia tham dự khoảng 30 môn thi đấu”.
|
Với Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cùng một số công trình thể thao ở các địa phương lân cận, Hà Nội đủ khả năng tổ chức SEA Games 31 mà không cần tốn nhiều kinh phí. |
Một vấn đề rất được quan tâm là địa điểm tổ chức SEA Games 31, ông Thắng cho biết phương án tiết kiệm kinh phí và tận dụng cơ sở vật chất sẵn có được ưu tiên. Trên cơ sở đó, nếu SEA Games diễn ra tại TP HCM sẽ khiến kinh phí đăng cai “phình” lên rất nhiều. Ngược lại, tổ chức Đại hội ở Hà Nội sẽ tận dụng được cơ sở vật chất từ SEA Games 22, không phải xây mới.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ phối hợp cùng UBND TP Hà Nội cùng một số địa phương lân cận để khảo sát các công trình thể thao trước khi hoàn tất đề án đăng cai. Đề án này sẽ được lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi trình lên Chính phủ.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề đăng cai SEA Games năm 2021 tại cuộc họp Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á vào tháng 4/2016 nếu đề án được Bộ Chính trị thông qua.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, việc đăng cai SEA Games là trách nhiệm của thể thao Việt Nam với cộng đồng các nước trong khu vực. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ làm hết sức để SEA Games tại Việt Nam diễn ra thành công và để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế. Song song với công tác đăng cai, ngành thể thao cũng chuẩn bị lực lượng VĐV được đào tạo bài bản, ngày càng nâng cao chất lượng để chinh phục những đỉnh cao mới ở đấu trường này.
Theo Trung Thành/Zing